Tìm cách quản lý nợ công

T.Hằng 04/08/2017 09:05

Giới chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh nợ công đang tăng nhanh, cần quy định chặt chẽ hơn để giảm sát nợ Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Tăng cường quản lý bằng biện pháp tự vay, tự trả, kiểm soát nghĩa vụ nợ tiềm ẩn và đối với các khoản vay.

Không đưa nợ tự vay, tự trả của DN vào nợ công.

Giám sát chặt

Theo Luật Quản lý nợ công năm 2009, nợ công là những khoản nợ của Chính phủ, chính quyền địa phương và nợ được Chính phủ bảo lãnh. Do đó, các khoản nợ do DNNN tự vay tự trả không được tính vào nợ công nợ công của Nhà nước, không bao gồm nợ của Ngân hàng Nhà nước và các DNNN. Song dữ liệu tổng hợp cho biết, tổng nợ của doanh nghiệp (DN) khá lớn. Cuối 2015 nợ nước ngoài của các DNNN là 348.189 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu là vay dài hạn với số tiền là gần 310.000 tỷ đồng.

Trong số tiền vay nước ngoài, chủ yếu là từ nguồn vay lại vốn ODA của Chính phủ với hơn 121.000 tỷ đồng. Còn lại là vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh (97.179 tỷ đồng); Vay nước ngoài theo hình thức tự vay, tự trả là 62.035 tỷ đồng... Tuy nhiên, nợ của DNNN thường có khả năng trở thành nợ công nếu DN không trả được nợ. Nếu DNNN phá sản hoặc không có khả năng trả nợ, Nhà nước sẽ phải trả nợ thay vì Nhà nước là chủ sở hữu.

Thực tế trong thời gian qua thấy, nhiều DN có 100% vốn nhà nước, hay Nhà nước nắm quyền sở hữu chi phối vay nợ, làm ăn thất bát, Nhà nước phải đứng ra gánh nợ. Điển hình khoản vay của DNNN dù Chính phủ không bảo lãnh nhưng vẫn phải tính phương án trả nợ đó chính là khoản nợ 63.000 tỷ đồng của Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC) - tên gọi của Vinashin sau tái cơ cấu

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nguyên nhân khiến nợ công Việt Nam ở mức cao và có xu hướng gia tăng do Chính phủ không chỉ lo trả nợ quốc gia, trả nợ khoản vay trực tiếp của Chính phủ mà còn lo trả các khoản nợ cho DN trong nước, trong đó chủ yếu DNNN. Dù Nhà nước không có trách nhiệm trả nợ, nhưng chủ nợ phát mãi tài sản là đất đai - tài sản của Nhà nước, Nhà nước sẽ bị mất tài sản, nói cách khác là Nhà nước trả nợ thay DNNN.

Giới chuyên gia cho rằng, cần quy định chặt chẽ hơn để giảm sát nợ DNNN tự vay, tự trả, kiểm soát nghĩa vụ nợ tiềm ẩn và tăng cường quản lý đối với các khoản vay không tính vào phạm vi nợ công.

Quy về một mối

Hiện nay có 3 cơ quan quản lý nợ công như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước nhưng sự phối hợp chưa bao giờ thông suốt, chưa gắn trách nhiệm vay và trả nợ, trách nhiệm khi xảy ra thất thoát lãng phí. Quá trình đàm phán vay nợ công chủ yếu do Ngân hàng Nhà nước thực hiện còn phân bổ sử dụng nợ công thuộc thẩm quyền của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong khi đó, Bộ Tài chính chỉ có nhiệm vụ ghi chép về nợ công và tập trung tìm nguồn để trả nợ.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng: Tất cả quy trình quản lý nợ công này đều thực hiện theo sự phân công phân nhiệm của Chính phủ và sẽ không có vấn đề gì nếu Chính phủ thực hiện tốt vai trò quản lý thống nhất đối với nợ công và phối hợp đồng bộ hoạt động của các bộ ngành có liên quan tới quản lý nợ công. Tuy nhiên, thực tế triển khai lại xảy ra hiện tượng cắt khúc, thiếu phối kết hợp trong quản lý, đùn đẩy trách nhiệm; thậm chí xuất hiện cả lợi ích cục bộ lấn át lợi ích quốc gia trong quản lý và sử dụng nợ công”

Giới chuyên gia cho rằng, nên để một đầu mối quản lý, đồng thời là giảm biên chế. Nếu làm được điều này sẽ có bức tranh nợ công tổng thể thay vì phải ghép nhiều mảng ghép như hiện nay. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nói, quản lý nợ công là thách thức cho Việt Nam nếu muốn duy trì tính bền vững của nợ công và duy tri sức tăng trưởng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, đó không chỉ là thách thức của Việt Nam mà nhiều quốc gia khác trên thế giới, như các nước Châu Âu, Mỹ, Trung Quốc...

Đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), ông Jean-Luc Steylaers cho rằng, Việt Nam cần thống nhất các chức năng quản lý nợ. Tập trung nhằm giảm rủi ro về nợ, giảm chi phí nợ, tạo điều kiện quản lý nợ hiệu quả hơn. Cho phép tận dụng lợi thế kinh tế do quy mô, giảm được số cán bộ tham gia quản lý nợ, tạo điều kiện tốt hơn mối quan hệ với thị trường để các nhà đầu tư hiểu sâu rộng hơn về nợ công... Tiến sỹ Trần Du Lịch cho rằng nên quy định cơ quan đầu mối về chịu trách nhiệm vay nợ, trả nợ (bao gồm từ khâu đàm phán các điều kiện vay, quản lý sử dụng tiền vay và kế hoạch trả nợ) là Bộ Tài chính.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm cách quản lý nợ công

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO