Sôi động mùa nước nổi

Lê Quốc Khánh - Bùi Hà 23/08/2017 08:05

Giờ đây, mỗi khi nước lũ bắt đầu đổ về cũng là lúc nhiều hộ dân ở huyện đầu nguồn ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An, thành phố Cần Thơ… chuyển sang làm ăn theo con nước.

Thu hoạch cá linh vào mùa nước nổi.

Sinh kế theo mùa

Hàng năm mãi sau rằm tháng 7, nước từ thượng nguồn sông Mêkong mới rục rịch đổ về sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Cỏ… mang theo phù sa và nguồn lợi thủy sản.

Thế nhưng năm nay, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hầu như không có mùa khô bởi ngay mồng một Tết, mưa đã xối xả.

Sau đó, liên tiếp các tháng mùa khô vẫn có mưa, trong đó có những trận “mưa vàng” giải nhiệt và cứu nguy cho đồng ruộng lúa Xuân Hè và những cánh đồng trồng màu.

Khác với năm ngoái, từ đầu tháng 8/2017, nước trên sông Mekong đã đỏ ngầu báo hiệu mùa nước nổi chuẩn bị đổ về. Theo nguồn nước từ thượng nguồn, nhiều loại cá cùng theo về, nhiều nhất là cá linh.

Nước lũ giờ đây được xem là nguồn tài nguyên mà hàng năm thiên nhiên đã ban tặng cho vùng châu thổ sông Cửu Long nên bà con thường gọi những năm lũ lớn là mùa lũ đẹp.

Hiện nay, 11 huyện, thị, thành ở An Giang có gần 10.000 hộ tham gia sản xuất với 20 nhóm ngành tiểu thủ công nghiệp và trên 10.000 hộ mưu sinh 8 nhóm nghề có tính chất thời vụ, giải quyết việc làm khoảng 600.000 lao động với mức thu nhập từ 1 triệu đồng/người/tháng trở lên.

Nhiều mô hình làm ăn mùa nước nổi được các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ đúc kết, nhân rộng. Chỉ tính riêng ở An Giang, bình quân mỗi năm, bà con nông dân đã khai thác lợi thế mùa nước nổi tạo ra giá trị hàng hóa khoảng 1.500 tỉ đồng.

Huyện Thoại Sơn là huyện tạo được nhiều mô hình, điển hình làm giàu trong mùa nước nổi. Nếu trước đây bà con vùng nước nổi Thoại Sơn phải trông chờ có lũ để đợi cứu trợ thì nay cả 17 xã, thị trấn, nơi nào cũng có những mô hình làm ăn hiệu qủa như: Câu lưới, đặt dớn, bắt ốc bươu, nuôi cá lồng bè, nuôi cá ao hầm… tạo ra thu nhập hàng ngày từ 50.000 đến trên 100.000 đồng/ngày/hộ. Thoại Sơn còn tạo được mô hình nuôi tôm càng xanh chiếm 80% diện tích toàn tỉnh với gần 550 ha.

Ấp Vĩnh Phúc (Vĩnh Hanh, Châu Thành, An Giang), nơi có đến hàng trăm hộ gia đình sống bằng nghề cào và luộc hến bán hàng ngày. Mỗi ngày, có hộ cào được khoảng 70 đến 80 kg hến. Ngày ít nhất cũng được 30 đến 40 kg.

Thường thì 6 kg hến sống sẽ cho ra 1 kg hến ruột. Mỗi ký hến năm nay được mua với giá từ 15.000 đến 20.000 đồng. Nhờ cào hến nên không ít bà con nông dân thiếu đất canh tác có thêm thu nhập, công ăn viêc làm, ổn định cuộc sống trong mùa nước nổi.

Giảm tải ly hương

Là huyện thuần nông, Vĩnh Thạnh (Cần Thơ) năm nay gieo sạ trên 17.400 ha lúa Thu Đông, phần còn lại, bà con để đồng trống đưa nước vào ruộng hứng phù sa đổ về, bồi đắp dinh dưỡng cho đất.

Nhiều hộ cho biết, trước đây, mỗi khi lũ về, họ phải đi làm mướn nơi khác nhưng nay kiếm sống mùa lũ thu nhập ổn định nên không phải đi làm thuê, làm mướn ở nơi khác.

Chị Trần Thị Thanh, ở xã Thạnh Quới, cho biết: Nhà không ruộng đất, vợ chồng tôi làm thuê đủ kiểu để kiếm sống, nuôi con. Nay, đến mùa nước nổi, hai vợ chồng chuyển sang vớt ốc, kéo cá, hái bông điên điển bán.

Mỗi ngày kiếm được 100.000 - 150.000 đồng. Mùa nước nổi tuy cực khổ nhưng bù lại thu nhập khá hơn so với đi làm mướn. Ngoài ra, các xã, ấp ven sông Hậu còn khai thác lợi thế bãi bồi ven sông Tiền, sông Hậu phát triển nghề nuôi cá tra hầm, nuôi tôm, cá trong ruộng lúa tăng thu nhập hàng chục triệu đồng trong mùa nước nổi.

Mô hình nuôi tôm trong đăng quầng và nuôi trên chân ruộng phát triển khoảng 700 ha. Nhiều nơi còn trồng rau màu trên các bờ mương, trồng sen, củ ấu, rau nhút, hái bông điển điển – một loài hoa đặc sản mùa nước nổi ở ĐBSCL.

Cá biệt, có hộ trồng nấm rơm thu lợi nhuận 70 triệu đồng/ha, trồng ớt đạt trên 100 triệu đồng/ha. Có hộ chỉ có diện tích khoảng 25-30m2 nhưng trong 4 tháng mùa nước nổi thu hoạch hơn 4-5 triệu đồng.

Các mô hình khác như trồng sen, trồng rau nhút, đậu các loại, nấm rơm cũng thu họach từ 12 đến 25 triệu đồng trong 4 tháng nước nổi. Những hộ nuôi cá lóc, cá trong lồng bè cũng thu hoạch khoảng 15 triệu đồng.

Các nghề chế biến cá khô, sản xuất lưỡi câu, đóng ghe xuồng, làm dầm chèo, đan lưới, dệt chiếu, dệt thảm lục bình, dệt thổ cẩm... cũng phát triển và mang lại thu nhập khá cho cư dân vùng nước nổi. Nước nổi đã tạo việc làm và giúp bà con không phải ly hương kiếm sống như những năm trước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sôi động mùa nước nổi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO