Xây dựng thương hiệu để nâng cao năng lực cạnh tranh

Ảnh: Quang Vinh 27/12/2017 15:00

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng, trong xu thế hội nhập sâu rộng hiện nay, việc nâng cao năng lực của các doanh nghiệp, nhất là thương hiệu của doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm là yêu cầu rất quan trọng…

Xây dựng thương hiệu để nâng cao năng lực cạnh tranh

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại Hội thảo.

Ngày 27/12, tại Hà Nội, UBTƯ MTTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Công thương tổ chức hội thảo nâng cao năng lực cạnh tranh thương hiệu Việt trong hội nhập quốc tế. Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh; Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại – Bộ Công thương Vũ Bá Phú chủ trì Hội thảo.

Doanh nghiệp còn chưa ý thức việc xây dựng thương hiệu

Bàn về vấn đề xây dựng thương hiệu, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại, Bộ Công thương nhận định, thời gian qua các doanh nghiệp Việt Nam đã có cải thiện trong vấn đề xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, hơn 90% doanh nghiệp ở Việt Nam là vừa và nhỏ, vì vậy việc xây dựng thương hiệu còn khó khăn. Doanh nghiệp cũng chưa có ý thức mạnh mẽ hơn trong việc xây dựng cũng như bảo vệ thương hiệu của mình, vì vậy dẫn tới kém cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài ngay trên thị trường Việt. Trong khi đó, vẫn còn tình trạng sản xuất hàng nhái hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ.. khá phổ biến.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường, ông Phú cho rằng không có cách nào khác là các doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng thương hiệu của mình để cạnh tranh, cùng với đó tổ chức các kênh phân phối hàng Việt hiệu quả.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh của thương hiệu Việt trong hội nhập quốc tế, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng thị trường trong nước, Bộ Công thương cho rằng, việc tập trung vào củng cố và phát triển thị trường trong nước, phát huy nội lực để xây dựng một nền kinh tế tự chủ và không bị “hòa tan” trong hội nhập đang là yêu cầu cấp bách đặt ra đối với Việt Nam.

Xây dựng thương hiệu để nâng cao năng lực cạnh tranh - 1

Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú phát biểu tại Hội thảo.

Bà Lê Việt Nga nhận định, quan trọng nhất trong nâng cao năng lực cạnh tranh thương hiệu Việt trong hội nhập quốc tế là các doanh nghiệp cần không ngừng đầu tư, nâng cấp dịch vụ, chất lượng, mẫu mã để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Doanh nghiệp phân phối cần có chính sách ưu tiên hàng hóa sản xuất trong nước, chủ động tiếp cận, hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ nông dân trong sản xuất hàng hóa đạt tiêu chuẩn trong nước và quốc tế hướng tới người tiêu dùng Việt Nam và xuất khẩu.

Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan cho biết, sau 10 năm Việt Nam tham gia WTO, thị trường bán lẻ của chúng ta đã phát triển vượt bậc. Tổng mức bán lẻ 2010 đạt 88 tỷ USD, năm 2015 là 146 tỷ USD, vượt xa con số dự báo của các hãng nghiên cứu thị trường nước ngoài.

Bà Loan cho rằng, để chiếm lĩnh thị trường, hội nhập thành công, từng cá nhân, từng doanh nghiệp cần có chiến lược, con đường đi của riêng mình. Để nâng cao cạnh tranh của thương hiệu Việt một trong những giải pháp quan trọng là phát triển thị trường bán lẻ.

Đưa thương hiệu Việt vươn tầm thế giới

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định, qua 8 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của các doanh nghiệp đã làm thay đổi tích cực về nhận thức, hành vi tiêu dùng của người Việt Nam.

Xây dựng thương hiệu để nâng cao năng lực cạnh tranh - 2

Quang cảnh Hội thảo.

Đến nay đã có hơn 90% người tiêu dùng đã quan tâm đến hàng hóa có xuất xứ Việt Nam, trong đó hơn 60% khẳng định sẽ tiếp tục sử dụng hàng Việt. Điều đó tạo nên sự khích lệ to lớn để doanh nghiệp tiếp tục sản xuất nhiều sản phẩm tốt cũng như tiếp tục có những giải pháp để giảm giá thành sản phẩm. Thông qua cuộc vận động, đã có nhiều thương hiệu Việt Nam vượt tầm quốc gia, vươn ra thị trường thế giới.

Tuy nhiên theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh trong xu thế hội nhập sâu rộng hiện nay, việc nâng cao năng lực của các doanh nghiệp, nhất là thương hiệu của doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm là yêu cầu rất quan trọng, không chỉ đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng trong nước mà còn hướng tới thị trường thế giới.

Chính vì vậy Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nâng cao năng lực cạnh tranh thương hiệu Việt trong hội nhập quốc tế, UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng đã phát động phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế” để kêu gọi tất cả mọi người dân, các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp tiếp tục phát huy sáng kiến, đầu tư, nghiên cứu cải tiến quy trình sản xuất, để ngày càng có nhiều hơn những sản phẩm tốt, thương hiệu thành công.

Trung Hiếu

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng thương hiệu để nâng cao năng lực cạnh tranh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO