Sử dụng hiệu quả các khoản vay

T.Hằng 17/08/2018 08:30

Mặc dù các chỉ số về an toàn nợ công vẫn đang nằm trong ngưỡng cho phép, nhưng các kịch bản nợ công cùng các khuyến cáo đều chung 1 điểm: phải tận dụng hiệu quả các khoản vay để chi đầu tư phát triển hợp lý.

Năm 2018, tỷ lệ nợ công cao

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố báo cáo về thu hút, quản lý và sử dụng vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài 2018 - 2020, tầm nhìn 2025. Đáng chú ý trong bản báo cáo này, Bộ Kế hoạch đầu tư đưa ra kịch bản dự báo nợ công năm 2018 và 3 năm tới.

Theo đó, với kịch bản tăng trưởng GDP là 6,53% và lạm phát dưới 4%, thì Bộ Kế hoạch Đầu tư dự báo năm nay khả năng mức nợ công sẽ đạt 3,53 triệu tỷ đồng, tương ứng 63,92% GDP. Trong đó nợ Chính phủ hơn 2,9 triệu tỷ đồng (52,5% GDP), nợ Chính phủ bảo lãnh 559.000 tỷ và nợ chính quyền địa phương 73.000 tỷ. Mức bội chi ngân sách năm 2018 là 3,71% GDP, trong đó bội chi ngân sách trung ương 3,6% GDP.

Trong giai đoạn 2018 - 2020, tỷ lệ nợ công/GDP năm 2018 sẽ cao nhất 63,92%, sau đó sẽ giảm nhẹ về 63,46% năm 2019 và 62,58% năm 2020. Các chỉ tiêu này đều nằm dưới ngưỡng trần 64%GDP Quốc hội cho phép.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, giai đoạn 2018 – 2020 Việt Nam vẫn cần tranh thủ, tận dụng vốn ODA còn lại của các nhà tài trợ đa phương. Song, việc huy động và sử dụng cần được xem xét trong tổng thể các nguồn vốn đầu tư công, hạn mức vay nợ và khả năng cân đối trả nợ của ngân sách; cũng như xem xét, đánh giá tác động đến giai đoạn sau 2021 - 2025 để đảm bảo định hướng giảm dần bội chi, nợ công, chủ trương tái cơ cấu đầu tư công và khả năng cân đối nguồn trả nợ của các cấp ngân sách.

Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần nghiên cứu cơ chế để doanh nghiệp vay nguồn vốn của WB, ADB và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ khác mà không cần bảo lãnh Chính phủ... cho các dự án năng lượng tái tạo, ứng phó biến đổi khí hậu.

Vấn đề cấp bách

Đó là câu khẳng định của TS Lưu Bích Hồ khi trả lời Đại Đoàn Kết về vấn đề nợ công. Vị tiến sĩ cho rằng, thâm hụt ngân sách ngày càng lớn trong khi đó chi chi thì không giảm, nợ công tăng cao. Hơn nữa các khoản vay nợ nước ngoài đang phải chuyển dần sang cơ chế lãi suất thị trường, hết thời lãi suất ưu đãi, gánh nặng nợ công đã nặng càng nặng hơn.

Trong khi các giải pháp giảm chi thường xuyên được đưa ra nhưng chi ngân sách thường xuyên vẫn không thể giảm. Do vậy, để quản lý nợ công cần phải tăng trách nhiệm giải trình, phối hợp giữa các khối quản lý.

Thực tế với quá trình phát triển của quốc gia, lãi suất vay có xu hướng tăng dần, đặt trong bối cảnh nền kinh tế vẫn cần phải vay nợ để chi cho đầu tư phát triển thì các khoản chi phải chính xác và hiệu quả. Giới chuyên gia cho rằng, cần giảm thiểu thất thoát từ đầu tư công, nếu đồng vốn đi vay không được sử dụng hiệu quả, không thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội thì việc vay mượn sẽ có tác dụng ngược. Nợ công gia tăng và áp lực ngày càng nặng như núi.

Dự liệu từ tình hình thu chi ngân sách 7 tháng của Bộ Tài chính công bố cũng cho biết, tổng chi NSNN 7 tháng là 759,7 nghìn tỷ đồng bằng 49,9% dự toán, tăng 9,8% so cùng kỳ. Trong đó chi đầu tư phát triển đạt 150,45 nghìn tỷ, tăng 26% và chi trả nợ lãi đạt 68,8 nghìn tỷ đồng tăng 10,4%. Dù Bộ Tài chính khẳng định đảm bảo thanh toán trả nợ đầy đủ, kịp thời nhĩa vụ nợ hết hạn theo cam kết nhưng từ đây cũng cho thấy, số nợ cần phải trả tăng tiến theo thời gian.

Tại cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo Bộ Tài chính phải đảm bảo bội chi và nợ công ở mức cho phép. Theo Phó Thủ tướng, những năm vừa qua, một trong những thành công của Bộ Tài chính là kiểm soát chặt chẽ và cơ cấu lại nợ công, kéo dài được kỳ hạn của Trái phiếu Chính phủ, chuyển được nợ ngắn hạn thành dài hạn, chuyển nợ lãi suất cao thành nợ lãi suất thấp… Qua đó giảm áp lực nợ công nhiều. Đề nghị Bộ Tài chính phải làm sao quản lý tốt nợ công mà vẫn đảm bảo cho dư địa phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sử dụng hiệu quả các khoản vay

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO