Xoay trục nông nghiệp

Nguyên Khánh 07/01/2018 07:00

Vượt qua khó khăn, thách thức trong năm 2017, nông nghiệp nước ta đã cán đích với những kỷ lục mới. Xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt mức hơn 36 tỉ USD, đây là quả ngọt thu được từ chính sách xoay trục trong lĩnh vực nông nghiệp.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, năm 2018 ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục xoay trục tái cơ cấu. Chưa bao giờ ngành nông nghiệp được ưu tiên, tập trung chỉ đạo như bây giờ. Chưa bao giờ các thành phần kinh tế quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp như hiện nay, cho thấy tín hiệu rất tốt cho khu vực nông nghiệp. Khu vực nông nghiệp không còn là “vùng đất khó” khi mà trong năm 2017 rất nhiều doanh nghiệp đã chọn nông nghiệp để đầu tư và đây cũng là năm kéo được rất nhiều doanh nghiệp về với khu vực tam nông.

Xoay trục nông nghiệp

Mùa gặt.

Năm 2017 được ghi nhận là một năm có nhiều biến động về thời tiết với 16 cơn bão, 4 cơn áp thấp, cùng với đó là mưa lớn, lũ ống, lũ quét... xảy ra trên diện rộng ở khắp các vùng miền của cả nước với tổng mức thiệt hại đã lên tới gần 60.000 tỷ đồng. Nhưng vượt lên muôn vàn khó khăn, ngành nông nghiệp đã cán đích với những kỷ lục mới: Xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đã đạt mức hơn 36 tỉ USD, đây là quả ngọt thu được từ chính sách xoay trục trong khu vực nông nghiệp.

Thành tích ấn tượng

Giờ thì lúa gạo đã không còn giữ ngôi “vua” mà nhường chỗ cho rau quả. Năm 2017 trái cây xuất khẩu tăng hơn 40% so với năm 2016. Giá trị xuất khẩu đã đạt 3,45 tỷ USD - cao hơn cả lúa gạo (2,6 tỷ USD).

Thủy sản không chỉ là xuất khẩu thô mà đã ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ trong sản xuất chế biến nhằm đẩy mạnh năng suất, chất lượng sản phẩm để thu về nhiều ngoại tệ hơn. Chỉ tính riêng xuất khẩu tôm cũng đã tăng hơn 22% so với năm 2016. Với con số này, nông sản là ngành hiếm hoi đạt thặng dư tuyệt đối 8,55 tỷ USD, tăng hơn 1 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016.

Phân tích những lý do ngành Nông nghiệp đạt được những kết quả ấn tượng như vậy, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, đó là sự nỗ lực của các cấp, các ngành và của chính những người nông dân chân lấm tay bùn. “Chưa bao giờ ngành Nông nghiệp được ưu tiên, tập trung chỉ đạo như bây giờ.

Chưa bao giờ các thành phần kinh tế quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp như hiện nay. Những hình ảnh các đồng chí trong Ban Thường vụ, rồi bí thư, chủ tịch các tỉnh không chỉ xây dựng, tổ chức vùng nguyên liệu mà còn xúc tiến thương mại, đi bán hàng, đi nước ngoài, cho thấy một tín hiệu rất tốt cho khu vực nông nghiệp”.

Việc Chính phủ ban hành hẳn một nghị quyết (Nghị quyết 120) về phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt với khu vực tam nông. Nhưng nỗ lực trên cả những sự nỗ lực chính là ở những người nông dân, họ đã cần mẫn lao động để góp vào thành công chung.
Vì vậy giờ khu vực Nông nghiệp không còn là “vùng đất khó” khi mà trong năm 2017 rất nhiều doanh nghiệp đã chọn nông nghiệp là điểm đến để khởi nghiệp và đây cũng là năm kéo được rất nhiều DN (1.995) về với khu vực tam nông, trong đó có nhiều tập đoàn lớn như TH Truemilk, Vingroup, Massan...

Việc đạt và vượt các chỉ tiêu mà Chính phủ đề ra trong một năm đầy thử thách về thiên tai, thị trường đã bước đầu khẳng định ngành nông nhiệp đang đi đúng hướng trong quá trình cơ cấu lại ngành gắn với xây dựng nông thôn mới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói và cho rằng, trong năm 2018 ngành Nông nghiệp phải tiếp tục làm sâu sắc hơn, tập trung phát triển theo chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học công nghệ và đặc biệt phải tiếp tục chú ý hai nút thắt, đó là: phát triển vùng nguyên liệu tập trung, chế biến sâu và xúc tiến, mở rộng thị trường.

“Chúng ta phải đi từ những tiền đề là các nhà máy quy mô, công suất lớn và công nghệ hiện đại để định dạng vùng nguyên liệu đảm bảo hình thành mối liên kết chặt chẽ với bà con nông dân thông qua các HTX kiểu mới, các trang trại... Cùng với đó, phải tập trung phát triển mạnh hơn về mặt thị trường, nhất là những thị trường mới, có tiềm năng”.

“Năm 2018 ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục xoay trục tái cơ cấu. Nếu như đồng lòng cả 3 trục: Trục Chính phủ, trục doanh nghiệp và toàn dân trong sự nghiệp tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Chúng ta quyết tâm đồng hành như vậy, tin tưởng sẽ đạt được những kết quả theo mục tiêu đề ra” - ông Cường nói.

Xoay trục nông nghiệp - 1

Không tăng đất lúa, hãy tăng GDP

Tiếp tục đà phát triển cho khu vực tam nông nhiều chuyên gia cho rằng cần tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ ngành nông nghiệp để đạt được những kết quả ấn tượng hơn nữa. Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh nhận định: Mặc dù Việt Nam chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu khoảng 10% nhưng kết quả đạt được lên hơn 21% là quá ấn tượng. Đặc biệt, thặng dư trong thương mại đạt 2,7 tỉ USD. Trong khi xuất khẩu dầu thô không tăng, phần thặng dư đó có phần đóng góp lớn của hàng công nghiệp, chế biến chế tạo và nông lâm thủy sản. Đây là tín hiệu tốt trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Hoạt động kinh tế và xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2018 sẽ tích cực hơn, bởi hàng nông sản của Việt Nam đang có nhiều lợi thế. Các doanh nghiệp cũng đang hướng đến sản xuất lớn và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Những điều đó sẽ giúp ngành nông lâm thủy sản nói chung nâng cao hơn về sản lượng và chất lượng, thúc đẩy gia tăng các hoạt động thương mại trong và ngoài nước.

Theo GS Võ Tòng Xuân, cần phải bỏ ngay tư duy “vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long”, phải dừng thời kỳ chuyên trồng nhiều lúa, mà phải chuyển sang thời kỳ làm tăng GDP, tăng thu nhập của nông dân. Biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, rõ ràng hơn bao giờ hết. Mưa, nắng, bão lụt, khô hạn không thể lường trước như xưa kia. Nước ngọt đang giảm mạnh không nguồn thay thế trong khi nước mặn có thể dâng cao hơn.

Đất đai xói mòn, diện tích mất dần cho xây dựng đô thị và công nghiệp. Trong bối cảnh ấy, trước hết, cần xác định cây gì, con gì và thị trường sản phẩm đó ở đâu đang hoặc sắp cần. Phải chọn ra một số cây, con chiến lược có giá trị cao, không cần nhiều nước ngọt, có thể sử dụng nước mặn. Trong quá trình chọn lựa cây, con, cần thiết phải có các nhà doanh nghiệp tham gia từ đầu, vì họ là người sau cùng sẽ đầu tư sản xuất nguyên liệu và chế biến thành các mặt hàng cung cấp cho thị trường.

Chúng ta sẽ phải có những cánh đồng lúa, mía hàng nghìn hecta; những vườn trại hàng trăm hecta xoài Cát, chôm chôm, nhãn, quít hồng, khóm, chuối, sầu riêng; những trại tôm, cá…. hàng nghìn hecta. Tất cả theo quy hoạch tích hợp bởi các chuyên gia liên ngành cùng phục vụ đầu ra của các doanh nhân Việt Nam. Như vậy mới giúp hình thành chuỗi tiêu thụ sản phẩm, mới tránh được cảnh được mùa rớt giá.

Không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế

Biểu dương nỗ lực của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc “đừng ngủ quên trên vòng nguyệt quế”, thành tích trên chỉ mới là bước đầu, chúng ta còn nhiều bất cập.

Đó là tái cơ cấu nông nghiệp chưa mạnh mẽ. Trồng trọt theo thói quen còn phổ biến ở nông thôn. Vi phạm trong nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản còn lớn. Năng suất lao động còn thấp, kéo theo năng suất lao động của đất nước xuống thấp.

Nông nghiệp chỉ chiếm 16% trong cơ cấu GDP, lao động chiếm trên 42%, nhưng người dân sống ở nông thôn đến 70%. Đây là bài toán đau đầu của các ngành, các cấp. Anh có thể chuyển dịch cơ cấu kinh tế tốt, nhưng cơ cấu lao động là vấn đề lớn hiện nay, chúng ta chưa giải quyết được.

Bên cạnh đó, tình trạng “được mùa rớt giá” vẫn còn là nỗi lo. Đời sống của một bộ phận không nhỏ nông dân, nhất là ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn. Hệ thống thủy lợi xuống cấp. Doanh nghiệp nông nghiệp tuy có tiến bộ đáng mừng nhưng còn ít, chỉ chiếm 1% số lượng doanh nghiệp cả nước. Một số địa phương còn lơ là trong việc chỉ đạo phát triển nông nghiệp, nông thôn.

“Tại sao khiếu kiện ở nông thôn còn nhiều như thế? Các đồng chí phải suy nghĩ. Có đối thoại với dân không? Nguyên nhân gì? Chúng ta phải tự hỏi cái này, tự hỏi chúng ta, chứ không phải tự hỏi người dân đâu”.

Đừng để tình trạng lòng dân không yên ở nông thôn. Phải tạo chuyển biến rõ nét hơn, thực chất hơn trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp và nhắc lại con số, chỉ tiêu cụ thể đối với ngành nông nghiệp mà Hội nghị Chính phủ với địa phương cuối năm 2017 đã “chốt” như: Tăng trưởng khu vực nông nghiệp đạt 3%. Xuất khẩu phải đạt khoảng 40 tỷ USD, chứ không phải 38 tỷ USD - Thủ tướng lưu ý.

Để thực hiện thành công kế hoạch năm 2018, ngành NNPTNT và các địa phương phải xây dựng hệ thống chỉ tiêu cụ thể để phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của toàn ngành. Phải biến từ định hướng thành bảng số liệu cụ thể trong chỉ đạo, chứ không phải chỉ nói chung chung.

Để đạt được những mục tiêu này, sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành trong nông nghiệp nông thôn là rất quan trọng. Toàn ngành nông nghiệp, cả hệ thống ngành phải cùng hành động. Đổi mới tư duy, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh, sạch, thông minh.

Lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp với lợi thế so sánh của từng vùng. Chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây, con khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Đẩy mạnh hình thức kinh doanh, nhân rộng những mô hình, hình thức làm hay của các doanh nghiệp, đơn vị để nông dân có thể học tập làm theo-Thủ tướng chỉ đạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xoay trục nông nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO