Thanh toán không dùng tiền mặt: Người tiêu dùng vẫn thờ ơ

Minh Phương 07/04/2017 10:00

Chính phủ đang khuyến khích người dân sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt bằng cách đẩy mạnh mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%. Tuy nhiên, thói quen trong sinh hoạt hàng ngày cũng như tâm lý lo ngại về sự bảo mật thông tin vẫn đang khiến người tiêu dùng chưa chú trọng đến việc sử dụng thẻ khi giao dịch.

Ảnh minh họa.

Ngại giao dịch thẻ

Theo giới chuyên gia kinh tế, thanh toán không dùng tiền mặt đem lại nhiều lợi ích cho quốc gia cũng như cho doanh nghiệp và cá nhân về mặt thời gian, tiền bạc, thế giới đã đi theo xu hướng này từ rất lâu… Tuy nhiên, ở Việt Nam, người tiêu dùng hầu như chưa quan tâm đến việc thanh toán qua thẻ.

Trao đổi với phóng viên, nhiều người tiêu dùng cho biết, đi mua hàng ở siêu thị, hay mua sắm tại các cửa hàng, quán ăn, khi được người bán hàng hỏi trả qua thẻ hay tiền mặt, họ đều có chung câu trả lời là: “Trả bằng tiền mặt”. Trả qua thẻ chỉ là trường hợp bất đắc dĩ, vì hết sạch tiền mặt trong ví hoặc số tiền quá lớn khi giao dịch…

Bà Nguyễn Mai Chi, ở phố Trung Kính (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, bà đã nghe báo đài nói nhiều về những lợi ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt, tuy nhiên, bà chưa thể thay đổi thói quen tích trữ tiền mặt để đi chợ hàng ngày, và hầu như ít nghĩ đến việc sử dụng thẻ để thanh toán khi đi vào các cửa hàng mua sắm.

Theo chuyên gia thị trường Vũ Vinh Phú, thói quen lâu nay của người tiêu dùng Việt Nam trong cách mua sắm, sinh hoạt hằng ngày vẫn chưa thay đổi, chủ yếu vẫn thích tiêu tiền mặt nên rất ít người nghĩ đến việc sẽ sử dụng thẻ trong các giao dịch, mua sắm.

Việc chưa thể thay đổi thói quen tiêu dùng của người Việt cũng được nhiều chuyên gia khẳng định: “Việt Nam vẫn là một nước đang phát triển, môi trường, trình độ, văn hóa… là các yếu tố khiến chúng ta vẫn sử dụng tiền mặt nhiều hơn là thanh toán qua thẻ, qua ngân hàng”. Đáng chú ý, có một nghiên cứu cho thấy cứ 3 người trưởng thành ở Việt Nam thì chỉ có 1 người mở tài khoản ở ngâm hàng. Mà tài khoản này không phải là tài khoản ATM hay tài khoản thanh toán mà là tài khoản tiết kiệm. Mở ra bỏ tiền vào đó cất đi để dành. Việt Nam là quốc gia có số lượng thanh toán không dùng tiền mặt thấp nhất khu vực Đông Nam Á.

Đặc biệt, tại Việt Nam, hầu hết người lao động hiện nay có mức thu nhập thấp, với mức lương trung bình chỉ khoảng 4-5 triệu đồng/ tháng thì việc thanh toán bằng thẻ đối với họ gần như rất… xa vời. Theo chia sẻ của anh Trần Mạnh Hùng, một công nhân lao động có mức thu nhập 5 triệu đồng/ tháng, nhận lương xong trả tiền thuê nhà, điện nước đã hết một nửa, số còn lại để đi chợ hàng sáng do đó hầu như anh Hùng không thấy được lợi ích gì từ việc thanh toán không dùng tiền mặt.

Số liệu thống kê cho biết, trong 3 năm gần đây, doanh số sử dụng thẻ nội địa chi tiêu tại POS có chiều hướng tăng đều qua các năm nhưng vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực.

Doanh số sử dụng thẻ nội địa tại POS năm 2016 đã tăng trưởng 54,19% so với năm 2015, cao hơn mức tăng trưởng doanh số sử dụng thẻ quốc tế (chỉ đạt 29,3%). Về phát hành thẻ quốc tế, số lượng thẻ quốc tế phát hành tăng trưởng không ngừng qua các năm, đến năm 2016 số lượng thẻ trên thị trường đạt trên 12 triệu thẻ, tăng 30% so với năm 2015.

Thay đổi thói quen

Theo nhận định của Hội Thẻ ngân hàng Việt Nam (VBCA), đối với các giao dịch qua ATM, chủ yếu vẫn là giao dịch rút tiền mặt. Con số 60 tỷ đồng doanh số rút tiền mặt/ATM/ của năm 2012 lên đến 106 tỷ đồng vào năm 2016 cho thấy điều đó và cũng là dữ liệu minh chứng rằng, thói quen sử dụng tiền mặt của người tiêu dùng vẫn chưa thể thay đổi được.

Bên cạnh đó, các sự vụ mất tiền trong tài khoản ATM thời gian qua cũng là một trong những lý do khiến người tiêu dùng e ngại khi để tiền trong ngân hàng.

Chính phủ đã đưa ra Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt với mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%.

Bên cạnh đó là mục tiêu 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt; 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn không dùng tiền mặt; 50% cá nhân, hộ gia đình ở các thành phố lớn sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng…

Đặc biệt, sẽ xem xét nghiên cứu ban hành quy định giao dịch bất động sản và những tài sản có giá trị lớn (như ô tô, xe máy, tàu thuyền…) đều phải thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Tuy nhiên, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu chưa để người dân thấy được rõ những lợi ích thiết thực, trực tiếp ngay đến bản thân người dân thì sẽ rất khó để khuyến khích sử dụng thẻ thanh toán thay tiền mặt.

Bên cạnh đó, theo TS Lê Xuân Nghĩa, để đạt được các mục tiêu của Chính phủ đề ra, cần nhiều giải pháp đồng bộ hơn nữa vì ở đây còn báo gồm cả các yếu tố về thói quen tiêu dùng, cách sống và cả trình độ, văn hóa, môi trường… Tất nhiên, đi kèm với thay đổi tư duy, thói quen của người tiêu dùng, vấn đề về bảo mật thông tin cần phải được đảm bảo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thanh toán không dùng tiền mặt: Người tiêu dùng vẫn thờ ơ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO