Thị trường sản phẩm công nghệ cao: Vắng bóng doanh nghiệp Việt

Nhật Minh 26/12/2016 08:35

Mặc dù sản xuất sản phẩm công nghệ cao đem đến lợi nhuận lớn, thế nhưng rất ít doanh nghiệp Việt Nam tham gia đầu tư vào lĩnh vực này. Theo các chuyên gia, sản xuất sạch, tiết kiệm năng lượng là hướng đi tất yếu của kinh tế thế giới, nếu các doanh nghiệp Việt Nam không chú trọng vào lĩnh vực này thì doanh nghiệp ngoại có thể sẽ “lấn sân” và nguy cơ doanh nghiệp nội mất sân nhà là rất lớn.

Nghiên cứu chế tạo chip vi mạch – hướng đi mới trong phát triển
công nghệ cao tại Việt Nam. (Ảnh: T.L).

Khảo sát trên thị trường hiện nay, các sản phẩm thuộc lĩnh vực đòi hỏi đầu tư công nghệ cao như máy điều hòa, thiết bị bơm nhiệt, thang cuốn… hầu như đều được nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Chỉ một số sản phẩm đơn giản như bóng đèn, các thiết bị chiếu sáng hay các loại quạt điện, quạt sưởi… mới là sản phẩm do DN trong nước sản xuất.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, nhà khoa học, xu hướng chung của thế giới sẽ là hướng đến một nền kinh tế tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, các DN ngoại đã nắm được xu hướng đó và đang lấn sân tại thị trường Việt Nam. Theo ông Nguyễn Công Thịnh, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng, những diễn biến hiện nay cho thấy, dường như các DN sản xuất các sản phẩm tiết kiệm năng lượng của Việt Nam đang có nguy cơ bị mất sân nhà.

Cụ thể, ông Thịnh dẫn chứng, trên thị trường hiện nay, rất ít sản phẩm cơ điện, máy điều hòa nhiệt độ, thiết bị bơm nhiệt, sản phẩm về thang cuốn… mang thương hiệu Việt Nam. Thay vào đó, chiếm lĩnh thị trường hiện nay chủ yếu là sản phẩm của các nước G7. “Chỉ có sản phẩm đèn là tiêu thụ tương đối tốt. Còn lại các dòng sản phẩm đòi hỏi công nghệ cao hơn chủ yếu là nhập khẩu” – ông Thịnh đánh giá.

Nêu nguyên nhân của thực tế này, ông Thịnh cho rằng, việc sản xuất sản phẩm, thiết bị tiết kiệm năng lượng, doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn về bí quyết công nghệ, phát minh sáng chế, nguồn lực đầu tư và thị trường. Thị trường còn nhỏ bé và ý thức người tiêu dùng chưa quan tâm nhiều đến việc lựa chọn các sản phẩm tiết kiệm năng lượng. Hiện nay, các cơ chế ưu đãi cho lĩnh vực này mới đang trong quá trình xây dựng. Ông Thịnh cho đó là nguyên nhân chính khiến một số doanh nghiệp nội địa đầu tư sản xuất điều hòa không khí nhưng sản phẩm không được thị trường đón nhận.

Dòng sản phẩm robot AKBOT-T1 của Công ty Robot Việt Nam.

Trên thực tế, cũng không ít DN trong nước đã tìm hướng đi mới, đầu tư vào lĩnh vực có thế mạnh, sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, như kính, sơn, tôn… Các sản phẩm này được đánh giá là có được sức cạnh tranh riêng, bởi doanh nghiệp hoàn toàn chủ động về nguồn nguyên liệu nên chi phí giá thành thấp hơn các sản phẩm nhập khẩu. Đơn cử, hồi tháng 8/2016, Công ty Vigracera đã chính thức đưa nhà máy sản xuất kính tiết kiệm năng lượng đầu tiên của Việt Nam vào sản xuất tại Bình Dương. Song, đây chỉ là một trong số ít DN của Việt Nam “dấn thân” vào lĩnh vực này.

Về vấn đề phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho rằng: Để phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, cần đổi mới phương thức đầu tư cho khoa học công nghệ, không chỉ dựa vào 2% trong tổng chi ngân sách nhà nước mà phải huy động được sự đầu tư của toàn xã hội, đặc biệt là đầu tư của các doanh nghiệp cho phát triển khoa học công nghệ.

Giới chuyên gia nhận định, cần có thêm thời gian để đánh giá về hiệu quả, song với cam kết của nhà đầu tư, với công nghệ của châu Âu, những lô sản phẩm đầu tiên đã có thể cạnh tranh bằng giá. Cạnh đó, doanh nghiệp nội địa cũng có thể phát triển vật liệu xây không nung. Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, vật liệu xây không nung đang chiếm khoảng 30% vật liệu xây trên thị trường và góp phần giảm tiêu thụ năng lượng hàm chứa trong vật liệu xây dựng cũng như trong quá trình ứng dụng vật liệu.

Bộ Xây dựng mới đây đã đề xuất sửa Quy định 5120 của Chính phủ về dán nhãn các sản phẩm tiết kiệm năng lượng. Trong đó, đề xuất đưa thêm một số vật liệu xây dựng, phương tiện giao thông vào dán nhãn để nâng cao ý thức của người sử dụng, cũng như cung cấp các thông tin để người sử dụng lựa chọn những sản phẩm tiết kiệm năng lượng tốt trên thị trường. Đây là những động thái tốt, giúp thị trường sản phẩm thiết bị, vật liệu xây dựng phát triển mạnh hơn.

Tuy nhiên, để các sản phẩm của doanh nghiệp trong nước có chỗ đứng trên thị trường, theo ông Thịnh, Nhà nước phải có cơ chế ưu đãi, khuyến khích các DN đầu tư nghiên cứu, sản xuất, phân phối đến người tiêu dùng các sản phẩm tiết kiệm năng lượng. Trong chính sách đầu tư công có quy định, mua sắm công phải sử dụng các trang thiết bị dán nhãn tiết kiệm năng lượng. Vì vậy, tới đây cần tăng cường nâng cao nhận thức, kỹ năng sử dụng các trang thiết bị công trình, để các tổ chức, DN nhà nước có thể lựa chọn khi đầu tư mua sắm mới.

Mục tiêu của Việt Nam trong giai đoạn 2015-2020 sẽ phát triển 3.000 doanh nghiệp khoa học công nghệ. Đây là con số khá lớn so với tiềm lực sẵn có và theo đánh giá chung, mục tiêu này khó có thể đạt được, bởi cho đến nay hầu hết các vườn ươm vẫn đang trong giai đoạn đầu của quá trình ươm tạo. Dự kiến, mô hình này sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc về hình thành pháp nhân, bộ máy, cơ chế điều hành, nguồn nhân lực và vốn... trong giai đoạn sắp tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thị trường sản phẩm công nghệ cao: Vắng bóng doanh nghiệp Việt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO