Kon Tum: Chung sức xây dựng nông thôn mới

Hồng Điệp 20/07/2017 08:00

Là một trong hai huyện nghèo của tỉnh Kon Tum, huyện miền núi Kon Plông có số dân gần 25 nghìn người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 85%. Để nâng cao thu nhập cho người dân, chính quyền huyện Kon Plông đã đề ra nhiều giải pháp; trong đó chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Làm đường liên thôn, liên xã.

Tính riêng trong năm 2016, chính quyền huyện Kon Plông đã hỗ trợ các hộ dân tham gia Đề án phát triển cây cà phê xứ lạnh; rau, hoa xứ lạnh ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ người dân phát triển đàn gia súc, gia cầm...; đồng thời lồng ghép các chương trình, dự án giảm nghèo trên địa bàn huyện. Nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người năm 2016 trên địa bàn huyện đạt khoảng 19 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo còn 48,19%.

Măng Bút là xã khó khăn nhất của huyện Kon Plông. Xã có hơn 3.900 nhân khẩu, phân bố rải rác ở 12 thôn, làng, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm 98%, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 53%. Người dân ở đây chủ yếu trồng lúa nước và chăn nuôi gia súc, nhưng trước đây do chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật nên hiệu quả kinh tế đạt được từ sản xuất nông nghiệp không cao.

Chính quyền xã đã từng bước tuyên truyền vận động đồng bào thay đổi tập quán sản xuất độc canh cây lúa, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hướng tới sản xuất hàng hóa tập trung theo mô hình cánh đồng lớn gắn với bao tiêu sản phẩm cho người dân.

Hiện toàn xã phát triển hơn 20 ha cà phê xứ lạnh, cây phát triển tốt, cho năng suất cao. Năm 2017, xã sẽ trồng mới thêm 18 ha. Cùng với việc phát triển diện tích trồng cây cà phê xứ lạnh, những năm gần đây xã Măng Bút đã trồng thử nghiệm các loại cây dược liệu như sâm dây, sâm đương quy, nghệ. Qua những mùa đầu trồng thử nghiệm, các loại cây dược liệu hiện được coi là hướng xóa đói giảm nghèo cho người dân nơi đây.

Anh A Quỳnh - Trưởng thôn Long Rủa, xã Măng Bút cho biết: “Gia đình tôi mới trồng sâm dây được 2 năm, thu hoạch mùa đầu được gần 10 triệu đồng, không lo đói mùa giáp hạt nữa.Trồng sâm dây và sâm đương quy chăm sóc cũng dễ, ít sâu bệnh nên bà con phấn khởi lắm, ai cũng muốn trồng để tăng thu nhập”.

Vừa qua, xã Măng Bút đã liên kết với Công ty cổ phần dược liệu và thực phẩm Măng Đen phát triển mô hình trồng ngô lấy thân làm thức ăn gia súc theo quy mô cánh đồng lớn. Hiện nay, trên địa bàn xã đã phát triển được trên 10 ha ngô, bắt đầu cho thu hoạch.

Với sản lượng bình quân 30 tấn ngô/ha, với giá thu mua 700 đồng/kg, trung bình mỗi ha ngô cho thu hoạch trên 20 triệu đồng trong thời gian 2 đến 3 tháng. Mỗi năm trồng được 2 -3 vụ ngô, thu nhập của người dân sẽ tăng lên nhiều lần so với trước đây.

Anh A Dân, thôn Long Rủa, xã Măng Bút, huyện Kon Plông, cho biết: Hiệu quả kinh tế từ trồng ngô lấy thân cao hơn so với trồng lúa và sắn nên bà con rất phấn khởi. Thông qua các mô hình phát triển cà phê xứ lạnh, mô hình trồng cây dược liệu và trồng ngô theo cánh đồng mẫu lớn, xã Măng Bút đã tìm được lời giải cho bài toán nâng cao thu nhập của người dân trên địa bàn xã, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn.

Ông A Vinh - Phó Chủ tịch UBND xã Măng Bút, huyện Kon Plông, cho biết: “Trước đây, loại cây trồng chủ lực ở địa phương là cây lúa, hiện nay đã có thêm cây cà phê xứ lạnh và cây ngô làm thức ăn gia súc nên người dân trên địa bàn xã có thêm nguồn thu nhập.

Cuối năm xã sẽ mở rộng thêm diện tích và triển khai rộng ra các vùng lân cận. Sắp tới, huyện Kon Plông có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng giai đoạn 2016 – 2020, trong đó mục tiêu là phát triển 50 ha cây dược liệu. Riêng cây ngô lấy thân làm thức ăn gia súc, trong năm 2017 toàn huyện sẽ phát triển 50 ha.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kon Tum: Chung sức xây dựng nông thôn mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO