Vị thế đã khác trước, Việt Nam cần có chiến lược toàn diện hơn

17/09/2019 13:26

Hiện nay vị thế Việt Nam đã khác trước, do đó cần phải chuyển đổi nền kinh tế sang đổi mới sáng tạo, chú trọng vốn con người, phát triển hạ tầng, sinh kế cho người dân, cải thiện năng suất, phát triển bao trùm, xây dựng một nền kinh tế tự chủ, mọi người dân được hưởng lợi từ quá trình phát triển.

Vị thế đã khác trước, Việt Nam cần có chiến lược toàn diện hơn

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: VGP.

Ngày 19/9 tới, Diễn đàn Cải cách và phát triển Việt Nam (VRDF) 2019 với chủ đề “Việt Nam: Khát vọng thịnh vượng - Ưu tiên và hành động” sẽ được tổ chức tại thủ đô Hà Nội. Trước thềm Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có một số chia sẻ thông tin với Báo điện tử Chính phủ xung quanh sự kiện này.

Xin Bộ trưởng cho biết những điểm mới của Diễn đàn VRDF2019 lần này so với các diễn đàn lần trước?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: VRDF 2019 được tổ chức sớm hơn VRDF 2018 nhằm mục đích thu nhận các ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong nước và quốc tế có uy tín, là một kênh cung cấp những đóng góp đầu vào quan trọng cho nghiên cứu xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) 2021-2020, phương hướng và nhiệm vụ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Điểm khác biệt là hiện nay Việt Nam đã có vị thế khác trước. Đến nay, tầm vóc, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế từng bước cải thiện, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Thành quả quan trọng nhất của hơn 30 năm Đổi mới là đã làm thay đổi hẳn diện mạo kinh tế Việt Nam, đời sống người dân được cải thiện, tỷ lệ nghèo đói giảm mạnh, Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình và hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng nhưng chuyển dần sang giai đoạn già hoá dân số.

Các nhận định chung từ các tổ chức quốc tế các chuyên gia kinh tế uy tín trên thế giới đều đánh giá sự phát triển của Việt Nam phù hợp với xu thế phát triển của thế giới.

Với các kết quả được thế giới ghi nhận, Việt Nam không chỉ ở vị thế học hỏi mà Việt Nam hiện ở vị thế chia sẻ kinh nghiệm phát triển.

Bối cảnh diễn ra diễn đàn cũng có nhiều thay đổi, tính bất định của kinh tế thế giới ngày càng cao. Trong khi đó, Việt Nam chuẩn bị kết thúc Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm lần thứ ba của mình cho thời kỳ 2011-2020 để bước sang một thập kỷ, kỷ nguyên mới với nhiều cơ hội phát triển mới đi liền với nhiều thách thức lớn.

Do đó, cần quan sát các xu hướng lớn toàn cầu trong dài hạn và phải tính được tác động tới Việt Nam mặc dù càng ngày càng rất khó dự báo.

Trong bối cảnh mới thay đổi, Việt Nam cầncải cách, chuyển đổi mô hình tăng trưởng như thế nào trong thời gian tới, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Rất nhiều nghiên cứu cho rằng Nền kinh tế thế giới đang giảm tốc trong 10 năm tới. Đây là xu thế không đảo ngược được vì mang tính chu kỳ lịch sử. Những dấu hiệu dễ nhận ra là GDP toàn cầu giảm tốc, thương mại toàn cầu giảm tốc gấp 3 lần GDP, thu hút FDI giảm. Tuy nhiên, không phải cứ giảm tốc là bất lợi. Việt Nam nếu có ứng xử một cách khôn khéo sẽ ít chịu tác động từ sự giảm tốc. Chính trong giai đoạn này, đòi hỏi Việt Nam cần tranh thủ cơ hội, cần cơ cấu lại và cải cách mạnh hơn.

UNDP có chia sẻ với chúng tôi về Biến đổi khí hậu, họ nói rằng thế giới đang trong tình trạng khẩn cấp về biến đổi khí hậu và trong 2-3 năm tới phải hành động nỗ lực gấp đôi mới đạt được mục tiêu giảm khí thải. Việt Nam là 1 trong 10 nước chịu ảnh hưởng nặng nhất của biến đổi khí hậu quốc gia với các kịch bản dự báo khó lường, có khả năng mất 2,5% đến 4% GDP. Các vấn đề như: lũ lụt miền Trung, thiếu nước ngọt ở vùng Nam Trung bộ, xâm ngập mặn ở đồng bằng Sông Cửu Long … Bản thân tôi và mỗi chúng ta không thể ngồi yên để chứng kiến điều đó.

Còn các chuyên gia của Đại học Harvard thì có nhấn mạnh quan điểm rằng thời điểm này, Việt Nam nên có chính sách rõ ràng thu hút nhân lực cao trở về nước. Theo giáo sư Thomas Valley của trường Harvard Kennedy School, các em sinh viên giỏi là mỏ vàng của Việt Nam. Về vốn con người, họ nói cần đầu tư cho giáo dục & giáo dục cần tập trung đào tạo kỹ năng sáng tạo và cảm xúc xã hội là những thứ đang thiếu trong hệ thống giáo dục hiện nay của ta.

Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam cũng đã sớm nhận thấy vấn đề này và có những bước đi bài bản với việc ủng hộ thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, thu hút nhân lực, tích luỹ kinh nghiệm tốt, rút ra các mô hình thể chế tốt nhất, tận dụng thời cơ thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, để thu hút nhiều hơn nhân lực vẫn cần các nguồn lực tài chính xã hội hoá từ các doanh nghiệp “truyền cảm hứng”, khích lệ, thu hút nhân tài đóng góp trực tiếp cho đất nước.

Qua những góp ý cho Việt Nam, theo Bộ trưởng, động lực nào được coi là đột phá để phát triển, là công nghệ, là vốn con người, là truyền thống văn hoá, hay là sự kết hợp tất cả các yếu tố đó?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: GS Michael Porter đứng đầu trong danh sách 50 “bộ óc” quản trị có ảnh hưởng nhất thế giới, một trong những giáo sư lỗi lạc nhất trong lịch sử của Harvard có chia sẻ trực tiếp với chúng tôi về cách tiếp cận mới về năng lực cạnh tranh quốc gia.

Theo Giáo sư, cách tiếp cận năng lực cạnh tranh cần xem xét trên giác độ mới, năng lực cạnh tranh không phải là lương thấp, không phải là giảm chi phí dựa trên lao động rẻ, không chỉ là tạo ra nhiều việc làm trên diện rộng. Năng lực cạnh tranh cần nhìn trên 2 góc độ.

Thứ nhất, góc độ vĩ mô, đó là sự minh bạch của chính sách thuế khoá và tiền tệ, thể chế công, phát triển con người và xã hội.

Thứ hai, góc độ vi mô, đó là doanh nghiệp và môi trường kinh doanh xung quanh doanh nghiệp là cốt lõi. Trong cạnh tranh, không nên chỉ coi trọng nặng về kinh tế, mà cần quan tâm hài hoà về vấn đề xã hội. Đây được coi là 2 cán cân cần được cân bằng cùng có lợi, không chỉ nghiêng về một phía. Ông chỉ ra những điểm còn yếu của Việt Nam ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh như: Chết vì tai nạn giao thông hay sự tham gia của người dân vào quá trình phát triển...

Cũng theo dữ liệu của UNDP, Việt Nam chỉ dành 0,19% GDP trong khi Trung Quốc là 2% GDP, Nhật 3%, Mỹ hơn 3% cho nghiên cứu phát triển. Hiện nay, nền thương mại toàn cầu dựa trên vật liệu chuyển sang nền thương mại thông tin và dữ liệu. Rõ ràng là, điều này tác động trực tiếp đến năng suất. Vấn đề là chúng ta có chấp nhận rủi ro cho việc triển khai và ứng dụng công nghệ mới, đổi mới sáng tạo, mô hình kinh doanh mới hay không?

Các ví dụ tôi dẫn chứng để thấy, tất cả các góp ý cho thấy chúng ta không thể hời hợt. Cần phải lắng nghe để khắc phục những lỗ hổng còn thiếu trong chính sách và những vấn đề liên quan.

Bộ trưởng kỳ vọng gì về những kết quả của Diễn đàn lần này?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Nhiều khuyến nghị cho Việt Nam gửi đến chúng tôi trước Diễn đàn tập trung vào việc Việt Nam cần có chiến lược toàn diện hơn so với các cách thức truyền thống. Cần thiết phải chuyển đổi nền kinh tế sang đổi mới sáng tạo, chú trọng vốn con người, phát triển hạ tầng, sinh kế cho người dân, cải thiện năng suất, phát triển bao trùm, xây dựng một nền kinh tế tự chủ, mọi người dân được hưởng lợi từ quá trình phát triển.

Khác với lần trước, VRDF 2019 sẽ có sự tương tác mạnh giữa các diễn giả chính (keynote speakers), người thảo luận (panelists) với các đại biểu tham dự Diễn đàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vị thế đã khác trước, Việt Nam cần có chiến lược toàn diện hơn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO