Trải nghiệm Cồn Cỏ

Gia Bách 19/03/2017 10:35

Đầu tháng 4 tới, tỉnh Quảng Trị sẽ mở tuyến du lịch đảo Cồn Cỏ với nhiều hoạt động hấp dẫn như trekking rừng già, lặn biển ngắm san hô, thăm di tích lịch sử trên đảo... Thời điểm này, huyện Cồn Cỏ đang thử nghiệm tàu cao tốc và bán vé giá 0 đồng cho du khách ra thăm Cồn Cỏ.

Một góc đảo Cồn Cỏ.

Huyện đảo Cồn Cỏ được thành lập tháng 10-2004 với diện tích khoảng 2,3 km2, cách đất liền 15-17 hải lý. Hiện trên đảo có khoảng 15 hộ dân sinh sống. Trong năm 2017, tỉnh Quảng Trị lên kế hoạch tuyển thêm 10 hộ dân ra sinh sống tại đảo.

Đảo Cồn Cỏ nằm ở phía Đông của huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị), cắt ngang Vĩ tuyến 17, cách đất liền khoảng 30 km. Do nằm ở vị trí trọng yếu nên Cồn Cỏ được xem là “vọng gác tiền tiêu” của đất liền. Hòn đảo có hàng triệu năm tuổi nhưng được gọi là đảo “Thanh niên” vì huyện Cồn Cỏ mới được thành lập tháng 10-2004. Sau đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã mời chuyên gia Cuba đến lập quy hoạch, biến hòn đảo khói lửa, đạn bom năm xưa thành địa chỉ du lịch hấp dẫn.

Lợi thế của đảo Cồn Cỏ là hơn 70% diện tích rừng nguyên sinh. Đảo có hệ sinh thái đa dạng với hàng trăm loài động thực vật, trong đó nhiều cây rừng và hải sản quý. Nước biển ở đây ấm quanh năm với nhiều bãi cát trải dải. Ấn tượng đầu tiên là một màu xanh trải dài trên đảo. Ẩn mình dưới hàng dừa xanh, hướng về phía đất liền là dãy nhà của 15 gia đình thanh niên xung phong Cồn Cỏ, do Trung ương Đoàn tặng.

Ngoài những căn hộ gia đình ấy, bây giờ có thêm nhà làm việc của huyện đảo, đài truyền thanh, nhà văn hóa thanh niên, bưu điện, và đặc biệt là ngôi trường mầm non mang tên Hoa Phong ba. Chúng tôi dạo một vòng quanh đảo hít thở không khí của biển với chiều dài chừng 5 cây số. Nếu như phía tây nam đảo là nơi tập trung xây dựng khu hành chính và khu dân cư, công trình âu tàu, dịch vụ hậu cần nghề cá thì các khu vực còn lại quanh đảo còn hoang sơ. Bãi đá phía đông bắc Cồn Cỏ là điểm đến thú vị với ai yêu thích chụp ảnh nhờ vẻ đẹp rất độc đáo của vô số những viên đá tròn nhẵn bóng như ngọc trai đen khổng lồ, đối lập với bãi cát trắng mịn màng ngay bên cạnh.

Ngoài ra, hải đăng trên đảo cũng là một điểm đến hấp dẫn. Ngọn hải đăng là công trình cao nhất trên đảo. Cồn Cỏ chưa có điện lưới nên sử dụng năng lượng mặt trời. Với người dân, điện cấp từ máy phát điện nhưng cách nhật. Leo 100 bậc thang lên đỉnh ngọn hải đăng, du khách ngắm được vẻ đẹp toàn cảnh của đảo. Tại đây du khách được trò chuyện với những người lính đảo vui tính và dễ gần. Bãi đá có vẻ đẹp độc đáo ở phía đông bắc Cồn Cỏ rất thích hợp cho những bạn trẻ ưa chụp ảnh.

Còn những khu rừng tái sinh sau chiến tranh có đủ loại cây rừng chằng chịt, tầng tầng lớp lớp, có cây to mấy vòng tay ôm, bìa quanh đảo có nhiều cây bàng đan xen với cây phong ba tạo nên hệ sinh thái rừng rất phong phú. Hai bên đường quanh đảo là đàn gia súc nhởn nhơ kiếm ăn...Bên đường, những loài hoa dại khoe sắc rực rỡ. Bên cạnh đó, dấu tích những năm tháng oai hùng của Cồn Cỏ hiển hiện qua hệ thống hào giao thông dài hơn 20km, trận địa pháo, địa đạo Bến Nghè...cũng khiến du khách không khỏi xúc động.

Theo các tài liệu khoa học, Cồn Cỏ hình thành từ quá trình vận động phun trào núi lửa. Đảo có cấu tạo địa chất đa dạng, vừa có đá bazan, vừa có đá san hô và cát. Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ cũng là điểm hấp dẫn, ở đây có khoảng 224 loài cá trong tổng số 960 loài cá phân bố ở vùng Vịnh Bắc Bộ, trong đó có 49 loài có giá trị kinh tế cao. Ngoài ra còn có 113 loài san hô cứng, 56 loài rong biển, 46 loài động vật đáy, 20 loài giáp xác, 87 loài cá rạn san hô, 164 loài thực vật phù du, 68 loài động vật phù du và các loài quý hiếm như cá heo, rùa biển. Đặc biệt, Cồn Cỏ có một số loài hải sản quý hiếm đang đối diện với nguy cơ tuyệt chủng như hải sâm mít, cầu gai đá nhum đỏ, cá đuối, cá nàng đào đỏ, cá cháo biển, cá mú sọc trắng, cá mú vân sáng, mực nang vân hổ, tôm hùm đá, ốc đụn…Đây còn là khu vực tập trung các bãi sinh sản của nhiều loài, có giá trị kinh tế cao và đặc hữu của vùng biển Trung bộ.

Cua đá Cồn Cỏ.

Là một trong số ít những nơi sở hữu san hô đen quý hiếm, Cồn Cỏ đang dần trở thành điểm đến lý tưởng cho bất kỳ ai đam mê khám phá thế giới đại dương. Rạn san hô ở Cồn Cỏ có độ phủ cao, đa dạng về thành phần loài và còn tương đối nguyên vẹn chỉ sau đảo Phú Quốc (Kiên Giang), Côn Đảo (Bà Rịa- Vũng Tàu) và Hòn Mun (Khánh Hòa). Hiện ở đây có tới 109 loài san hô, trong đó có nhiều loại quý hiếm mà đặc biệt là san hô đỏ và san hô đen. Vẻ đẹp độc đáo, hiếm có của những dải san hô đen huyền bí bao quanh đảo như lời mời gọi hấp dẫn mà du khách ưa khám phá khó lòng cưỡng lại. San hô ở đây nằm dưới độ sâu 4m trở lên và có nhiều ở bờ Đông Nam của đảo. Do dịch vụ du lịch và lặn biển chưa phát triển nên bạn sẽ phải chuẩn bị “đồ nghề” mang theo trước chuyến đi nếu muốn ngắm nhìn những những rạn san hô tuyệt đẹp. San hô đen ngày nay không còn xuất hiện nhiều như trước và thường nằm sâu ở độ sâu dưới 10m. Do đó, phải biết lặn và một chút may mắn, bạn mới có thể chiêm ngưỡng được “báu vật”.

Sau những phút giây ngụp lặn dưới làn nước biển trong xanh, đi bộ khám phá rừng xanh là một trải nghiệm khó quên. Hay chỉ đơn giản là đắm mình trong làn nước mát tại các bãi biển còn nguyên vẻ hoang sơ. Còn để nghỉ lại qua đêm trên đảo, ngoài hình thức homestay, có thể tổ chức cắm trại, đốt lửa trên bãi biển.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trải nghiệm Cồn Cỏ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO