Thoái vốn tại Sabeco: Chọn mặt gửi vàng

H.Hương 23/11/2017 12:32

Dự kiến ngày mai 24/11, hãng bia có thị phần lớn nhất tại Việt Nam, Sabeco đã có buổi thuyết trình để giới thiệu tìm nhà đầu tư tại Singapore.  Cuộc bán vốn nhà nước tại Sabeco được đánh giá là cơ hội để nhà đầu tư săn hàng tốt  dù thời điểm hiện tại, số cổ phần bán ra trong lần thoái vốn này vẫn nằm trong vòng bí mật.


Ảnh: Tiếp Thị Thế Giới.

Chạy nước rút

Sau buổi roadshow (thuyết trình) tại Singapore, vào 18h chiều ngày 27/11/2017, tại London - Anh, Sabeco tiếp tục làm sự kiện roadshow tại Khách sạn London Hilton On Park Lane - 22 Park Ln, Mayfair, London W1K 1BE, Vương Quốc Anh, +44 20 7493 8000. Như vậy tại các buổi roadshow này, các nhà đầu tư sẽ được đại diện Sabeco giới thiệu chung về tình hình sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Giới thiệu tổng quan về Sabeco; Hệ thống các nhà máy sản xuất; Các công ty con, các công ty liên doanh, liên kết; Mạng lưới phân phối sản phẩm; Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong 3 năm gần nhất; Tình hình tài chính; Hoạt động quảng bá thương hiệu và phát triển thị trường; Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm tiếp theo…).

Trước đó, theo công bố thoái vốn Nhà nước tại Sabeco, phương thức bán vốn sẽ thực hiện theo hình thức chào giá cạnh tranh giữa các nhà đầu tư đủ điều kiện tham gia mua cổ phần theo quy chế chào bán do Bộ Công Thương xây dựng. Mọi tổ chức cá nhân trong và ngoài nước đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và theo quy chế chào bán cạnh tranh đều được tham gia. Theo Bộ Công Thương, việc thoái vốn Nhà nước tại Sabeco được thực hiện theo nguyên tắc: Công khai minh bạch, bảo đảm lợi tích cao nhất của Nhà nước, chống tiêu cực và lợi ích nhóm; Đúng quy luật thị trường, hiệu quả, ổn định thị trường chứng khoán; Tuân thủ quy định pháp luật về doanh nghiệp, về thị trường chứng khoán, các cam kết quốc tế.

Mã cổ phiếu SAB của Sabeco đang là mã chứng khoán thu hút sự chú ý đặc biệt của giới đầu tư trên thị trường chứng khoán. Theo giá cổ phiếu hiện tại, mỗi cổ phiếu SAB đang được giao dịch quanh con số 300.000 đồng. Với mức giá này, giá trị vốn hóa của Sabeco cũng vượt hơn 193.000 tỷ đồng.

Trong thời gian đây, cơ quan quản lý cũng đang thể hiện mạnh mẽ quyết tâm đại cuộc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước. Sau cuộc bán vốn thành công lần 2 tại Vinamikl vừa diễn ra vào tháng 10 vừa qua, giới chuyên gia cũng như các nhà quản lý đặt ra nhiều kỳ vọng vào đợt bán vốn tại doanh nghiệp kinh doanh đồ uống này.

Hiện tại, Nhà nước đang nắm giữ 89,59% vốn điều lệ của Sabeco. Và phía Bộ Công thương cũng đã từng đề nghị thoái vốn chủ sở hữu nhà nước theo lộ trình 2 đợt: đợt I sẽ bán 53,59% vốn điều lệ; đợt II bán 36% vốn điều lệ còn lại.


Ảnh: Tạp chí Công nghiệp và Tiêu dùng.

Hãng ngoại khát bia nội?

Tại Sabeco, mảng kinh doanh bia chiếm tỷ trọng lớn nhất mang lại 85% tổng lợi nhuận cho Sabeco, trong 3 năm 2014, 2015 và 2016. Các sản phẩm bia chủ lực của SABECO gồm có Bia lon Sài Gòn 333, Bia chai Sài Gòn 333, Bia chai Sài Gòn 450, Bia chai Sài Gòn 330, Bia lon Sài Gòn 330. Ngoài ra, bia cũng là lĩnh vực chính đem lại lợi nhuận chính cho Tổng Công ty khi chiếm khoảng 95% đến 97% lợi nhuận gộp trong giai đoạn 2014 - 2016.

Đánh giá được tiềm năng phát triển thị trường bia, nhờ vào dân số trẻ cũng và thu nhập, cũng như thói quen, nhiều nhà đầu tư ngoại trực tiếp bày tỏ tham vọng được nắm phần sở hữu Sabeco.

Và cũng theo thông tin từ Bộ Công Thương, hiện nay có ít nhất 7 công ty bia nước ngoài đang quan tâm mua cổ phần của Sabeco là Heineken (Hà Lan), Anheuser-Busch, SABMiller của Mỹ, Asahi và Kirin của Nhật Bản; Singha và Thai Beverage của Thái Lan.

Trong số các ứng viên này, Heineken được dự đoán là là ứng cử viên nặng ký, do doanh nghiệp này hiện đã nắm quyền sở hữu 5% cổ phần tại Sabeco.


Ảnh: Sabeco.

Quần hùng tranh bá

Theo một số liệu từ Bloomberg cho biết, hơn 80% thị phần bia Việt Nam hiện nằm trong tay của 3 doanh nghiệp là Sabeco, Heineken và Habeco. Sabeco chiếm hơn 40% thị phần và Heineken nắm giữ 20% thị phần. Trong tương quan Sabeco đang dẫn đầu thị trường ở phân khúc phổ thông thì Heineken thắng thế ở phân khúc cao cấp.

Như vậy nếu giành chiến thắng trong cuộc đua sở hữu Sabeco thì Heineken sẽ chi phối tới 60% thị phần bia Việt Nam và thống lĩnh trên mọi phân khúc từ bình dân tới cao cấp.

Song theo quy định tại điều 18 Luật cạnh tranh năm 2004 quy định: “Cấm tập trung kinh tế nếu thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% trên thị trường liên quan”. Quy định như vậy xuất phát từ thực tế cho thấy những vụ việc TTKT có thị phần kết hợp của doanh nghiệp tham gia chiếm trên 50% trên thị trường liên quan luôn mang bản chất hạn chế cạnh tranh, dẫn đến hình thành một doanh nghiệp hoặc một nhóm doanh nghiệp nắm giữ đa số thị phần trên thị trường liên quan, đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn lại trên thị trường đứng trên bờ phá sản.

Do đó, đối chiếu với luật này thì nhà đầu tư ngoại Heniken có nhiều thế khó.

Trong khi đó, với các đối tác khác, cũng không hề kém cạnh khi bày tỏ thái độ thẳng thắn muốn có một suất tại Sabeco. Ông Thapana Sirivadhanabhakdi CEO của công ty Thai Beverage tuyên bố thị trường Việt Nam đang là mối ưu tiên hàng đầu của công ty.

“Sức khỏe” các đại gia săn Sabeco, thực ra mỗi người một vẻ. Nhưng vì Sabeco là một thương hiệu mạnh của quốc gia, nên giới chuyên gia cũng như giới quan sát cho rằng, thoái vốn như thế nào, cách thức bán ra sao phải mang lại lợi ích và hiệu quả cao nhất.

Để việc bán vốn Nhà nước tại Sabeco mang lại hiệu quả cao nhất, Bộ Công thương đã có văn bản đề nghị Bộ Công an, Ủy ban chứng khoán Nhà nước cũng như Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM thực hiện việc giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình giao dịch mã cổ phiếu của Sabeco (SBA) trên thị trường chứng khoán. Mục tiêu nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn các giao dịch bất thường, đảm bảo thị trường vận hành minh bạch ổn định đến ngày 31/12/2017.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thoái vốn tại Sabeco: Chọn mặt gửi vàng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO