Thị trường bán lẻ: Cuộc cạnh tranh gay gắt

Thanh Giang 16/04/2016 09:05

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cùng các hiệp định thương mại thế hệ mới (FTAs) hướng thị trường Việt Nam cùng hàng Việt đến một sân chơi thương mại không biên giới. Việc nhận diện đúng khuynh hướng vận động thị trường bán lẻ Việt Nam, để thương hiệu Việt tránh bị lép vế ngay trên sân nhà, biến thách thức thành cơ hội đang được đặt ra với các nhà quản lý và giới doanh nghiệp.

Thị trường bán lẻ: Cuộc cạnh tranh gay gắt

Ảnh minh họa.

Nở rộ siêu thị, trung tâm thương mại

Với 90 triệu dân, trong đó có tới 60% là tiêu dùng trẻ, tỷ lệ bán lẻ hiện đại của Việt Nam mới chỉ là 25%, thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia cùng khu vực như Thái Lan (34%), Malaysia (60%), Phillippines (33%), Trung Quốc (51%), Singapore (90%),… Vì vậy ngành bán lẻ Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có hơn 700 siêu thị, 132 trung tâm thương mại. Theo quy hoạch của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến năm 2020 cả nước sẽ có khoảng 1.200 - 1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại và 157 trung tâm mua sắm. Với kế hoạch này, tỷ lệ bán lẻ hiện đại sẽ đạt khoảng 45%.

Thị trường bán lẻ: Cuộc cạnh tranh gay gắt - 1

Bà Vũ Kim Hạnh: DN mình làm ơn nhanh nhanh tạo chân rết vào các tỉnh liền đi, phải biến những nơi đó thành căn cứ địa của DN. Họ đi đường của họ bằng các chuỗi thì mình cũng phải chạy theo đường của mình.

Nhìn nhận tiềm năng tiêu thụ của thị trường Việt Nam, các tập đoàn bán lẻ nước ngoài, các thương hiệu bán lẻ lớn liên tục mua bán hoặc sáp nhập để chiếm lĩnh thị phần. Nửa đầu năm 2015, thị trường bán lẻ và tiêu dùng dậy sóng khi hàng loạt các thương vụ mua bán, sáp nhập diễn ra. Trong đó, nổi lên là những thương vụ mua bán hệ thống các siêu thị có trị giá hàng triệu USD. Điển hình, Tập đoàn Berli Jucker (BJC) Thái Lan công bố chi khoảng 655 triệu USD mua lại hệ thống siêu thị Metro Việt Nam với 19 siêu thị lớn.

Aeon cùng lúc mua lại 30% cổ phần Fivimart và 49% của Citimart. Còn Lotte đến từ Hàn Quốc bất ngờ công bố nắm quyền điều hành Trung tâm thương mại Diamond Plaza khi sở hữu 70% cổ phần... Rồi thời gian gần đây, hàng loạt ông lớn ngành hàng bán lẻ tham gia đấu giá để dành thế “thượng phong” trong việc mua lại thương hiệu BigC Việt Nam của Casino Group (Pháp) với tổng số 32 siêu thị vì Casino Group không xem BigC Việt Nam là thị trường trọng điểm trong hoạt động phát triển. Mới đây nhất, Nhật Bản cũng tổ chức một cuộc khảo sát thị trường bán lẻ của Việt Nam. “Ngày hôm này có thể là doanh nghiệp Thái quan tâm thị trường bán lẻ Việt Nam nhưng mai mai, ngày mốt sẽ là Hàn Quốc, Nhật Bản…”- bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao bày tỏ quan điểm về cuộc cạnh tranh gay gắt của thị trường bán lẻ trong nước.

Hàng ngoại lấn lướt

Doanh nghiệp ngoại, nhà bán lẻ nước ngoài ồ ạt thâm nhập một cách chóng mặt dẫn đến tình trạng thị trường tràn ngập sản phẩm nước ngoài. Ông Đặng Trần Hải Đăng- Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phân tích VietinBankSc cho rằng, cơ hội cho ngành bán lẻ Việt Nam trong việc thu hút dòng vốn từ Asean là rất lớn, cho nên không tránh khỏi sự thâm nhập của hàng ngoại. Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Trang- Giám đốc Trung tâm WTO (thuộc Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam - VCCI) từng cho rằng, nguyên nhân khiến cho nhiều sản phẩm ngoại đang dần dần có mặt thị trường Việt Nam trước thời hạn mở cửa là do Việt Nam giảm thuế quan quá sớm. Giảm trước so với lộ trình trong khi doanh nghiệp trong nước chưa chuẩn bị kỹ lưỡng.

Nhiều người quan ngại, doanh nghiệp ngoại ồ ạt vào đồng nghĩa với việc hàng nội bị lép vế, xu hướng mua bán, sáp nhập siêu thị đang gây khó cho hàng nội địa. Bà Lý Thị Kim Chi- Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP HCM than phiền: “Ngoài những siêu thị của Việt Nam còn lại đa phần bày bán sản phẩm ngoại nhập. DN thực phẩm vô cùng khốn khổ khi đưa hàng lên kệ tại các siêu thị của nước ngoài, mặc dù chúng tôi hội tụ đầy đủ các điều kiện cần thiết mà nhà phân phối đưa ra”. Chính vì thế mà con số hơn 90% hàng Việt tại các hệ thống siêu thị được Sở Công thương TP HCM đưa ra không thuyết phục.

Ông Nguyễn Thành Phong- Chủ tịch UBND TP HCM băn khoăn, không biết là thống kê có đúng không hay chỉ là những con số ấn tượng mang tính tượng trưng để yên lòng chính quyền, doanh nghiệp sản xuất. Còn bà Vũ Kim Hạnh thì nói, “vừa rồi Sở Công thương nói 95% hàng Việt ở BigC. Tôi thấy không đúng. Nếu gom tất cả hàng của đa quốc gia sản xuất tại Việt Nam mà nói là hàng Việt thì không ổn. Thống kê không đúng tạo ảo tưởng cho DN. DN Việt không biết đang ở đâu để phấn đấu”.

Thị trường bán lẻ đang cuồn cuộn tạo “sóng” trong cạnh tranh. Nói về kế hoạch phát triển thị trường bán lẻ trong nước, ông Phạm Thành Kiên khẳng định: “Tình hình mới đang bắt buộc DN phải làm mua bán siêu thị. Chỉ có mua bán và sáp nhập mới tạo nên sức mạnh trong cạnh tranh. Tuy nhiên, nói gì thì nói vấn đề nằm ở chỗ chất lượng hàng hóa cũng như cơ hội nắm bắt thị trường”.

Biến thách thức thành cơ hội

Dẫu rất khó khăn nhưng Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam và Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao hy vọng DN Việt sẽ biến thách thức thành cơ hội, nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước mở rộng và phát triển thị trường. Vậy DN Việt phải làm gì?

Thị trường bán lẻ: Cuộc cạnh tranh gay gắt - 2

Bà Đinh Thị Mỹ Loan: Mở cửa thị trường và hội nhập vừa có cơ hội, vừa có thách thức. Phải nâng cao chất lượng dịch vụ, từ đó mới có động lực cải thiện những vấn đề mà DN còn yếu kém để từng bước chiếm lĩnh, trụ vững và phát triển thị trường.

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan (Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam) thì cũng với những tập đoàn bán lẻ đã vào Việt Nam, thì nhiều nhà bán lẻ của các nước cũng đã đặt thị trường Việt Nam vào tầm ngắm. Nói về chiến lược chiếm lĩnh thị trường của DN nội, bà Loan cho biết, “đến thời điểm này từng DN đã có kế hoạch phát triển thị trường, tuy nhiên tôi không được phép tiết lộ vì đó là bí mật kinh doanh”. Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam khuyến cáo DN thành viên cũng như DN trong ngành nên có tâm thế chủ động hội nhập.

Việc đầu tiên phải nhận thức được rằng, con đường mở cửa hội nhập hướng đến sân chơi chung của toàn cầu là tất yếu. DN phải cố gắng, nỗ lực hơn để nâng cao khả năng cạnh tranh của mình. Ở góc độ thứ hai, DN cần phải biết rằng, mở cửa thị trường và hội nhập chắc chắn vừa có cơ hội, vừa có thách thức đi kèm; cố gắng tìm ra con đường để nâng cao chất lượng dịch vụ, từ đó mới có động lực cải thiện những vấn đề mà DN còn khó khăn, yếu kém để từng bước chiếm lĩnh, trụ vững và phát triển thị trường.

Còn với bà Vũ Kim Hạnh thì trong cuộc cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường, điều chúng ta “lép vế” hơn không hẳn là vốn mà chính là kinh nghiệm thương trường và chuỗi kinh doanh. “Trong kinh doanh anh mạnh điểm này tôi mạnh cái khác. Song điều tôi sợ nhất là lo DN Việt không nhìn thấy điểm mạnh của mình để mạnh hơn nữa. Tôi nghĩ, cạnh tranh sắp tới không đến nỗi bi quan nhưng phải nhìn nhận thực tế mới thấy mình đang ở đâu mà phấn đấu cho tốt hơn”- theo bà Hạnh. Bà Hạnh cũng lưu ý, không ai hiểu người tiêu dùng Việt hơn DN Việt, vì thế đừng quá tự ti. Nhưng, cũng không nên chủ quan. Theo bà Hạnh, “DN mình làm ơn nhanh nhanh tạo chân rết vào các tỉnh liền đi, phải biến những nơi đó thành căn cứ địa của DN. Họ đi đường của họ bằng các chuỗi thì mình cũng phải chạy theo đường của mình”.

Nếu xác định như vậy, cuộc cạnh tranh tuy khốc liệt nhưng dẫu sao chúng ta vẫn có lợi thế sân nhà, và vẫn hy vọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thị trường bán lẻ: Cuộc cạnh tranh gay gắt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO