Tăng kiểm tra nguồn gốc hàng hóa

Hồ Hương (ghi) 15/11/2016 08:05

Để chuẩn bị cho các hoạt động đăng cai tổ chức Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), ngày 14/11, tại Hà Nội, Tổng cục Hải quan tổ chức hội thảo xác định những vấn đề ưu tiên cho hải quan năm 2017.

Ông Nguyễn Công Bình - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan khẳng định, thời gian tới sẽ xác định nhiệm vụ quan trọng là hợp tác hải quan, đơn giản hóa các thủ tục thông quan nhưng vẫn đảm bảo an ninh thương mại.

Tăng kiểm tra nguồn gốc hàng hóa

Ông Nguyễn Công Bình.

PV: Thưa ông, APEC 2017 gắn với kết quả của Nhóm tiểu ban bên lề (SCCP) APEC 2016. Các vấn đề ưu tiên của SCCP APEC 2017 được xác định sẽ tập trung vào một số nhóm nội dung nào thưa ông?

Ông Nguyễn Công Bình: Các hoạt động của APEC sẽ tập trung đẩy mạnh các hoạt động như: Tăng cường khung kết nối chuỗi cung ứng trong đó nhấn mạnh vào nội dung quá cảnh hải quan với mục tiêu dài hạn nhằm thực hiện xây dựng năng lực, triển khai hướng dẫn quá cảnh hải quan, thực hiện đánh giá thường xuyên, và xây dựng các thỏa thuận về chứng nhận xuất xứ đối với hàng hóa quá cảnh nhằm tạo ra môi trường thuận lợi cho thông quan hải quan và các quy tắc quá cảnh đối với các nhà thương mại quốc tế, cải thiện tính hiệu quả và an ninh dây chuyền cung ứng; đồng thời đảm bảo công tác kiểm soát hải quan trong khu vực dựa trên các nguyên tắc cơ bản: thuận lợi, trách nhiệm, minh bạch-nhất quán và đơn giản.

Hoàn thiện kết nối cơ chế một cửa nhằm mục đích cải cách hành chính thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại: việc phát triển cơ chế một cửa và hợp tác chia sẻ thông tin sẽ tăng tính đồng thuận, giảm bớt khoảng cách giữa các quốc gia, tăng cường hội nhập và liên kết khu vực chặt chẽ; Phát triển chương trình doanh nghiệp ưu tiên và tăng cường quan hệ đối tác giữa hải quan - doanh nghiệp trong đó tạo cơ hội thúc đẩy năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong kỷ nguyên số; Tăng cường phát triển công nghệ thông tin và ứng dụng quản lý rủi ro, phân tích thông tin trước khi hàng đến là các biện pháp kỹ thuật tối quan trọng trong công cuộc cải cách, hiện đại hóa hải quan, đảm bảo kiểm soát hải quan hiệu quả gắn liền với tuân thủ nhằm hướng tới mục tiêu tạo thuận lợi thương mại và đảm bảo an ninh cung ứng thương mại APEC; Tăng cường phát triển thương mại điện tử qua biên giới là một biện pháp góp phần thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại: khuyến khích các thành viên APEC xây dựng kho dữ liệu và chia sẻ dữ liệu thông tin đồng thời phát triển mạnh mẽ cơ chế hợp tác để khuyến khích việc trao đổi thông tin giữa các cơ quan hải quan, các nhà cung ứng dịch vụ.

Cuối cùng là tăng cường thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ qua biên giới nhằm khuyến khích tăng trưởng đổi mới, đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng toàn cầu và thúc đẩy đầu tư.

Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn những những kế hoạch và các hoạt động ưu tiên của ngành Hải quan?

- Ngành sẽ rà soát lại các thủ tục để đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tiêu chuẩn hóa các thủ tục thông quan, xuất nhập khẩu hàng hóa theo mô hình. Tham chiếu vào mô hình APEC, dựa vào đó để cơ quan hải quan tăng cường an ninh thương mại.

Cơ quan hải quan sẽ áp dụng các tờ khai chuẩn, tham gia một cửa, kết nối chứng từ để truy xuất nguồn gốc hàng hóa nhanh hơn, thuận tiện hơn nhưng đảm bảo an ninh. Nhất là trong việc là xác định kiểm tra xuất xứ hàng hóa và kiểm soát kiểm tra xuất xứ hàng hóa.

Hoạt động ưu tiên nữa là làm kết nối giữa hải quan với các bộ ngành để rút ngắn thời gian kiểm tra chuyên ngành, giảm thời gian thông quan cho doanh nghiệp. Những hoạt động ưu tiên cũng chính là mục tiêu lớn nhất của ngành hải quan.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng kiểm tra nguồn gốc hàng hóa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO