K=K và những cơ hội điều trị cho người nhiễm HIV

Đức Trân 31/08/2019 13:29

Hiện nay trên toàn quốc có khoảng 250.000 người có HIV, trong đó, vẫn còn khoảng 40.000-50.000 người mắc bệnh HIV trong cộng đồng vẫn chưa được phát hiện bệnh. Đáng lưu ý, các trường hợp có bệnh HIV ở Việt Nam chủ yếu là nam giới (hơn 70%), người từ 30-50 tuổi (80%).

Đường lây truyền HIV đang có sự thay đổi mạnh, trong đó lây nhiễm qua đường tình dục tăng nhanh, trở thành phương thức lây truyền HIV chủ yếu (tăng từ 34,4% năm 2015 lên 65,6% năm 2018). Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội cho biết: trong 10 năm qua, cả 2 tiêu chí là số người nhiễm HIV mới, số người chuyển sang giai đoạn AIDS hàng năm đều giảm. Tính đến hết năm 2018, Hà Nội có hơn 21.000 người nhiễm HIV còn sống (chiếm 10% tổng số người nhiễm trên toàn quốc). Riêng trong năm 2018, Hà Nội phát hiện mới khoảng 1.290 trường hợp nhiễm HIV.

Tuy nhiên, con đường lây truyền qua đường tình dục hoàn toàn có thể kiểm soát được nếu người nhiễm HIV được phát hiện sớm và điều trị bằng thuốc kháng virus kịp thời, theo đúng phác đồ.

K=K và những cơ hội điều trị cho người nhiễm HIV

Cơ hội điều trị cho người nhiễm HIV

Việc điều trị HIV/AIDS bằng thuốc kháng HIV (ARV) hiện nay đã mở ra cơ hội lớn cho người nhiễm HIV. Khi vào cơ thể, HIV phá hủy hệ miễn dịch của người nhiễm, làm cho hệ miễn dịch dần bị suy giảm, nhờ ARV kiềm chế sự nhân lên của HIV mà hệ miễn dịch được phục hồi trở lại, làm giảm khả năng mắc các bệnh nhiễm trùng, nhờ vậy, giúp người nhiễm HIV tiếp tục sống khỏe mạnh, lâu dài như mọi người. Việc điều trị bằng ARV kịp thời còn giúp cải thiện chất lượng sống cho người bệnh. Khi người nhiễm HIV khỏe mạnh, họ có khả năng lao động và làm việc như người không nhiễm HIV và tự tin sống hòa nhập với cộng đồng. Điều trị ARV kịp thời sẽ giảm nguy cơ tiến triển AIDS (mắc các nhiễm trùng cơ hội) và tử vong ở người nhiễm HIV, đặc biệt là giảm nguy cơ làm bệnh lao bùng phát. Điều trị bằng ARV làm ức chế sự nhân lên của HIV và kìm hãm lượng HIV trong máu ở mức thấp, do vậy làm giảm khả năng lây truyền HIV từ người nhiễm sang người chưa nhiễm qua quan hệ tình dục không an toàn.

Cơ chế hoạt động của thuốc kháng virus ARV hiện nay dựa trên sự kết hợp của 3 hoặc nhiều nhóm thuốc kháng virus khác nhau, có hiệu quả rộng trong việc làm suy giảm phổ virus HIV trong máu. Khi đó, nếu một loại thuốc không thể kiểm soát được virus thì các thuốc còn lại vẫn có hiệu quả. Liệu pháp này giữ tải lượng virus HIV trong máu thấp hơn ngưỡng 200 bản sao/ ml máu (ngưỡng “không phát hiện được”). Tuy nhiên, HIV không thể được loại bỏ hoàn toàn bằng thuốc ARV, vì virus vẫn tồn tại (mặc dù không nhân lên). Các nhà khoa học gọi dạng HIV thầm lặng này là "ổ chứa virus tiềm ẩn" bởi vì nó vẫn vô hình đối với hệ thống miễn dịch và không bị ARV tấn công. HIV vẫn tái hoạt động định kỳ và bắt đầu nhân lên khi có cơ hội. Do đó, liệu pháp dùng thuốc kháng virus hiện nay phải điều trị trong suốt cuộc đời bệnh nhân.

Gần đây, Trung tâm nghiên cứu AIDS của Viện Y tế quốc gia Italy (ISS) đã công bố kết quả một nghiên cứu được thực hiện tại 8 trung tâm nghiên cứu lâm sàng. Tat (chữ viết tắt của Transactivator) là một gen điều hòa có tác dụng thúc đẩy sự sinh sản của virus HIV - thành tố rất quan trọng, không có nó thì HIV hoàn toàn không nhân lên được. Thuốc Tat nhắm đến 1 loại protein có tên là HIV-1 Tat, có vai trò quan trọng trong việc nhân lên của virus HIV. Loại thuốc mới tăng cường phản ứng của hệ thống miễn dịch với protein này có tác dụng “khóa” chúng lại, khiến virus HIV không thể sao chép được. Sau thử nghiệm đợt đầu, 92 tình nguyện viên bước vào dùng thuốc đợt 2, kéo dài suốt 8 năm. Kết quả cho thấy, việc sử dụng thuốc ức chế Tat trên các bệnh nhân dùng thuốc kháng virus (ARV) đã làm giảm đáng kể lượng virus tiềm ẩn so với chỉ điều trị bằng ARV đơn thuần.

Thuốc ức chế Tat sử dụng kèm với thuốc kháng virus truyền thống (ARV) được kỳ vọng sẽ có tác dụng mạnh hơn so với liệu pháp chỉ dùng ARV. Kết quả lâm sàng mới nhất cho thấy bệnh nhân được điều trị bằng cả thuốc kháng ART và thuốc ức chế Tat đã ghi nhận sự giảm mạnh nồng độ DNA pro-virus trong máu. Tải lượng HIV của tình nguyện viên tham gia giảm hơn 80%, xuống dưới 50 bản sao/ ml máu. Phản ứng này xảy ra với tốc độ trung bình cao gấp 4-7 lần so với quan sát ở những bệnh nhân được điều trị bằng liệu pháp ARV bình thường.

Có thể nói, sự ra đời của loại thuốc mới mở ra hướng điều trị mới và cơ hội mới trong điều trị cho người nhiễm HIV. Tuy nhiên đây mới là nghiên cứu công bố lâm sàng, từ thử nghiệm thành công ra áp dụng rộng rãi chắc chắn cần có thời gian, và về nguyên tắc những thuốc mới ra đời có giá thành rất đắt, do vậy không phải mọi người dễ dàng tiếp cận được ngay.

Cơ hội về dự phòng lây nhiễm HIV bằng que cấy thuốc kháng HIV

Việc sử dụng thuốc kháng virus (ARV) để dự phòng lây nhiễm HIV (tức sử dụng thuốc kháng virus uống hàng ngày ở người chưa nhiễm HIV nhưng có nguy cơ cao lây nhiễm HIV) mà chúng ta quen gọi là PrEP đã và đang được triển khai tại nhiều nước trên thế giới. Việt Nam hiện đang triển khai tại 11 tỉnh có gánh nặng bệnh tật cao. Đây là loại thuốc viên chứa 2 loại thuốc kháng virus. Thuốc uống, nên khi vào cơ thể hấp thu nhanh và cũng bị đào thải khá nhanh. Để duy trì thuốc ARV trong máu với một nồng độ đủ ức chế virus cần phải uống hàng ngày, mỗi ngày một viên và người dùng có thể ngừng sử dụng thuốc khi không còn nguy cơ lây nhiễm HIV.

Tại Hội nghị quốc tế về AIDS lần thứ 10 ở thành phố Mexico hôm 23/7/2019, một nhóm nhà khoa học vừa công bố đang thử nghiệm loại thuốc với tên gọi MK-8591. Về bản chất cũng là thuốc kháng virus (ARV) để điều trị dự phòng trước lây nhiễm HIV (PrEP), tuy nhiên nó được thử nghiệm dưới dạng que cấy như dạng que diêm. Khi cấy que có thuốc này vào dưới da, thuốc ARV sẽ được giải phóng từ từ và duy trì một nồng độ thuốc trong máu đủ dự phòng để một người không bị nhiễm HIV. Hiện có que cấy thử nghiệm có tác dụng kéo dài 1 năm, sau 1 năm mới cần thay que mới.

Với kết quả này, hy vọng các nhà khoa học có thể tạo ra một cách tiếp cận mới để ngăn chặn virus HIV một cách hiệu quả và cũng mở ra cho người sử dụng một lựa chọn mới. Tuy nhiên đây mới là kết quả nghiên cứu lâm sàng, và để đưa ra ứng dụng rộng rãi sẽ cần có thêm thời gian.

Hiểu rõ hơn về chiến dịch “K=K”

“Không phát hiện = Không lây truyền” được dịch từ tiếng Anh U=U (Undetectable = Untransmittable) là một phát hiện mới về lợi ích của điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) với người nhiễm HIV. Một người nhiễm HIV, được điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) và khi đạt tải lượng virus ở ngưỡng không phát hiện được trong máu thì nguy cơ lây truyền HIV sang người khác qua đường tình dục rất thấp (từ không đáng kể đến không có nguy cơ). Tải lượng virus không phát hiện được định nghĩa là khi có dưới 200 bản sao/ ml máu, có nghĩa rằng, một người nhiễm HIV được điều trị ARV khi có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện sẽ vừa bảo vệ sức khoẻ cho người sống chung với HIV và ngăn ngừa lây nhiễm HIV sang bạn tình. Bằng chứng khoa học từ các nghiên cứu chứng minh cụ thể: Trong 130.000 lần quan hệ tình dục không dùng bao cao su giữa các cặp đôi cả đồng giới và khác giới, có 0 (KHÔNG) trường hợp lây truyền HIV.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội, trong cộng đồng, K=K có vai trò rất quan trọng bởi nếu tất cả những người có HIV đều biết tình trạng của mình, uống thuốc ARV hằng ngày theo chỉ định và duy trì được tải lượng virus “không phát hiện” thì số ca nhiễm mới sẽ được giảm thiểu tối đa và từ đó kiểm soát được dịch HIV. Đây là cột mốc quan trọng nhằm giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người sống chung với HIV. Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 đạt được mục tiêu 90-90-95 (90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV và 95% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác).

Đánh giá về chiến dịch này, PGS-TS Phan Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế - nhấn mạnh: Thông điệp và chiến dịch K=K có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp tăng cường nhận thức và làm thay đổi cuộc sống của những người sống chung với HIV cũng như những người bị ảnh hưởng bởi HIV ở Việt Nam. Bà Hương cũng mong muốn mỗi người dân, nhất là người có nguy cơ cao, hãy chủ động dự phòng trước phơi nhiễm (sử dụng thuốc PrEP) và sau phơi nhiễm (sử dụng thuốc PEP), chủ động đi xét nghiệm và chủ động đi điều trị nếu không may bị nhiễm HIV để bảo vệ chính mình và cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    K=K và những cơ hội điều trị cho người nhiễm HIV

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO