Tìm động lực cho kinh tế biển

Lê Anh 29/07/2015 10:00

Nằm tại đô thị sầm uất nhất nước, thế nhưng biển Cần Giờ (TP HCM) từ mấy chục năm qua vẫn chưa tìm được hướng phát triển nhanh, bền vững. Không riêng Cần Giờ, nhiều vùng biển trên cả nước dù nhiều tiềm năng, nhưng hiện vẫn chưa tận dụng được cơ hội bứt phá. Vậy đâu là nguyên nhân?

Kinh nghiệm nghề biển của cha ông cần được lưu ý
trong quy hoạch phát triển kinh tế biển hôm nay.

Nhìn từ biển Cần Giờ…

TP. Hồ Chí Minh có một huyện biển duy nhất là Cần Giờ, nằm ở phía đông nam của thành phố, với diện tích 714 km2, quy mô dân số khoảng 700 ngàn người, cách trung tâm thành phố khoảng 50 km. Mới đây, ý tưởng biến Cần Giờ thành một đô thị du lịch sinh thái rừng – biển đã được Chính phủ cụ thể hóa bằng Dự án “Hệ thống công trình lấn biển kết hợp với khu đô thị - du lịch biển Cần Giờ”. Dự án này đã được nghiên cứu khả thi và được Chính phủ phê duyệt, đang trong giai đoạn xúc tiến đầu tư.

Với người dân Cần Giờ, dự án trên vẫn là ước mơ dù ngay cả khi dự án đã thành hình. Ông Phạm Văn Thìn (SN 1963, ngụ Thạnh An) sống ở xã đảo nói: “Biển Cần Giờ có khu sinh thái ngập mặn, bãi biển đẹp với cửa sông - vịnh thành tạo từ mấy ngàn năm. Có điều bà con ở huyện đảo vẫn chưa phát huy được thế mạnh du lịch này”.

Ở Cần Giờ, trên các di tích khảo cổ được tìm thấy trên các giồng đất được thiên tạo từ quá trình tích tụ phù sa ở vùng cửa sông Đồng Nai. Bề mặt đồng bằng thấp cũng bao phủ bởi thảm thực vật kiểu rừng nước mặn, lại được chia cắt bởi hệ thống sông rạch chẳng chịt. Trên lãnh thổ này, dấu tích cư trú của con người từ rất sớm đã làm cho môi trường sinh thái nhân văn của Cần Giờ khác hẳn những khu vực rừng ngập mặn khác. Đối với Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ hiện nay cũng đã được ngành du lịch thành phố giới thiệu ra cả nước và nước ngoài...

Theo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, du lịch sinh thái rừng biển Cần Giờ được thành phố rất quan tâm để kết hợp giữa đô thị du lịch với rừng ngập mặn. Hiện nay nhiều tour du lịch quốc tế cũng rất thích thú đối với tuyến du lịch Cần Giờ - Vũng Tàu - Mũi Né do kết hợp được các loại hình này. Tuy nhiên, do là vùng dễ bị tổn thương bởi tác động của biến đổi khí hậu nên cả thị trấn Cần Thạnh lẫn khu lấn biển Cần Giờ hiện nay vẫn chưa được phát triển xứng tầm với tiềm năng.

Truyền thống nghề biển - chuyện chưa cũ

Không chỉ riêng Cần Giờ (TP HCM), nhiều địa phương miền Trung và các tỉnh Tây Nam Bộ cho đến nay vẫn loay hoay tìm giải pháp phát triển kinh tế hướng biển. Điểm chung của các vùng biển này là cơ sở hạ tầng ở vùng vien biển vẫn còn lạc hậu, chưa có hệ thống giao thông hiện đại, liên hoàn nối liền các thành phố, khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển, nhất là giao thông giữa đất liền và các đảo, quần đảo (Hoàng Sa, Trường Sa, Phú Quý, Phú Quốc, Côn Đảo,…).

Theo ước tính về quy mô kinh tế (GDP) biển và vùng ven biển hiện chiếm 47 – 48% GDP cả nước, nhưng thực tế 64% là từ nguồn khai thác dầu khí và nguồn lợi hải sản đánh bắt (14%). Trong khi đó, nhiều tiềm năng kinh tế biển khác, như vận tải biển, du lịch biển,…vẫn còn nằm ở dạng tiềm năng chưa được khai phá xứng đáng.

Tại hội thảo khoa học bàn giải pháp phát triển kinh tế biển bền vững vừa được tổ chức tại TP. Phan Thiết (Bình Thuận), PGS.TS Phan An - Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ tham gia tham luận: “Ông cha ta làm kinh tế biển như thế nào?”. Theo chuyên gia này, việc nhìn lại truyền thống nghề biển không phải là câu chuyện đã cũ, mà thực sự còn nhiều giá trị thực tiễn quý báu cho quá trình hoạch định chính sách phát triển kinh tế biển hiện nay.

Trong nghiên cứu của mình, TS Phan An cho biết, Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ là một vị quan thời Nguyễn, đã tổ chức đắp đê lấn biển khai hoang lập ấp ở vùng Kim Sơn, Tiền Hải (Thái Bình). Đây là trường hợp lấn biển để làm kinh tế được biết đến đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Trong lịch sử các chúa Nguyễn và triều Nguyễn cũng gắn với công cuộc mở rộng bờ cõi về phía Nam.

PGS.TS Phan An cụ thể thời chúa Nguyễn Phúc Chu đã thành lập đội Hoàng Sa, với nhiệm vụ định kỳ hàng năm đi thuyền ra Biển Đông để đo đạc hải trình và thu lượm, khai thác các nguồn lợi từ biển, đảo. Từ sau đó, quá trình khai thác các sản vật ở biển Đông đã trở thành thông lệ và xuyên suốt cho đến hôm nay, hình thành thêm nhiều ngư trường truyền thống của ngư dân Việt.

Qua cách làm kinh tế biển, đảo của cha ông, PGS.TS Phan An đã rút ra kết luận: Hoạt động kinh tế biển luôn được các thế hệ đi trước gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp, với đất liền. Đất liền, gồm núi, đồng bằng là điểm tựa, xuất phát để tiến ra biển, đảo. Nhà nước phong kiến, đặc biệt là từ thời nhà Nguyễn đã kết hợp giữa các hoạt động khai thác kinh tế biển với quản lý lãnh hải…

Có thể nói, bài học về sự kết hợp làm kinh tế nông nghiệp với kinh tế biển, giữa kinh tế biển với bảo vệ chủ quyền đất nước, cùng nhiều kinh nghiệm, hiểu biết về biển của cha ông sẽ luôn là động lực, cũng như bài học thiết thực cho phát triển kinh tế biển hôm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm động lực cho kinh tế biển

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO