Tăng tốc xuất khẩu

Hồ Hương 18/12/2018 08:30

Nếu như cách đây khoảng 10 năm, giai đoạn 2007-2008, “câu lạc bộ xuất khẩu tỷ đô” chỉ điểm tên một số mặt hàng như: Dệt may, da giày, thủy sản... với kim ngạch khá khiêm tốn, thì hiện nay, số mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD đã nhiều hơn.

Tính đến nay, các nhóm hàng điện thoại, dệt may, máy móc thiết bị, máy vi tính, máy ảnh, giày dép, sắt thép, gỗ, phương tiện vận tải và sản phẩm từ sắt thép…vẫn dẫn đầu trong việc mang lại nguồn ngoại tệ cho nền kinh tế. Cụ thể, điện thoại các loại và linh kiện tính đến hết tháng 11/2018, trị giá xuất khẩu nhóm hàng này đạt 46,2 tỷ USD, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là các sản phẩm hàng dệt may với kim ngạch xuất khẩu đạt 27,7 tỷ USD trong 11 tháng, tăng 17,1%, tương ứng tăng 4,05 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước…

Tỷ trọng xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực chủ yếu vẫn thuộc về khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, như điện thoại và linh kiện, điện tử, máy tính và linh kiện, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng ,hàng dệt may. Ngoài các mặt hàng có yếu tố vốn ngoại trên, một số mặt hàng nông sản, thủy sản cũng tăng trưởng khá. Khối lượng gạo xuất khẩu 11 tháng ước đạt 5,7 triệu tấn với 2,9 tỷ USD, tăng 5,6% về khối lượng và tăng 17,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo năm 2018, gạo xuất khẩu giữ vững đà tăng trưởng, kỳ vọng có thể đạt 6,15 triệu tấn với kim ngạch đạt 3,15 tỷ USD, tăng 5,7% về lượng và 19,6% về trị giá so với năm 2017.

Có được các kết quả sáng trong xuất khẩu cũng là nhờ phần nỗ lực kêu gọi đầu tư nước ngoài trong thời gian qua. Hiện nay, các doanh nghiệp điện tử, công nghệ thông tin lớn nhất thế giới đã có mặt tại Việt Nam, đóng góp lớn vào xuất khẩu. Tuy nhiên, có nhận định cho rằng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này sẽ giảm dần vào cuối năm do nhiều nguyên nhân.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Do vậy, cần định hướng nâng cao chiến lược xuất nhập khẩu theo hướng bền vững, trong đó tăng trưởng xuất khẩu cả về chiều rộng và chiều sâu.

Thời gian qua, các cơ quan quản lý cũng cố gắng tạo nhiều điều kiện cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư, đặc biệt không hồi tố về chính sách để doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất. Giới chuyên gia cho rằng, khi cơ quan quản lý cải cách thủ tục hành chính, không chỉ là đơn giản hơn, minh bạch hơn mà còn phải hướng đến một nền hành chính phục vụ, nền hành chính văn minh. Do đó, bên cạnh việc tự rà soát, thì việc lắng nghe và tiếp thu ý kiến của người dân và cộng đồng doanh nghiệp là điều vô cùng cần thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng tốc xuất khẩu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO