Thống nhất đầu mối trong quản lý nợ công

H.Vũ 18/08/2017 07:25

Chiều 17/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về những vấn đề còn ý kiến khác nhau về Luật Quản lý nợ công sửa đổi. Nhiều ý kiến đề nghị thu gọn đầu mối trong quản lý nợ công để xác định rõ trách nhiệm.

Ảnh minh họa.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội cho thấy: Đa số ý kiến đề nghị quy định thống nhất một đầu mối quản lý nợ công. Một số ý kiến đề nghị đánh giá kỹ hơn về tính hiệu quả của việc tập trung chức năng quản lý nợ công vào một đầu mối đồng thời, cần xem xét vấn đề này sớm trong bối cảnh cải cách hành chính hiện nay. Nhiều ý kiến đề nghị giữ như hiện hành.

Về vấn đề này, Chính phủ đề nghị giữ nguyên nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam như quy định hiện hành nhằm bảo đảm ổn định bộ máy, không gây xáo trộn về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan và không phải điều chỉnh các luật có liên quan.

Cơ chế quản lý nợ công như hiện nay đã được thực hiện từ nhiều năm và các cơ quan đã làm tốt chức năng, nhiệm vụ, góp phần huy động nguồn vốn ODA, vay ưu đãi từ các tổ chức quốc tế, chính phủ nước ngoài cho ngân sách nhà nước và cho đầu tư phát triển. Do đó Chính phủ đề nghị UBTVQH cho giữ như quy định của Dự thảo luật.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội thì đa số ý kiến các thành viên của Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội đều đề nghị quy định thống nhất đầu mối trong quản lý nợ công vì thống nhất đầu mối nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới, cải cách bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trên nguyên tắc: Một việc chỉ giao cho một cơ quan, một người chịu trách nhiệm chính.

“Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công đã đặt ra yêu cầu cần tập trung thống nhất trong quản lý nợ công nhằm sớm khắc phục tình trạng quản lý đầu tư công, nợ công còn chồng chéo, chưa gắn trách nhiệm cân đối ngân sách, vay và trả nợ với phân bổ, sử dụng vốn. Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) cần thể chế hóa chủ trương này để khắc phục tồn tại, hạn chế hiện nay”-ông Hải cho biết.

“Việc quy định nhiều cơ quan cùng là đầu mối quản lý nợ công sẽ không khắc phục được tình trạng quản lý phân tán, phối hợp chưa chặt chẽ, dẫn đến công tác theo dõi, tổng hợp báo cáo, quyết toán, thống kê, đặc biệt việc xác định trách nhiệm vay, trả nợ, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn vay còn khó khăn, bất cập hiện nay” – ông Hải cho biết.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, Chính phủ cần giải thích rõ hơn việc thực hiện Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị về cơ cấu lại ngân sách nhà nước và quản lý nợ công đã đặt ra yêu cầu cần tập trung thống nhất trong quản lý nợ công nhằm sớm khắc phục tình trạng quản lý đầu tư công, nợ công còn chồng chéo, chưa gắn trách nhiệm cân đối ngân sách, vay và trả nợ với phân bổ, sử dụng vốn.

Đặc biệt việc ban hành Luật lần này cần gắn với Nghị quyết Trung ương 6 sắp tới về sắp xếp bộ máy trong đó có thu gọn đầu mối, xác định rõ trách nhiệm.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay, trong quá trình nghiên cứu xây dựng Luật đề xuất có 1 đầu mối vừa là thông lệ, vừa khắc phục hạn chế.

Triển khai Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị trong đó cũng xác định 1 việc chỉ 1 người làm. Quan điểm của Bộ trong xây dựng Luật là chỉ có 1 đầu mối, tuy nhiên Chính phủ làm việc theo cơ chế tập thể và phải theo cơ chế của Chính phủ. Khi Chính phủ bỏ phiếu thì thống nhất 3 đầu mối nên về nguyên tắc Bộ phải theo.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, Hội nghị Trung ương 6 sắp tới sẽ bàn sâu về bộ máy nhà nước thì phải đặt lợi ích quốc gia lên cao nhất chứ không phải ngành này, ngành kia. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cũng đề nghị đánh giá kỹ tác động của hai phương án. Nếu để nguyên như hiện nay, hay nhập lại thì sẽ như thế nào?

Do còn chưa thống nhất, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu, Chính phủ cần đánh giá lại việc triển khai thực hiện Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị như thế nào? Gắn với Đề án sắp tới trình Trung ương 6 ra sao? Gắn với việc giám sát bộ máy hành chính nhà nước trong thời gian qua như thế nào? Tất cả phải vì lợi ích chung của đất nước chứ không vì bộ, ngành nào cả.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đề nghị cơ quan soạn thảo và thẩm tra ngồi lại với nhau rà lại theo đúng tinh thần của Bộ Chính trị, phân định rõ vai trò chức năng nhà nước.

Trên tinh thần Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị cần đánh giá tác động xem nếu để như hiện nay tác động thế nào và thống nhất 1 đầu mối thì ra sao? Nếu chưa thống nhất thì báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị, tháng 9 trình UBTVQH cho ý kiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thống nhất đầu mối trong quản lý nợ công

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO