Xây dựng thương hiệu quốc gia: Đi sau các nước cả chục năm

Minh Phương 21/04/2016 07:17

Nhận định này được đưa ra tại Diễn đàn Thương hiệu quốc gia với truyền thông và cộng đồng do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) tổ chức - nhân ngày Thương hiệu Việt Nam (20-4) diễn ra tại Hà Nội. Đáng chú ý, chỉ có 1 trong số 147 doanh nghiệp khi được hỏi cho biết, họ hiểu biết cặn kẽ về chương trình Thương hiệu quốc gia. Số còn lại hầu như không có thông tin gì hoặc biết rất lơ mơ.

Ảnh minh họa.

Người nước ngoài chỉ biết phở 24, Vinacafe (!)

Diễn đàn Thương hiệu quốc gia với truyền thông và cộng đồng diễn ra vào sáng 20/4 tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh, thành viên Ban cố vấn Chương trình Thương hiệu quốc gia (THQG) cho biết, các DN trong nước hầu như vẫn chưa biết nhiều đến chương trình THQG. Theo ông Thịnh, trong số 147 DN được khảo sát, chỉ có 9 DN trả lời họ đã nghe và biết đến chương trình.

Tuy nhiên, chỉ 1 DN trong số này nói họ hiểu biết cặn kẽ về chương trình, 8 DN còn lại cho rằng chương trình chỉ đơn thuần là trao các giải thưởng đạt THQG cho các DN. Đặc biệt, cả 147 DN đều không biết thủ tục đăng ký tham gia Chương trình như thế nào, ở đâu… “Điều này cho thấy chương trình THQG vẫn chưa được phổ biến, tuyên truyền rộng rãi đến các DN. Số DN biết đến rất hãn hữu. Chính hạn chế này khiến cộng đồng DN Việt Nam không mấy quan tâm và chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu, hình ảnh riêng cho mình cũng như bảo vệ hình ảnh, thương hiệu đó”- PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh nhận định.

Cá tra, cá ba sa của Việt Nam xuất khẩu rất nhiều sang thị trường quốc tế, đặc biệt là Hoa Kỳ, nhưng người dân Hoa Kỳ họ chỉ biết đó là sản phẩm của Việt Nam chứ không biết là của DN ở Việt Nam sản xuất. Đặc biệt, nhiều người nước ngoài chủ yếu biết đến 2 thứ của Việt Nam là Phở 24 và Vinacafe còn bao nhiêu sản phẩm xuất khẩu khác họ không biết xuất xứ từ Việt Nam. Từ những câu chuyện rất thực tế này, ông Thịnh chỉ ra rằng, các DN Việt Nam vẫn đang chú tâm chạy theo lợi nhuận nhiều hơn là tìm cách xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm của mình.

Việt Nam đã khởi động rất muộn

Mục tiêu xây dựng thương hiệu đã được Chính phủ phê duyệt thành chiến lược từ năm 2003. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm, cả nước mới chỉ có 63 sản phẩm, DN đạt chuẩn THQG. Theo TS Thịnh, Chương trình THQG của Việt Nam được xây dựng từ năm 2003, nghĩa là Việt Nam đang đi sau các nước trên thế giới cả chục năm trong lĩnh vực này.

Nhật Bản đã đi trước Việt Nam 50 năm, Hàn Quốc cũng vượt xa ta đến 30 năm. “Việt Nam đã khởi động rất muộn Chương trình THQG và chúng ta cần phải có thêm thời gian và nỗ lực hơn nữa ở cả phía nhà quản lý cũng như cộng đồng DN mới có thể tạo được dấu ấn riêng, bản sắc riêng để bạn bè quốc tế biết đến”.

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Gustav Dahlin, Trưởng ban Thương mại- Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam cho hay, Thụy Điển đã xây dựng Thương hiệu riêng của mình với cả một quá trình lâu dài, bền bỉ và có sự chung sức của cả cộng đồng, người dân, DN, nhà quản lý… chứ không chỉ riêng một tổ chức, cá nhân nào.

“Nhắc đến Thụy Điển, người ta nhớ đến ban nhạc Abba, giải Nobel danh giá, danh thủ bóng đá nổi tiếng Zlatan Ibrahimovic… Đó là những dấu ấn rất riêng mà đi bất cứ đâu trên thế giới, đất nước Thụy Điển cũng được nhắc đến với những hình ảnh này. Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là những đại sứ thương hiệu và cái cách mà người Thụy Điển xây dựng thương hiệu của riêng mình, để không bị nhầm lẫn với bất kỳ một quốc gia nào. Chúng tôi luôn tìm cách tạo ra những câu chuyện ấn tượng, rung động lòng người với sự sáng tạo riêng để bất cứ ai một lần xem qua là nhớ đến”- ông Gustav Dahlin bày tỏ.

Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh, cách mà Thụy Điển xây dựng THQG là cách xây dựng thương hiệu tập thể. Còn với Việt Nam, chúng ta đang đi theo hướng chọn lĩnh vực tiêu biểu để định vị khi xây dựng thương hiệu, từ đó tạo ra bộ tiêu chí, khuôn khổ đáp ứng và chấp nhận đây là thương hiệu có uy tín trên thị trường.

“Thái Lan, Trung Quốc, và trước đây là Nhật Bản đi theo con đường này. Theo tôi, cách đi này là phù hợp khi Việt Nam mới gia nhập kinh tế thị trường chưa lâu, doanh nghiệp còn nhiều vấn đề như khả năng bao quát thị trường chưa cao… đương nhiên, sau này chúng ta phải vươn tới tìm kiếm xây dựng thương hiệu chung như Thụy Điển đã làm. Và để làm được điều đó, phải có thời gian cũng như sự nỗ lực chung của cả cộng đồng”- ông Thịnh đánh giá.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cũng nêu lên quan điểm: “Xây dựng THQG để khẳng định bản sắc trên thị trường thế giới trong bối cảnh hội nhập là cách đi đúng hướng. Chúng ta có thể kỳ vọng việc khẳng định thương hiệu Việt trên thương trường quốc tế là có triển vọng. Tuy nhiên, để làm được điều đó cần phải có thời gian, có lộ trình để tích tụ năng lực và kinh nghiệm, và sự nỗ lực chung của cả Nhà nước, DN và cộng đồng xã hội, người dân”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng thương hiệu quốc gia: Đi sau các nước cả chục năm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO