Thu hút dòng vốn ngoại vào nông nghiệp

Hồ Hương 14/10/2015 10:48

Không chỉ Nhật Bản, mà một số quốc gia hàng đầu về nông nghiệp công nghệ cao như Mỹ, Hàn Quốc đang tìm cách bắt sóng với “trụ đỡ kinh tế” Việt Nam. Cùng thời gian này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang xây dựng dự thảo với nhiều chính sách riêng, để hút mạnh mẽ hơn nữa nguồn lực từ các doanh nghiệp nước ngoài (FDI) đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhằm thay đổi diện mạo nông nghiệp nước nhà.

Thu hút dòng vốn ngoại vào nông nghiệp

Ngày mùa. Ảnh:Võ Việt.

Từ trồng rau đến nuôi thỏ

Hôm nay, ngày 14/10, tại Hà Nội Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tiếp tục tổ chức Diễn đàn kinh tế Việt – Nhật 2015 với chủ đề “Tăng cường hợp tác Việt Nam – Nhật Bản”, một thông điệp được đưa ra doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đến nông nghiệp Việt Nam. Với lợi thế về hoa trái bốn mùa, việc thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang hứa hẹn sự bứt phá, không chỉ từ phía Nhật Bản.

Chuỗi sự kiện gần đây nhất gắn với vốn ngoại là Cty Nippon Zuki đầu tư vào Yên Bái vừa diễn ra ít hôm. Công ty TNHH Nippon Zuki Việt Nam hiện đang xúc tiến đầu tư dự án chăn nuôi chế biến thỏ công nghệ cao tại xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn; mức đầu tư giai đoạn 1 là trên 78 triệu đô la Mỹ, tương đương khoảng 1.700 tỷ đồng, với 100% vốn đầu tư nước ngoài. Đây là doanh nghiệp của Nhật đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, chế biến thỏ công nghệ cao, cung cấp nguyên liệu thỏ cho nhà máy công nghệ sinh học chế tạo nguyên liệu dược phẩm tại Quế Võ, Bắc Ninh và chế biến thịt thỏ xuất khẩu sang các nước Châu Âu.

Ngoài Nhật Bản, Tập đoàn Phát triển nông thôn Hàn Quốc (KRC) cũng đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác về đầu tư hạ tầng phát triển nông nghiệp, nông thôn, thương mại và đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển nông nghiệp. Được biết hiện nay Hàn Quốc đang nhắm vào Bình Dương để đầu tư vốn, phát triển cung ứng và chuyển giao giống cây trồng.

TS Đào Thế Anh, Phó viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, Bộ NN&PTNT cho hay: Một số nhà đầu tư Mỹ, Nhật Bản đã sang làm việc với Viện, nhờ kết nối để sản xuất các loại rau, lúa đặc sản tại Việt Nam, sau đó xuất khẩu ngược sang các thị trường này.

Hiện nay nhiều địa phương như Lâm Đồng, Nghệ An cũng đã sẵn tâm thế bắt nhịp với làn sóng đầu tư vốn ngoại ở lĩnh vực nông nghiệp.

Thu hút dòng vốn ngoại vào nông nghiệp - 1

Cơ giới hóa để tăng năng suất lao động trong nông nghiệp.

Kỳ vọng thay đổi

“Nông nghiệp Việt Nam là ngành có nhiều tiềm năng phát triển và đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Nhà đầu tư từ các nước này đang rất quan tâm đến ứng dụng công nghệ cao trong phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nhằm tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng và giá trị gia tăng cao. Nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài đã đến làm việc với Bộ NN&PTNT để tìm hiểu cơ hội đầu tư. Đây là một tín hiệu đáng mừng” - ông Trần Kim Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT)

Thống kê mới nhất từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 5 - 2015, cả nước có 530 dự án FDI trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đầu tư 3,7 tỷ USD (chiếm 2,9% tổng số dự án và 1,4% tổng vốn đầu tư của cả nước). Quy mô vốn bình quân của dự án trong ngành nông nghiệp là 7 triệu USD/dự án. Trong đề án “Tăng cường thu hút và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp giai đoạn 2015-2020, định hướng đến 2030”, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu nâng tổng vốn FDI vào ngành nông nghiệp lên mức 4,5 tỷ USD vào năm 2020 và 6 tỷ USD vào năm 2030.

Tuy vậy, ông Đỗ Nhất Hoàng- Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng: Việc thu hút dòng vốn nước ngoài đầu tư vào nông nghiệp đạt hiệu quả thấp còn xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan như ngành nông nghiệp vẫn thiếu một chiến lược, định hướng dài hạn thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, nông thôn một cách rõ ràng nhằm xác định vị trí của nguồn vốn đối với nhu cầu đầu tư phát triển của ngành; những dự án cụ thể cần ưu tiên đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng mạnh về nông nghiệp; hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong nông nghiệp chưa rõ ràng và minh bạch...

Cùng với đó, theo nhiều chuyên gia, cơ sở hạ tầng nông thôn yếu kém, tùy tiện thay đổi quy hoạch, chính sách ở nhiều địa phương cũng là những trở ngại lớn làm cho nhà đầu tư không mặn mà với lĩnh vực nông nghiệp.

Thực tế cho thấy, nền nông nghiệp nước nhà khá manh mún. Dù những dự báo được đặt ra, Việt Nam có thể trở thành “bếp ăn” cho thế giới nhưng nông nghiệp Việt Nam khó thoát khỏi hạn chế: Đất đai nhỏ lẻ, doanh nghiệp khó tìm được mặt bằng để xây dựng nhà máy hay đầu tư sản xuất, chất lượng nông sản thấp.Vì vậy, sự đổ bộ của vốn ngoại với các công nghệ được chuyển giao kỳ vọng sẽ thay đổi ngành nông nghiệp nước nhà.

Ưu đãi nhà đầu tư

Theo phân tích của TS Phạm Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chuỗi liên kết 4 nhà bị phá vỡ nên dây chuyền cung ứng cũng bị vỡ theo. Có quá ít cụm liên kết chế biến nông sản, doanh nghiệp nông nghiệp quá nhỏ để vươn ra toàn cầu. Theo đó các chính sách ưu đãi đầu tư phải thay đổi theo hướng khuyến khích liên kết giữa doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp trong nước.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) cho rằng nông nghiệp đang bước vào giai đoạn mới, phải có mà phải có sự tham gia của doanh nghiệp. Bởi, chỉ có doanh nghiệp mới giải quyết được 3 điểm nghẽn lớn nhất của sản xuất nông nghiệp hiện nay là thị trường, vốn và áp dụng khoa học - công nghệ.

Nhiều chuyên gia cho biết trong chính sách thu hút vốn ngoại mới cần xử lý những vấn đề liên quan đến thuế, ưu đãi về tài chính cho doanh nghiệp cũng như các thủ tục về pháp lý, giấy tờ…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thu hút dòng vốn ngoại vào nông nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO