Thất bại đề án phát triển cây cao su tại Thanh Hóa

Nguyễn Chung 24/05/2019 07:10

Vào khoảng các năm từ 2007 – 2009, khi cây cao su được đưa vào trồng thử nghiệm tại nhiều địa phương trên toàn tỉnh Thanh Hóa, cũng là lúc thứ “vàng trắng” này đi vào chuỗi thời gian cực thịnh, huy hoàng. Giá mủ lúc ấy luôn ở mức từ 70 – 85 nghìn/kg. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, các hộ dân trồng cao su gần như chưa một lần được hưởng trọn niềm vui từ loài cây này, do giá mủ nhanh chóng lao dốc.

Cao su từng được kỳ vọng là cây công nghiệp mũi nhọn góp phần phát triển kinh tế bền vững tại các huyện phía Tây tỉnh Thanh Hóa. Từ 2007 - 2012, toàn tỉnh đã trồng được hơn 18 nghìn ha cao su. Tuy nhiên, cây cao su dần bộc lộ những hạn chế, bất cập, hàng nghìn ha cao su đến kỳ thu hoạch mủ bị đốn hạ. Tính đến năm 2019, toàn tỉnh chỉ còn hơn 14 nghìn ha và diện tích này cũng đang dần thu hẹp.

Kỳ I: Hàng nghìn hộ dân điêu đứng vì cây cao su

Thất bại đề án phát triển cây cao su tại Thanh Hóa

Hàng nghìn ha cây cao su đang vào thời thu hoạch tại Thanh Hóa bị người dân bỏ mặc do giá mủ quá thấp.

Vào thời điểm cực thịnh, giá 1 tấn mủ cao su khô có thể xây được căn nhà bề thế. Chính vì vậy, người ta đã phấn khởi khoác cho nó cái tên khá mỹ miều - “vàng trắng”. Cũng như nhiều vùng được quy hoạch để phát triển cây cao su khác trên cả nước, người dân miền núi ở Thanh Hóa hết sức vui mừng và kỳ vọng. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm du nhập vào Thanh Hóa, cây cao su lại đang gieo cho người nông dân nỗi thất vọng.

Cao su tiểu điền đang bị bỏ mặc

Đã nhiều ngày nay, anh Hoàng Công Mười, trú thôn Tân Lý, xã Thành Tâm, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa), hết đi ra sau nhà nhìn đồi cao su rộng 5 ha của gia đình đã vào kỳ khai thác, lại đi vào nhà với tâm trạng thấp thỏm và lo lắng. Vì nếu vào thời điểm này các năm trước, phía Cty Cao su Thanh Hóa đã gửi đi thông báo giá mủ cho người dân khai thác từ lâu nhưng năm nay, giá mủ thấp, dường như họ cũng không còn muốn phát đi cái thông báo thường lệ ấy nữa.

“Thực ra chờ là chờ vậy thôi chứ chúng tôi cũng chả hy vọng gì nhiều! Với giá mủ hiện tại dao động từ 7 – 12 nghìn/kg mủ, một ngày có cạo được cả 5 ha cũng không đủ tiền trả nhân công. Mà giá phía Cty Cao su Thanh Hoá đưa ra chắc cũng không thể cao hơn giá thị trường”- anh Mười nói.

Anh Mười kể: Vào khoảng các năm từ 2007 – 2009, khi cây cao su được đưa vào trồng thử nghiệm tại nhiều địa phương trên toàn tỉnh, cũng là lúc thứ “vàng trắng” này đi vào chuỗi thời gian cực thịnh, huy hoàng. Giá mủ lúc ấy luôn ở mức từ 70 – 85 nghìn/kg. Về phía chính quyền tỉnh Thanh Hóa, nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế của cây cao su, ngoài việc tuyên truyền, động viên người dân trồng cao su, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh còn đưa chương trình phát triển cây cao su vào nghị quyết nhiệm kỳ, với tham vọng đến năm 2015, toàn tỉnh sẽ có trên 25 nghìn ha cao su.

Năm 2011, cùng với chính sách khuyến khích, hỗ trợ của tỉnh, gia đình anh Mười mạnh dạn nhận liên kết với Cty Cao su Thanh Hóa trồng 5 ha. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, anh cũng như nhiều hộ dân trồng cao su khác tại đây gần như chưa một lần được hưởng trọn niềm vui từ cây cao su như kỳ vọng, do giá mủ sau vài năm lên đến đỉnh điểm đã nhanh chóng lao dốc.

“Thất vọng! Bao nhiêu vốn liếng, công sức dốc hết vào đồi cao su trong gần 10 năm trời mà thành quả thu lại gần như bằng không. Mặc dù hiện nay tỉnh đang động viên những người trồng cao su như chúng tôi giữ lại số diện tích hiện có nhưng nếu trong thời gian tới, giá mủ không tăng, chúng tôi đành phải xin cơ chế phá bỏ để chuyển đổi sang giống cây trồng khác. Chứ cứ đeo đẳng với nó thế này, lấy gì mà ăn!”- anh Mười chua chát nói.

Theo quan sát của chúng tôi, cả một vùng diện tích cao su đang vào thời kỳ khai thác, trải dài từ nông trường Vân Du đến xã Thạch Quảng đang bị người dân cũng như phía các lâm trường thờ ơ, bỏ mặc. Các dãy bát hứng mủ nứt vỡ ngổn ngang. Thậm chí, sau trận giông lốc vừa qua, tại nhiều lô có hàng trăm thân cao su trưởng thành bị gãy đổ nhưng người dân cũng không buồn cắt dọn. Tìm hiểu thêm từ phía người dân tại các xã Thành Vân, Thành Công, Thạch Quảng, Vân Du, huyện Thạch Thành, chúng tôi được biết: Hầu hết người trồng cao su tiểu điền tại đây đều đang có chung tâm trạng chán nản, muốn buông bỏ cây cao su.

Hàng nghìn ha cao su bị đốn hạ

Chán cây cao su không chỉ là tâm trạng riêng của người dân huyện Thạch Thành mà nó còn là tâm trạng chung của người dân trồng cao su ở các huyện khác như: Cẩm Thủy, Như Xuân, Ngọc Lặc. Tại các địa phương này, hầu hết các lô cao su đến kỳ thu hoạch đều đang bị bỏ mặc hoặc được người dân chăm sóc cầm chừng. Vì như đã nói ở trên, giá mủ tươi hiện tại quá rẻ khiến người trồng không đủ khả năng thuê nhân công khai thác hoặc không mặn mà cạo mủ, lấy công làm lãi.

Tại huyện Như Xuân, nhiều hộ dân đã trồng hàng trăm ha cây sao su khi có chủ trương của tỉnh. Tuy nhiên, những năm gần đây, do giá mủ xuống thấp, người dân không đầu tư phân bón, chăm sóc dẫn đến cây cao su sinh trưởng, phát triển không đều, cây to, cây nhỏ, sản lượng mủ thấp. Sau nhiều năm bám trụ theo tinh thần chủ trương của tỉnh, kinh tế nhiều gia đình gặp không ít khó khăn, nhiều hộ đành lòng phải đốn bỏ cây cao su để chuyển đổi cây trồng mới, mong có thu nhập để cải thiện đời sống.

Tại huyện Thạch Thành, một trong những địa phương có diện tích cây cao su lớn và cho sản lượng cao nhất toàn tỉnh Thanh Hóa, một số hộ dân đã tự chặt bỏ, chuyển đổi sang giống cây trồng khác để tạo sinh kế. Tính đến cuối năm 2018, toàn huyện có 2.693 ha, tuy nhiên trong đó đã có 86 ha nằm trong diện phải thanh lý và có tới hơn 452 ha đã bị người dân phá bỏ để chuyển sang các loại cây ngắn ngày khác.

Ông Lê Đình Thảnh – Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành cho biết: Ngoài vấn đề về giá cả, có thể thấy, sau một thời gian du nhập và bén rễ tại Thanh Hóa, cây cao su đã dần bộc lộ những bất cập. Thời tiết, thổ nhưỡng, địa hình, tập quán canh tác của người dân... có vẻ như Thanh Hóa không phải là vùng đất phù hợp cho cây cao su phát triển, cho năng suất cao như vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

Ông Thảnh khẳng định: “Với thực tế hiện tại, chúng tôi vẫn phải tuyên truyền động viên người dân cố gắng giữ lại diện tích cao su đã trưởng thành và dừng trồng mới để chờ giá mủ có thể tăng trong thời gian tới. Với những diện tích không còn cho hiệu quả trong khai thác thì nghiên cứu phương án cho người dân phá bỏ, chuyển đổi sang cây trồng khác, tạo sinh kế trước mắt”.

* Theo thống kê từ Sở NNPTNT Thanh Hoá, tính đến đầu năm 2019, toàn tỉnh có 14.311 ha cao su. Trong đó, 2.917 ha cao su đại điền, 11.394 ha cao su tiểu điền. Số diện tích trên đã giảm 1.260 ha so với con số hồi đầu năm 2018. Các huyện có diện tích cao su giảm mạnh nhất, gồm: Thạch Thành giảm 452,1 ha, Như Xuân giảm 330 ha, Như Thanh giảm 313,4 ha, Thường Xuân giảm 125,5 ha...

(Còn tiếp)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thất bại đề án phát triển cây cao su tại Thanh Hóa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO