Tận dụng cơ hội để thu hút đầu tư

H.Vũ 06/11/2018 08:00

Ngày 5/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là làm sao phát huy được lợi thế của hội nhập để vươn lên, tránh phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI. Nhưng muốn vậy, cần đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, cắt giảm những giấy phép con để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Tận dụng cơ hội để thu hút đầu tư

Doanh nghiệp cần nâng cao năng suất, sức cạnh tranh khi thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Ảnh: Quang Hiếu.

Không lo ngại vấn đề lao động

Cơ bản thống nhất với sự cần thiết và ủng hộ Quốc hội phê chuẩn CPTPP vì đã bảo đảm phù hợp với Hiến pháp và Luật Điều ước quốc tế, ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) nhìn nhận, tham gia CPTPP sẽ tác động mạnh đến 1 số ngành kinh tế, dự kiến tạo ra mức tăng trưởng lớn nhất đối với các ngành: thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, dệt may, hoá chất. Tuy nhiên, trên thực tế đây là những ngành kinh tế thâm dụng lao động, khó nâng cao năng suất lao động và bảo đảm việc làm bền vững. “Việc thúc đẩy tăng trưởng và mở rộng việc làm trong các lĩnh vực này, cần phải được đánh giá một cách khách quan trên phương diện là thách thức lớn hơn cơ hội”- ông Lợi nói đồng thời cho rằng những thách thức về năng suất lao động, tiền lương thu nhập, khả năng đáp ứng nguồn nhân lực khi lợi thế nguồn nhân lực giảm dần trong bối cảnh già hoá dân số là những vấn đề mà Chính phủ cần có bước chuẩn bị để đi trước đón dầu nhằm khắc phục, hạn chế thách thức.

Theo ông Lợi, vấn đề cần quan tâm nhất trong Hiệp định này đối với Việt Nam là lao động. Qua rà soát hệ thống pháp luật lao động hiện hành của nước ta thì vấn đề liên quan đến xoá bỏ lao động cưỡng bức, lao động trẻ em, xoá bỏ phân biệt trong lao động về cơ bản là phù hợp vơí các tiêu chuẩn của ILO và cam kết của Hiệp định CPTPP mà khi sửa đổi Bộ luật Lao động năm 2012 đã được tiếp thu chỉnh sửa cơ bản. Tuy nhiên, trên thực tế để thực thi nghiêm túc các cam kết của Hiệp định, Chính phủ cần dự liệu những khó khăn đối với việc tăng cường giảm thiểu lao động trẻ em trong bối cảnh lao động nông nghiệp, lao động trong khu vực phi chính thức vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế, việc sử dụng lao động trẻ em trong nông nghiệp và hoạt động dịch vụ còn khá phổ biến. Đây là vấn đề cần xem xét và rà soát trong hệ thống pháp luật. ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cũng cùng chung quan điểm và bày tỏ những lo ngại trong vấn đề lao động.

Giải trình, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh cho rằng, trong quá trình đàm phán, Chính phủ đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, các ngành lĩnh vực vì đây là những đối tượng chịu sự tác động trực tiếp. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng lắng nghe các ý kiến góp ý từ các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới. Đây là nguồn thông tin quan trọng để Chính phủ đánh giá. “Và qua đó các lợi ích cốt lõi của Việt Nam đều được đảm bảo và theo chiều hướng có lợi cho đất nước”- Phó Thủ tướng khẳng định đồng thời cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành để đánh giá từng lĩnh vực cụ thể, từ đó có giải pháp phù hợp với thực tiễn.

Liên quan đến vấn đề lao động mà các ĐBQH lo ngại, theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, CPTPP không đưa ra các tiêu chuẩn riêng về vấn đề lao động mà theo các tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động quốc tế ILO, và thời gian qua chúng ta đã thực hiện theo các quy định của ILO. Ngay bản thân vấn đề lao động, ILO cũng quy định việc tổ chức đảm bảo quyền lợi của người lao động cũng phải tuân thủ theo pháp luật của nước sở tại. “Cho nên để đảm bảo vấn đề an ninh, chúng ta chỉ cần sửa Bộ luật Lao động, còn Luật Công đoàn tuy có quan hệ với vấn đề lao động nhưng sau khi sửa đổi xong Bộ luật Lao động, Chính phủ sẽ sửa Luật Công đoàn nếu thấy cần”- Phó Thủ tướng cho hay.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính

Dẫn chứng bài học các FTA từng hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội, nhưng phần lợi ích thực sự đạt được của chúng ta còn khiêm tốn. Riêng các lợi ích từ ưu đãi thuế quan, trung bình chúng ta mới chỉ tận dụng được chưa đầy 40% và chủ yếu thuộc về các FDI, còn hơn 60% còn lại đã tuột khỏi tay doanh nghiệp Việt, ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho rằng, việc quan trọng hơn là phải xây dựng được các cơ chế bảo đảm nâng cao năng lực của cả chính quyền và doanh nghiệp để có thể hiện thực hóa thành công các cơ hội được mở ra. Theo đó, chương trình hành động thực thi Hiệp định cần nhấn mạnh công tác tổ chức thực hiện và hỗ trợ các đối tượng chịu tác động, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và nhóm các đối tượng dễ bị tổn thương trong khu vực nông nghiệp, nông thôn. Nếu các đối tượng này không được hưởng lợi từ CPTPP thì việc thực thi Hiệp định này sẽ là một thất bại.

Tận dụng cơ hội để thu hút đầu tư - 1

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về CPTPP.

“Từ kinh nghiệm thực thi WTO và các FTA trước đây nếu so với yêu cầu đó, thì chúng ta còn phải cố gắng rất nhiều. Theo Bảng xếp hạng môi trường kinh doanh do Ngân hàng Thế giới vừa công bố tuần qua, Việt Nam đứng thứ 69 trên thế giới và xếp hạng cuối cùng trong 11 nền kinh tế tham gia CPTPP. Khoảng cách với thế giới còn quá lớn, cạnh tranh sẽ rất khắc nghiệt. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể đang tăng lên trong thời gian gần đây cho thấy rõ điều này. Con đường cải cách do vậy còn dài, để vượt lên, cải cách cần phải được gia tốc, và những nỗ lực cải cách và hội nhập vẫn phải bắt đầu từ những điều giản dị như khép lại khoảng cách giữa lời nói và việc làm; kiên trì gỡ bỏ từng giấy phép con, từng thủ tục hành chính đang còn gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp để không chỉ tiếp tục cởi trói mà còn tiếp sức cho công cuộc khởi nghiệp của toàn dân”- ông Lộc cho hay.

Cho rằng nước ta là nền kinh tế có độ mở cao, có nghĩa phụ thuộc vào thị trường bên ngoài. Cho nên muốn ổn định phải giữ vững cam kết với các thị trường bên ngoài để ổn định nền kinh tế trong nước, theo ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội), điều quan trọng cần có cơ chế chính sách để thu hút đầu tư. “Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung xảy ra dự báo có nhiều nhà đầu tư sẽ rời khỏi Trung Quốc. Nếu chúng ta thu hút đầu tư tốt, thuận lợi sẽ có nhiều nhà đầu tư vào ta đầu tư, còn nếu không tốt thì hàng hóa các nước sẽ tràn vào làm chết sản xuất trong nước, khi đó hậu quả sẽ nặng nề. Cho nên chúng ta phải đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút nhà đầu tư, tạo lập một môi trường đầu tư kinh doanh công khai minh bạch để thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Có như vậy kinh tế mới phát triển bền vững”- ông Cường cho hay.

Theo ĐB Lê Thu Hà (Lào Cai), cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh mới là vấn đề lâu dài. Bên cạnh các ưu đãi “vàng” về lao động giá rẻ thì thách thức rất lớn nằm ở nâng cao năng lực cạnh trong nước. Nhưng muốn vậy bà Hà cho rằng, phải có nguồn nhân lực có trình độ cao, đáp ứng quá trình phát triển gắn với đổi mới sáng tạo vì trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mô hình tăng trưởng cần có chất xám sáng tạo chứ không còn là lao động gía rẻ như trước đây nữa. Nếu chỉ phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI và chỉ gia công cho họ thì không khác nào “xây nhà trên móng nhà người khác”.

“Do đó phải khơi dậy, giải phóng đổi mới sáng tạo, và thu hút FDI cần có chọn lọc, không thu hút FDI bằng mọi giá”- bà Hà nhìn nhận đồng thời cho rằng, đây không phải là việc của mình Chính phủ mà đội ngũ xung kích là các doanh nghiệp cũng cần vào cuộc để tận dụng khai thác những thị trường tiềm năng, sử dụng hiệu quả đồng vốn tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị của các tập đoàn lớn, có như vậy mới tham gia sâu hơn vào chuỗi công nghệ toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tận dụng cơ hội để thu hút đầu tư

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO