Tìm cách 'giảm nhiệt' thuế, phí

Hồ Hương 30/10/2015 06:10

Dù có nhiều cải cách, nhưng DN hiện vẫn bị vắt kiệt sức với việc kiểm tra chuyên ngành thuế. Nói cách khác, với DN, thuế vẫn là một nỗi khổ bởi sự bất nhất từ chính sách đến thực thi. Ngày 29/10, tại Hà Nội, Bộ Tài chính phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức buổi đối thoại DN với thủ tục thuế, hải quan. 500 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp, hiệp hội DN thuộc các thành phần kinh tế đã tham gia. 

Doanh nghiệp bức xúc

Trước đó, ngày 28/10, theo báo cáo Doing Business 2015 của World Bank, chỉ số nộp thuế ở Việt Nam mới giảm 102 giờ, từ 872 giờ xuống còn 770 giờ. Điều này dẫn đến phiên đối thoại giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý là Bộ Tài chính thêm nóng.

Phiên đối thoại giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp bắt đầu từ 9 giờ sáng sau khi nghe xong các phần giới thiệu về cải cách thủ tục thuế, hải quan được thực hiện trong thời gian qua. Thế nhưng DN vẫn bức xúc về các ưu đãi thuế, mà chính bản thân DN cũng mơ hồ không hiểu nổi. Đại diện Công ty TNHH An Đô – một DN hoạt động trong lĩnh vực tiêu dùng và thuốc bảo vệ thực vật bức xúc: Chỉ trong 9 tháng DN đã phải nộp 620 triệu đồng và cử thêm 1 nhân viên chuyên cho việc này. Các thủ tục trong việc kiểm tra chuyên ngành không linh động bởi cùng một mẫu hàng mà vẫn phải kiểm tra đi kiểm tra lại. Ví dụ như cái ô che mưa nắng cũng phải kiểm tra chuyên ngành, 1 tấn vải chỉ mất 1 vài triệu tiền thuế nhưng mất 8 triệu kiểm tra chuyên ngành.

Đại diện DN này yêu cầu cần cải cách TTHC để đỡ tốn kém cho DN, trong khâu lưu thông cần kiểm soát để đỡ thiệt thòi cho DN. Việc khai hải quan điện tử chưa đưa lại hiệu quả. Hiện tại các cửa khẩu khâu hải quan vẫn làm thủ công…Cũng liên quan đến thủ tục kiểm tra chuyên ngành đại diện Công ty CP thương mại Citycom kiến nghị, nên giảm tần suất kiểm tra liên ngành. Hiện tại với chi phí kiểm tra liên ngành mất khá lớn trong chi phí của DN.

Về danh mục bảng giá quản lý rủi ro các ngành hàng của Tổng cục thuế ban hành với sản phẩm của công ty là thép. Giá cả mặt hàng này phụ thuộc rất lớn vào cung – cầu thị trường. Nhưng giá trong bảng danh mục vẫn để giá mức cao và không phải là cập nhật giá thường xuyên. Như vậy, trong quá trình nhập khẩu mặt hàng này gặp rất nhiều khó khăn trong việc giá tính thuế.

Trước các thông tin về kiểm tra chuyên ngành Thứ trưởng Bộ Tài chính - ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhìn nhận: Chúng tôi đồng tình với việc những hàng hóa nhập khẩu trực tiếp (tức là sản phẩm thép mà trong nước chưa sản xuất được để phục vụ chế tạo) giảm tần suất và yêu cầu kiểm tra. Còn đối với những mặt hàng khác thì vẫn giữ nguyên.

Liên quan tới cơ sở dữ liệu về giá, ông Tuấn cho rằng trong bối cảnh hiện nay một trong những kiến nghị Hiệp hội thép kiến nghị và đang tập hợp ý kiến, nghiên cứu để có biện pháp tự vệ phù hợp với tình trạng nhập khẩu thép từ Trung Quốc. Trong biện pháp tự vệ đó thì có liên quan tới tham vấn giá. Do vậy, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương và Bộ KHCN phối hợp để sửa danh mục 2 về nhập khẩu thép. Đối với những việc phải áp dụng biện pháp tự vệ về giá thì vẫn phải thực hiện để đảm bảo lợi ích cho DN.

Đối với vấn đề thuốc bảo vệ thực vật, trong thời gian kiểm tra DN có thể mang hàng hóa về kho bảo quản. Thuốc bảo vệ thực vật là mặt hàng có điều kiện do đó chúng ta không nên giải phóng mặt hàng, cần kiểm tra tại chỗ thay vì giải phóng hàng đối với thuộc bảo vệ thực vật độc hại.

Trao đổi tại buổi đối thoại, với vấn đề công tác hải quan, thông quan hàng hóa ông Tuấn cũng đồng tình chia sẻ đây là vấn đề mất nhiều thời gian nhất. Giữa tháng 9 Bộ Tài chính đã gửi công văn lên Chính phủ và Chính phủ đã lấy ý kiến các bộ ngành trước khi ban hành các sản phẩm cần kiểm tra hàng hóa. Riêng về việc hàng trả lại có hóa đơn và không có hóa đơn, thứ trưởng Tuấn đề nghị Tổng Cục thuế nghiên cứu kỹ và trả lời sớm câu hỏi của DN.

Doanh nghiệp đang oằn lưng gánh phí.

Cần chính sách rõ ràng

Tại cuộc đối thoại, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch phòng thương mại Công nghiệp Việt Nam cho rằng hiện chỉ số về nộp thuế của Việt Nam dù đã tăng từ hạng 172 lên 168 nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng. Bởi đây là lĩnh vực trọng điểm trong mục tiêu cải thiện của Nghị quyết 19 của Chính phủ. Để có thể tiến xa và sâu hơn trong giai đoạn hội nhập hiện nay, ngành thuế và hải quan cần những đột phá mới, cần những cuộc cách mạng mới để thực sự đem lại nhiều lợi ích hơn nữa cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Trong khi đó Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng: Công tác hải quan và thuế vẫn cần làm nhiều việc hơn nữa, lắng nghe ý kiến đóng góp của DN hơn nữa để điều chỉnh và sửa đổi những bất cập, vướng mắc liên quan tới ngành mình. Như vậy, mới đáp ứng được yêu cầu của DN.

Tham gia buổi đối thoại, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hiệp hội tư vấn thuế cho biết: Vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau về ưu đãi thuế cho doanh nghiệp. Những ưu đãi của thời kỳ trước, giấy phép cấp cho ưu đãi đầu tư mới, nhưng theo luật lại không được. Theo bà Cúc, nên khuyến khích ưu đãi để DN nước ngoài đầu tư mới tại Việt Nam.

Ngoài ra, thuế thu nhâp cá nhân hiện cũng xử lý chưa đồng nhất. Trong Thông tư 92 cho phép chi phúc lợi tính thuế thu nhập cá nhân cho người lao động vào những việc như hiếu, hỉ, nghỉ mát; trong khi những quyền lợi thiết thực hơn đối với người lao động đó là người thân của họ bị ốm đau, tai nạn thì lại không được tính vào mức thuế này…

Bà Cúc cho rằng, công tác thanh, kiểm tra cần tránh chồng chéo, và nên có hướng dẫn cụ thể để cơ quan thanh tra này có thể sử dụng kết quả của cơ quan thanh tra kia, tránh việc phải mất thời gian thanh, kiểm tra lại từ đầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm cách 'giảm nhiệt' thuế, phí

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO