Sử dụng đất nông, lâm trường: Khoán cho dân sẽ hiệu quả

Lục Bình (thực hiện) 13/09/2015 09:15

Thật bất hợp lý khi người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất trong khi đất nông, lâm trường (NLT) lại hoạt động không hiệu quả. “Tôi tin, nếu giao đất cho dân kết hợp hướng dẫn người dân sản xuất sẽ không còn cảnh lãng phí đất NLT khiến dư luận bức xúc thời gian qua”- Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Giàng A Chu đã khẳng định như vậy với Đại Đoàn Kết.

Giao đất không sử dụng của nông, lâm trường cho người dân sẽ phát huy hiệu quả.

PV: Ông cho rằng đất NLT hoạt động không hiệu quả mà đồng bào không có đất sản xuất, cá nhân ông cũng như Hội đồng Dân tộc đã có các cuộc khảo sát về vấn đề này chưa, thưa ông?

Ông Giàng A Chu: Ủy ban Thường vụ QH đã có các cuộc giám sát về quản lý, sử dụng đất đai tại các NLT. Qua quá trình giám sát cũng như báo cáo của các tỉnh, hiện nay chúng tôi thu thập được nhiều số liệu liên quan đến quản lý đất đai tại các NLT quốc doanh. Về cơ bản, sau khi chuyển đổi sắp xếp lại các NLT theo Nghị quyết 28, các NLT có những khó khăn nhất định.

Các NLT dù đã chuyển đổi cơ chế mới, hoạt động theo luật doanh nghiệp, theo cơ chế thị trường, có những thay đổi nhất định, nhưng về cơ bản NLT vẫn được Nhà nước giao cho nguồn quỹ đất rất lớn. Chẳng hạn với rừng, năm 2014 vẫn được giao hơn 7 triệu ha và nay vẫn còn trên 4 triệu ha. Được giao quỹ đất lớn như vậy nhưng NLT sản xuất, kinh doanh lại không hiệu quả.

Đặc biệt là các công ty nông lâm nghiệp, các ban quản lý rừng. Những đơn vị này vừa làm nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh vừa làm nhiệm vụ công ích nhưng vẫn còn lẫn lộn giữa 2 chức năng. Chính từ sự lẫn lộn đó mà quản lý đất đai không chặt chẽ.

Ông Giàng A Chu.

Trong khi đó, theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, có hơn 30 ngàn hộ dân thiếu đất sản xuất, không có đất sản xuất. Chúng tôi đã đi giám sát nội dung này. Rất nhiều nơi bà con không đủ đất sản xuất hoặc có đất thì rất xấu không sản xuất được.

Nghị quyết 28 đã nói rõ, các địa phương trên cơ sở rà soát, sắp xếp NLT, phải kiên quyết thu hồi một phần đất của các NLT, các công ty có nguồn gốc từ NLT giao lại cho địa phương, từ đó, địa phương chia cho dân thiếu đất sản xuất, giải quyết phần thiếu đất sản xuất, tạo công ăn việc làm ổn định cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Tôi đi giám sát, nhiều nơi như, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Tuyên Quang, chính quyền tỉnh rất kiên quyết thu hồi đất NLT giao cho dân, tuy nhiên, diện tích đất được thu hồi không nhiều. Thu hồi chưa nhiều vì còn vướng mắc, phải xử lý được tài sản trên đất mới có thể chia cho dân. Nếu bây giờ thu hồi đất mà không xử lý được tài sản trên đất thì người dân không đủ sức thanh lý tài sản này.

Nguyên nhân chính của thực trạng chậm giao đất cho dân do đâu, thưa ông?

-Như tôi đã nói, diện tích đất NLT được thu hồi chưa nhiều. Có nơi chỉ thu hồi được khoảng 500.000ha đất, có nơi cũng thu hồi được diện tích đất tương tự nhưng chỉ là hợp lý hóa vì đất đã bị lấn chiếm trước đó rồi.

Về nguyên nhân chậm thu hồi đất chủ yếu là chưa có cơ chế thanh lý tài sản trên đất. Như Tổng công ty Giấy Việt Nam họ đã sẵn sàng bàn giao đất cho địa phương và chỉ giữ lại 50% diện tích đất hiện có. Tuy nhiên giờ vẫn chưa thu hồi được vì kỳ sản xuất chưa kết thúc. Những tài sản trên đất như, cây cối người dân không thể thanh lý được.

Nếu một bên giao đất yêu cầu đền bù mà không được đền bù thỏa đáng còn một bên chỉ muốn nhận đất không mà không có cơ chế để thanh lý thì không thể giải quyết dứt điểm.

Đó là nguyên nhân khách quan, còn một nguyên nhân nữa khiến sự chậm trễ trong giao đất, đó là địa phương chưa tập trung vào nội dung này. Một số địa phương thấy sự bất hợp lý của dân thiếu đất mà NLT “ôm” đất, đã tiến hành thu hồi đất nhưng khi tổ chức thực hiện thấy vướng nên không kiên quyết, không làm đến cùng nên mới xảy ra chậm trễ.

Theo ông cần làm gì để đẩy nhanh tiến trình giao đất cho dân?

- Phải có giải pháp thanh lý tài sản trên đất. Chẳng hạn đối với cây con gần hết chu kỳ sản xuất tạo điều kiện cho người dân nhận khoán, sau đó có các cơ chế cho họ bán sản phẩm đó để thu hồi lại tài sản có giá trị trên đất. Đó là với những tài sản trên đất có giá trị, đối với tài sản hiệu quả kinh tế không cao Nhà nước phải thanh lý, có kinh phí đền bù cho chủ đất, đền bù cho NLT.

Trên cơ sở đó có quỹ đất sạch giao lại cho dân tổ chức sản xuất. Đồng thời, tiếp tục “khám sức khỏe” cho NLT, nếu NLT không đủ điều kiện hoạt động, phải tạo điều kiện cho người ta giải thể, để giao lại cho người sử dụng đất có hiệu quả làm.

Ông có tin đất cho dân hiệu quả tốt hơn nhiều so với NLT?

- Có thể không phải tất cả, nhưng nếu đất mầu mỡ, không cằn cỗi, đất có đủ điều kiện sản xuất giao cho bà con hiệu quả hơn nhiều. Ví dụ đất lâm nghiệp một số nơi như Tây Nguyên, có đủ điều kiện giao cho dân ngay.

Đối với nơi đất dốc, đá, lẫn sông suối, phải tu bổ từng bước rồi mới giao lại, nếu giao ngay cho dân thì không hiệu quả. Đặc biệt, đối với đồng bào thiểu số do trình độ canh tác kém, giao đất phải đi kèm với hỗ trợ kỹ thuật, tạo điều kiện cho sản xuất mới phát triển.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sử dụng đất nông, lâm trường: Khoán cho dân sẽ hiệu quả

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO