Thuế tiêu thụ đặc biệt ô tô: Mức nào cho thuận?

H.Hương 04/10/2015 06:35

Thứ trưởng Bộ Tài chính - bà Vũ Thị Mai khẳng định: Cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt mặt hàng xe ô tô nhập khẩu mới để đảm bảo công bằng với xe sản xuất trong nước.

Mỗi chiếc xe ngoại nhập đang bị đội lên hàng trăm triệu đồng.

70% hay 150%

Nhiều người tiêu dùng đang mừng thầm khi thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN hiện nay là 50% sẽ hạ xuống 40% vào năm 2016 và về 0% vào năm 2018. Thế nhưng, với dự thảo mới về cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô nhập khẩu do Bộ Tài chính đưa ra đang lấy ý kiến các Ban, Bộ ngành khiến việc sở hữu “xế hộp” hóa gần lại xa.

Theo phương án tính thuế của Bộ Tài chính đưa ra, loại xe có dung tích xi lanh từ trên 3.000cm3, bao gồm cả mô-tô-hôm (motorhome): Từ ngày 1/7/2016 áp dụng thuế suất 75% (tăng 15% so với hiện hành), từ ngày 1/1/2018 áp dụng thuế suất 70% (tăng 10% so với hiện hành).

Bộ Tài chính cho biết, bởi đây là mức thuế tương đồng với nhiều nước trong khu vực. Chẳng hạn như ở Thái Lan đang áp mức thuế là 50%, ở Lào là 90%, Malaysia là 105%...

Tuy nhiên phía Bộ Công thương cho rằng, với dòng xe có dung tích xi lanh lớn cần áp mức thuế lớn hơn. Cụ thể xe có dung tích xi-lanh trên 3.0 lít đến 4.0 lít được đề xuất áp dụng mức thuế suất 90%, xe có dung tích xi-lanh trên 4.0 lít đến 5.0 lít áp dụng mức thuế suất 110%, xe có dung tích xi-lanh trên 5.0 lít đến 6.0 lít áp dụng mức thuế suất 130%, xe có dung tích xi-lanh trên 6.0 lít áp dụng mức thuế suất 150%.

Bộ Công thương cho biết, các đề xuất này được đưa ra dựa trên sự chỉ đạo tại Thông báo số 229/TB-VPCP ngày 18/7/2015 của Văn phòng Chính phủ về việc “điều chỉnh mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo nguyên tắc phân chia thành các nhóm nhỏ...” và “áp dụng mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt cao và đặc biệt cao đối với các dòng xe đến 9 chỗ ngồi có dung tích trên 3.0 lít.

Nhiều ý kiến cho rằng, cả hai phương án tính thuế đưa ra mức thuế như vây là quá cao. Điều này sẽ khiến cho ô tô khó tiêu thụ, làm thất thu thuế. Cách tính mới gần như chắc chắn các loại ôtô có dung tích xi-lanh thấp sẽ được giảm thuế tiêu thụ đặc biệt kể từ nửa cuối năm tới, qua đó giúp giảm giá bán lẻ trên thị trường. Còn các loại xe dung tích lớn thậm chí phải chịu mức thuế suất cao gấp 2,5 lần hiện nay khiến cho mức giá bán lẻ bị sẽ tăng lên đáng kể.

Tái khẳng định lại thông tin tính thuế tiêu thụ đặc biệt tại cuộc họp báo thường kỳ quý III của Bộ Tài chính, bà Vũ Thị Mai, thứ trưởng Bộ Tài chính nói, Bộ đã trình Chính phủ dự thảo hướng dẫn trong đó có quy định về giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt.

Đối với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước, từ trước tới nay cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá của nhà sản xuất bán ra. Còn đối với nhà nhập khẩu nguyên chiếc có giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt bao gồm giá tính thuế nhập khẩu (là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên hay còn gọi là giá CIF cộng với thuế nhập khẩu). Tuy nhiên Chính phủ đã giao Bộ Tài chính và Bộ Công thương nghiên cứu sửa đổi giá tính thuế để đảm bảo công bằng giữa ô tô nhập khẩu và ô tô sản xuất trong nước.

Bà Mai nói, Bộ Tài chính cũng đã nghiên cứu kinh nghiệm từ các nước, qua đó trình Chính phủ giá tính thuế đối với ô tô nhập khẩu bao gồm thêm cả chi phí bán hàng trong nước của nhà nhập khẩu thông qua việc thu thêm thuế tiêu thụ đặc biệt tại khâu nội địa khi nhà nhập khẩu ô tô bán ra. Bộ cũng đã xin ý kiến của các thành viên, hiệp hội và cơ bản đã nhận được sự đồng tình.

Mê hồn trận

Trở lại với cách tính thuế của Bộ Tài chính và Bộ Công thương, một quan điểm chung được đưa ra: Nhằm đảm bảo tính đồng bộ với Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, khuyến khích việc sản xuất và tiêu thụ dòng xe cá nhân kích thước nhỏ, tiêu thụ ít năng lượng, phù hợp với hạ tầng giao thông và thu nhập của người dân.

Đồng thời, không khuyến khích việc sản xuất và tiêu thụ các dòng xe tiêu hao nhiên liệu, kích thước lớn chưa phù hợp với điều kiện hạ tầng giao thông và thu nhập người dân, lượng khí thải ra môi trường lớn.

Trong bối cảnh, hàng năm Việt Nam vẫn phải chi một lượng ngoại tệ lớn để nhập khẩu xe sang, cùng với đó Bộ Tài chính muốn đảm bảo công bằng cho xe nhập khẩu và xe sản xuất trong nước thì quan điểm này rất được ủng hộ.

Nhưng thử đặt ngược lại câu hỏi, liệu cách thay đổi thuế tiêu thụ từng dòng xe kèm với đó là cách điều chỉnh tính thuế tiêu thụ đặc biệt có làm cho ngành công nghiệp ô tô nước nhà “phất” nhanh hơn khi công nghiệp phụ trợ vẫn lẹt đẹt.

Chưa kể, ai cũng ngầm hiểu rằng, những bảo hộ về thuế phí nếu được kéo dài, khó tạo được môi trường cạnh tranh bình đẳng cho doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước có động lực thay đổi chính mình để bứt phá. Trong khi đó, theo khuyến cáo của các chuyên gia, phải giảm giá thì ô tô nội mới tồn tại được. Điều chỉnh và bảo hộ về thuế phí suy cho cùng , đối tượng bị tác động ảnh hưởng nhất là người tiêu dùng.

Chủ một Showroom ô tô ngoại nhập trên đường Phạm Hùng chia sẻ, sau đợt điều chỉnh tỷ giá vào trung tuần tháng 8 và đầu tháng 9, mỗi chiếc xe ngoại nhập đã bị đội thêm cả trăm triệu đồng. Nếu chính sách thuế cứ hướng đến trọng tâm đánh mạnh vào xe sang, xe nhập thì chiến lược kinh doanh của công ty sẽ phải thay đổi.

Phía người tiêu dùng cho rằng, các chính sách về thuế phí vẫn đang trong mê hồn trận nên họ khó định hướng mua sắm.

“Hai yếu tố rất quan trọng đối với doanh nghiệp sản xuất là cần có thị trường và công nghệ. Doanh nghiệp phải dự báo được dung lượng thị trường một cách chính xác. Bên cạnh đó, để hỗ trợ doanh nghiệp thì chính sách phát triển phải ổn định.
Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước cũng đang nóng lòng định hướng cụ thể phát triển công nghiệp ô tô. Chiến lược phát triển công nghiệp ô tô đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã được Chính phủ phê duyệt từ tháng từ tháng 7-2014 nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn đang lúng túng về đường đi nước bước” - Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thuế tiêu thụ đặc biệt ô tô: Mức nào cho thuận?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO