Tốc độ nợ công tăng nhanh

T. Hằng 22/09/2017 08:15

Bộ Tài chính vừa chính thức ban hành Bản tin nợ công số 5. Theo đó, nợ công năm 2015 chiếm 61% GDP (trần Quốc hội cho phép là 65% GDP). Bộ Tài chính cũng thống kê lại nợ công các năm 2014, 2013, 2012 lần lượt ở các con số 58%; 54,5% và 50,8%.


Nợ công tăng tạo sức ép cho nền kinh tế.

Điều này cho thấy tốc độ nợ công đang tăng nhanh theo thời gian. Trong đó, nợ nước ngoài chiếm 42% GDP, nợ Chính phủ so với GDP năm 2015 là 49,2%.

Năm 2015 nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với thu ngân sách là 14,9% GDP, trong khi năm 2011 là 15,6% GDP. Năm 2015 dư nợ của Chính phủ là hơn 94 tỷ USD, tương đương hơn 2 triệu tỷ đồng. Trong đó nợ nước ngoài là 39,6 tỷ USD, nợ trong nước là hơn 54 tỷ USD. Con số nợ vay năm 2015 cao hơn nhiều năm 2011. Năm 2011, dư nợ vay Chính phủ là hơn 52 tỷ USD (tương đương hơn 1 triệu tỷ đồng).

Cũng trong năm 2015, Chính phủ đã trả được hơn 13,3 tỷ USD, tương đương hơn 288 nghìn tỷ đồng, chủ yếu là trả nợ vay trong nước. Bản tin nợ công cũng đề cập đến số liệu liên quan đến vay và trả nợ được Chính phủ bảo lãnh trong giai đoạn 2011-2015.

Theo đó, năm 2015 nợ được Chính phủ bảo lãnh là gần 21 tỷ USD, tương đương trên 455 nghìn tỷ đồng, gần gấp đôi năm 2011 (năm 2011 con số này mới chỉ là 13 tỷ USD). Nợ được Chính phủ bảo lãnh phần lớn là vay nước ngoài với hơn 11,3 tỷ USD, còn lại là vay trong nước.

Luật Quản lý nợ công đã được ban hành từ năm 2009 và có hiệu lực từ đầu 2010, trong hơn 6 năm qua, nợ công tăng rất nhanh. Nguyên nhân nợ công tăng nhanh là do bội chi ngân sách tăng, luôn vượt mức dự toán. Bình quân bội chi ngân sách trong 5 năm qua mỗi năm chiếm 5,8% GDP. Bên cạnh đó, vốn vay ODA đáp ứng cho nhu cầu đầu tư, kết cấu hạ tầng cơ sở như giao thông, cảng, sân bay cũng rất lớn nên vay nợ nhiều. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm trung hạn và xác định trần nợ công là 65% GDP, đến cuối năm 2020.

Giới chuyên gia cho biết, quản lý chặt nợ công và từng bước giảm nợ công là yêu cầu cấp thiết, tuy nhiên có một thực tế nợ công không thể giảm ngay trong “một sớm một chiều” mà cần phải có lộ trình. Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho rằng các chương trình, dự án sử dụng vốn vay nợ phải tuân thủ đúng dự toán được giao; tránh hiện tượng điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư, đặc biệt là tăng từ nguồn vốn vay do triển khai chậm trễ, không đúng tiến độ dẫn đến khối lượng tăng lên.

Bên cạnh đó phải chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng đầu tư công, sử dụng nợ công; kiên quyết cắt giảm bội chi ngân sách nhà nước theo lộ trình. Chủ động xây dựng phương án điều chỉnh tổng mức vay và hạn mức nợ tương ứng để đảm bảo an toàn nợ công và an ninh tài chính quốc gia... giám sát kiểm soát kỹ các khoản vay mới.

Giới chuyên gia cũng khẳng định,áp lực vay nợ cho phát triển kinh tế - xã hội là rất lớn, vì vậy để giảm áp lực này trước hết phải xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn trong khả năng cân đối và đảm bảo tính bền vững của chính sách tài khóa; kiểm soát chặt chẽ danh mục đầu tư công và chỉ tập trung đầu tư vào các ngành, lĩnh vực then chốt cần sự đầu tư của Nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tốc độ nợ công tăng nhanh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO