Trích lập quỹ dự phòng: Quy định dễ bị lợi dụng

Thùy Linh 23/03/2017 08:00

Hiện nay, Thông tư 78/2004/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính cho phép các doanh nghiệp (DN) thực hiện trích lập và sử dụng các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính, dự phòng nợ phải thu khó đòi và dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp tại doanh nghiệp... Đây là một trong những biện pháp để doanh nghiệp bảo toàn và phát triển vốn. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, chính sách này đang bị lợi dụng, gây thiệt hại cho Nhà nước.

Lợi dụng chính sách

Thực tế không ít DN lợi dụng cơ chế tài chính của Nhà nước để thực hiện trích lập không đúng nguyên tắc nhằm mục đích giấu lợi nhuận thực hiện. DN lợi dụng việc trích lập dự phòng để tính thêm vào chi phí các khoản dự phòng không có đủ căn cứ nhằm làm giảm nghĩa vụ nộp ngân sách (đối với DN hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi).

DN lợi dụng việc trích lập dự phòng để mục đích giấu lỗ (đối với DN hoạt động kinh doanh thua lỗ). Việc lập dự phòng làm giảm thu nhập của DN dẫn đến một số DN lợi dụng điều này để tìm cách “tránh thuế”, làm giảm thu ngân sách của Nhà nước.

Theo tiến sĩ, luật sư Hoàng Ngọc Giao- Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách: Nếu không siết chặt lại, nguy cơ các DN lợi dụng chính sách để trốn thuế hoặc che giấu năng lực tài chính là rất cao.

Ông Giao nêu quan điểm, việc trích lập chi phí dự phòng là một chính sách đúng đắn nhằm mục đích đảm bảo an toàn cho DN trong trường hợp phát sinh bất khả kháng trong kinh doanh, giảm thiểu rủi ro cho DN, đảm bảo sự sống còn của DN…

Tuy nhiên, về lý thuyết là vậy song khi được chuyển tải thành các quy định để thực thi lại cho thấy còn nhiều vấn đề. Đặc biệt có hiện tượng DN thực hiện trích lập không đúng nguyên tắc nhằm mục đích che giấu năng lực, lợi nhuận...

Vị chuyên gia phân tích: Có DN thì lợi dụng việc trích lập dự phòng để tính thêm vào chi phí các khoản dự phòng không có đủ căn cứ nhằm làm giảm nghĩa vụ nộp ngân sách (đối với DN hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi). Có DN thì lại lợi dụng nó để giấu lỗ (đối với DN hoạt động kinh doanh thua lỗ). Và bởi việc lập dự phòng làm giảm thu nhập của DN dẫn đến một số lợi dụng điều này để tìm cách “tránh thuế”, làm giảm thu ngân sách của Nhà nước.

Theo nhiều chuyên gia, việc trích lập dự phòng có ý nghĩa nhất định đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ở Việt Nam trong quá trình chuyển đổi từ cơ chế quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường.

Sự biến động của thị trường có ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp nhất là sự biến động về giá cả, nó có thể làm tổng tài sản của doanh nghiệp tăng lên hay giảm đi trong thời gian rất ngắn. Do vậy việc lập dự phòng là cần thiết và đây cũng là việc áp dụng nguyên tắc thận trọng mà chuẩn mực kế toán đã đề ra. Tuy nhiên, chính sách này đang bị lợi dụng, gây thiệt hại rất lớn cho Nhà nước.

Thêm nữa, các công nợ cần phải được rà soát, kiểm tra để thu hồi cho cổ đông, cho Nhà nước. Nếu không thu hồi mà trích lập dự phòng thì DN bị mất, đối tượng thâu tóm hưởng lợi, gây thiệt hại cho Nhà nước và DN.

Thực tế hiện nay nhiều DN không chịu thu hồi công nợ mà cứ đưa vào trích lập dự phòng đổ lỗi thất thoát cho Nhà nước, cho những người tiền nhiệm, nhưng cá nhân lại thu lợi bất chính, là bài học từ nhiều nước Đông Âu, cũng như ở nước ta ở giai đoạn chuyển đổi quản lý nhà nước cho các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh.

Ngăn ngừa từ phía kiểm toán

Bàn về vai trò của các cơ quan kiểm toán trong quy định này, ông Hoàng Ngọc Giao cho biết, một cơ quan kiểm toán lành mạnh sẽ đảm bảo cho các báo cáo tài chính minh bạch. Còn ngược lại, sẽ là nhân tố tiếp tay cho các DN trục lợi.

Ông nói: “Các tổ chức kiểm toán của chúng ta ngoài cơ quan kiểm toán nhà nước thì còn có những tổ chức độc lập. Thực tế hiện nay cho thấy, có không ít cơ quan kiểm toán không độc lập và không trung thực. Do đó, cần rà soát ngay những quy định để đảm bảo tính độc lập của kiểm toán và có những chế tài đối với các tổ chức kiểm toán khi có hiện tượng thông đồng, che giấu, đồng lõa với DN để hợp pháp hóa tất cả những cái gọi là trích lập dự phòng”.

Ông Giao cũng cho rằng, các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc càng sớm càng tốt nhằm giảm thiểu khả năng này loang rộng: “Đối với cơ quan kiểm toán, ngoài việc xử phạt về hành chính thì còn có biện pháp tước giấy phép hành nghề rồi cũng bêu tên lên truyền thông, đánh tụt thứ bậc xếp hạng, xem họ xứng đáng nằm ở danh sách xanh, vàng, hay đỏ. Ví dụ một DN mà được kiểm toán bởi cơ quan kiểm toán trong danh sách vàng thì chẳng có mấy nhà đầu tư dám mạo hiểm. Tóm lại, vấn đề công khai minh bạch rất quan trọng”.

DN kiểm toán, trong trường hợp này, là tội đồ tiếp tay cho các nhóm lợi ích, đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, xem xét điều chỉnh phù hợp, không để tư nhân, nhóm lợi ích kiểm toán lợi dụng chiếm đoạt tài sản của Nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trích lập quỹ dự phòng: Quy định dễ bị lợi dụng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO