Viện McKinsey đánh giá tích cực triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam

Theo TTXVN 17/09/2018 17:26

Báo cáo mới nhất của Viện Toàn cầu McKinsey đã điểm tên 18 nền kinh tế mới nổi tiêu biểu tại Đông Nam Á, trong đó Việt Nam là một trong số tám đại diện từ ASEAN được nhắc đến.

Viện McKinsey đánh giá tích cực triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam

Chế biến tôm xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần thủy sản Minh Phú (tỉnh Hậu Giang). (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN).

Theo báo cáo công bố cuối tuần qua này, những nền kinh tế mới nổi được cho là tăng trưởng vượt trội nếu chỉ số Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hằng năm bình quân đầu người đạt mức tăng trưởng ít nhất 3,5% trong 50 năm hoặc 5% trong 20 năm.

Viện Toàn cầu McKinsey, thuộc Tập đoàn Tư vấn chiến lược kinh doanh quốc tế McKinsey, đã chia tám nước ASEAN trên thành hai nhóm, theo đó Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan là những quốc gia "tiêu biểu lâu dài" vì đạt mức chuẩn 50 năm, trong khi nhóm thứ hai gồm Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar là các quốc gia "tiêu biểu gần đây” vì đạt mức chuẩn 20 năm.

Ông Oliver Tonby, Giám đốc điều hành và Chủ tịch Văn phòng McKinsey tại châu Á, cho biết mức tăng trưởng ấn tượng của các nước ASEAN không gây bất ngờ cho nhiều nước trong khu vực.

Với nhận định trên, các nước ASEAN sẽ phải đối mặt với thách thức duy trì đà tăng trưởng và thu hẹp khoảng cách GDP giữa hai nhóm nước.

Báo cáo của Viện Toàn cầu McKinsey cho rằng nếu nền kinh tế ASEAN có thể tăng trưởng ở mức 4,1%/năm từ nay đến năm 2030, GDP của khu vực sẽ tăng gấp đôi lên 5.000 tỷ USD, đóng góp cho 5% GDP của toàn thế giới. Điều này sẽ phụ thuộc nhiều vào bốn quốc gia đi đầu trong khối là Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan.

Theo Viện Toàn cầu McKinsey, chính phủ đóng vai quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng ở các nước ASEAN, nhất là ở các nước thu nhập thấp. Ở các nước thu nhập cao như Singapore, Malaysia, chính phủ giúp chuyển đổi các nguồn ngân quỹ tiết kiệm sang vốn đầu tư, thường thông qua các doanh nghiệp nhà nước hoặc các doanh nghiệp liên doanh.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng nếu muốn theo kịp Singapore và Malaysia, một số quốc gia có mức độ tăng trưởng thấp hơn cần cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó có tình trạng bảo hộ doanh nghiệp.

Báo cáo của Viện Toàn cầu McKinsey cho rằng có hai động lực thúc đẩy tăng trưởng của các nước ASEAN, đó là các chính sách khuyến khích tăng trưởng, tiết kiệm ngân sách và vai trò chủ đạo của các doanh nghiệp lớn.

Với yếu tố đầu tiên, chính sách tích lũy vốn đã đem lại kết quả ấn tượng cho nhiều nước Đông Nam Á. Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan đã tiến hành tích lũy từ những thập niên 70 của thế kỷ trước.

Trong giai đoạn 2000-2015, lượng ngân quỹ Singapore tích lũy đã đạt 51% GDP của nước này, trong khi Malaysia đã tiết kiệm được 40%, Indonesia 32% và Thái Lan 30%. Trong khi đó, Việt Nam cũng chỉ mới bắt đầu thực hiện chính sách này trong 20 năm trở lại đây.

Tỷ lệ tiết kiệm cao tương quan với mức độ đầu tư tăng mạnh. Trung bình, các quốc gia “tiêu biểu lâu dài” đầu tư khoảng 30% GDP, trong khi các quốc gia “tiêu biểu gần đây” chỉ được khoảng 20%.

Để Đông Nam Á có thể phát huy được tối đa tiềm năng kinh tế, Viện Toàn cầu McKinsey đưa ra ba đề nghị cho các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo các doanh nghiệp, đó là thúc đẩy ứng dụng tiến bộ công nghệ, tái cơ cấu thị trường lao động và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Viện McKinsey đánh giá tích cực triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO