Tham tán thương mại Trung Quốc nói gì về hàng Việt?

Theo Pháp luật TP HCM 07/11/2018 10:30

Rất nhiều sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam được người Trung Quốc ưa chuộng.

“Người Trung Quốc (TQ) thích cá ba sa Việt nhúng lẩu”. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông Vĩ Tích Thành, Tham tán thương mại và kinh tế Tổng lãnh sự quán TQ tại TP HCM, đã diễn giải một cách súc tích lý do cá ba sa và nhiều nông sản của Việt Nam đang xuất khẩu rất mạnh vào thị trường TQ.

Tham tán thương mại Trung Quốc nói gì về hàng Việt?

Ông Vĩ Tích Thành.

Sẵn sàng chi tiền mua sản phẩm chất lượng cao

PV: Hiện TQ là một trong những thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. Ông có thể cho biết người dân TQ nhận xét gì về nông sản Việt Nam?

Ông Vĩ Tích Thành: Chúng ta thử nhìn về con cá ba sa Việt Nam. Đây là sản phẩm mà TQ đang nhập khẩu rất nhiều từ Việt Nam. Điều thú vị là người TQ thích ăn lẩu và cá ba sa Việt Nam là một nguyên liệu rất ngon để nhúng lẩu. Riêng tại hai TP Tứ Xuyên và Trùng Khánh, cá ba sa Việt Nam có sức tiêu thụ rất tốt.

Nhìn rộng hơn con cá ba sa có thể thấy người dân TQ xem ẩm thực rất quan trọng và họ thích ăn, ăn rất khỏe. Tuy vậy, các nhà xuất khẩu của Việt Nam nên chú ý: Không phải vì dân số đông mà người dân TQ cái gì cũng tiêu thụ, cái gì cũng ăn, cái gì cũng mua. Nói cách khác là người tiêu dùng nước chúng tôi ngày càng đòi hỏi cao về tiêu chuẩn chất lượng, nguồn gốc hàng hóa phải rõ ràng.

Nhìn chung TQ có tiềm năng rất lớn cho nhu cầu nông sản, đặc biệt là các sản phẩm ngoại nhập. Trong đó người dùng TQ đặc biệt thích và sẵn sàng trả giá cao để mua các sản phẩm ngoại nhập từ Mỹ, Úc, New Zealand và các nước châu Âu. Đây là những nước có tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cao.

Với nông sản Việt Nam thì sao, thưa ông?

- Với hàng nông sản Việt Nam, tôi cho rằng nếu đảm bảo chất lượng thì sẽ được tiêu thụ rất nhiều tại TQ. Thời gian qua nhiều nông sản của Việt Nam như chuối, nhãn, sầu riêng, thanh long, tôm… rất được ưa chuộng tại thị trường TQ.

Nhu cầu của thị trường TQ đang hướng tập trung vào nông sản chất lượng cao. Nếu Việt Nam làm tốt khâu xây dựng chất lượng và đảm bảo quy trình trồng trọt, nuôi trồng thì sẽ xuất khẩu chính ngạch dễ dàng vào thị trường TQ với giá trị cao hơn và ít rủi ro hơn so với hiện nay.

Tuy vậy, hiện nông sản Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu sang TQ theo con đường tiểu ngạch, xuất khẩu chính ngạch còn ít. Các thương lái TQ khi đi thu mua cũng thường áp dụng hình thức này.

Nhưng các nhà xuất khẩu Việt Nam cho biết xuất khẩu qua chính ngạch vào TQ không dễ nên đành phải xuất tiểu ngạch. Bên cạnh đó, thương lái TQ cũng vào tận Việt Nam mua hàng, có thể hiểu điều này ra sao, thưa ông?

- Tôi cho rằng việc thương lái TQ đến tận nơi thu mua sản phẩm cũng là bất đắc dĩ thôi. Vì sao vậy? Những công ty lớn của TQ là đầu mối lớn phân phối cho thị trường muốn sang Việt Nam mua sản phẩm nhưng không thể tìm thấy nguồn hàng lớn, ổn định với chất lượng tốt và đồng đều do nông dân Việt Nam có khi mỗi hộ sản xuất được vài trăm ký (nên các công ty TQ phải thông qua thương lái thu gom kiểu nhỏ lẻ - PV).

Tham tán thương mại Trung Quốc nói gì về hàng Việt? - 1

Thanh long là một trong những mặt hàng đang được xuất khẩu mạnh sang TQ. (Ảnh: Quang Huy).

Thêm nữa một số nhà xuất khẩu Việt Nam cũng chưa hiểu nhiều về thị trường TQ, chưa chủ động xem thị hiếu, nhu cầu của người dân TQ là gì để từ đó tập trung sản xuất. Đây cũng là một lý do khiến các thương lái TQ tìm gặp nông dân để mua.

Tôi rất ủng hộ doanh nghiệp Việt kết nối, thu mua hàng cho nông dân và bán trực tiếp vào thị trường TQ. Làm được điều này cũng có nghĩa là thương lái TQ sẽ không có kẽ hở để ép giá nông dân Việt Nam.

Đúng là các doanh nghiệp Việt Nam nên nỗ lực đưa hàng qua con đường chính ngạch để giảm yếu tố rủi ro, tránh điệp khúc “được mùa mất giá” phải giải cứu nông sản. Nhưng có ý kiến cho rằng xuất khẩu tiểu ngạch cũng quan trọng, không thể bỏ?

- Tôi không nắm cụ thể giá trị kim ngạch buôn bán qua đường biên mậu (tiểu ngạch) nhưng tôi ước tính rằng lượng hàng hóa Việt Nam qua TQ bằng con đường biên mậu chiếm khoảng 60%-70%. Xuất khẩu qua đường tiểu ngạch thật ra rất quan trọng, vì nó là bộ phận cấu thành của thương mại giữa TQ và Việt Nam. Giao thương qua biên mậu có tác dụng rất tốt để thúc đẩy phát tiển kinh tế vùng biên, vùng sâu. Tuy vậy, phương thức buôn bán này có rủi ro về thanh toán, về nguồn hàng… cho cả hai bên. Tiểu ngạch quan trọng nhưng lại không bền vững, yếu tố rủi ro rất cao.

Cho nên chính phủ hai nước cần có chính sách để chấn chỉnh lại để nó trật tự hơn. Đồng thời có những biện pháp để đảm bảo những người kinh doanh biên mậu không gặp rủi ro về thanh toán hay cung cấp hàng.

Theo ông, nông sản Việt Nam cần giải pháp gì đáp ứng tốt hơn thị trường TQ?

- Tôi cho rằng cả chính quyền lẫn doanh nghiệp và nông dân cần có sự hợp tác chặt chẽ trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Trước tiên cơ quan quản lý xây dựng hệ thống tiêu chuẩn nông nghiệp, nông dân phải làm theo tiêu chuẩn cụ thể để đảm bảo chất lượng.

Về phía các công ty Việt Nam nên xây dựng những công ty đầu mối đủ mạnh để thu gom đại trà, như thế mới có số lượng lớn đảm bảo chất lượng để làm ăn lâu dài và bền vững với thị trường TQ. Nghĩa là thay vì sản xuất, thu mua nhỏ lẻ nên có những thương nhân lớn đứng ra làm đầu mối để các quy trình này được thống nhất.

Hàng Việt Nam liệu có bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung?

- Thực tế, các nông sản Việt dù có chiến tranh thương mại hay không vẫn đang xuất khẩu rất tốt sang thị trường TQ.

Xin cám ơn ông.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tham tán thương mại Trung Quốc nói gì về hàng Việt?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO