Kon Tum: Hy vọng thoát nghèo từ cây sâm đá

Hồng Điệp 04/08/2017 09:30

Sâm đá là một loại dược liệu quý được bà con người dân tộc thiểu số tại vùng núi xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy (Kon Tum) và huyện K Bang (Gia Lai) mới trồng thử nghiệm. Hàm lượng Saponin có trong củ sâm đá bằng 40% so với Sâm Ngọc Linh (Kon Tum). Qua một năm trồng thử nghiệm tại vùng núi xã Đăk Pne, hiện nay chính quyền huyện Kon Rẫy đang tiến hành nhân rộng mô hình trồng loại dược liệu này.

Bà con trồng thử nghiệm cây sâm đá.

Sâm đá là một loại cây thân thảo, chỉ tồn tại vào một số tháng mùa mưa Tây Nguyên. Đồng bào dân tộc thiểu số phát hiện ra loài cây này nhờ ăn thử mỗi lúc làm rẫy mệt, khi ăn vào thấy sức khỏe hồi phục nhanh nên gọi là cây “thuốc khỏe”. Cây mọc thành cụm, nhìn gần giống như cây nghệ, thường mọc núi đá cao, nên được gọi là sâm đá. Sâm đá có tác dụng bồi dưỡng sức khỏe, cường gân, bổ cốt, trị phong thấp, hạn chế suy nhược cơ thể. Sâm đá có thể sử dụng bằng cách ngậm, nhai hoặc ngâm rượu thân ngầm và củ...

Tháng 7/2016, chính quyền huyện Kon Rẫy phối hợp với Trung tâm ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh Kon Tum trồng thí điểm 300m2 cây sâm đá tại thôn 3, xã Đăk Pne. Đến tháng 7-2017, địa phương thu hoạch vụ đầu tiên với kết quả khả quan. Từ 300m2 sâm đá gieo trồng, đồng bào đã thu hoạch hơn 100 kg củ chất lượng tốt. Từ đó, có thể thấy, cây sâm đá tự nhiên thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của Đăk Pne nên thích hợp nhân rộng ra ở vùng này.

Gia đình anh A Phiên, thôn 3, xã Đăk Pne là hộ duy nhất trồng trồng thử nghiệm cây sâm đá ở thôn 3, xã Đăk Pne. Gia đình được hỗ trợ toàn bộ chi phí trồng và chăm sóc cây, từ cây giống, phân bón, lưới rào, lưới che, hệ thống ống tưới đến kỹ thuật trồng, tiền công chăm sóc hàng tháng… Ngoài diện tích chính quyền huyện giao trồng và chăm sóc, anh A Phiên chủ động trồng thêm 300m2 sâm đá của gia đình. Sau khi thu hoạch, với giá thành thương lái thu mua tận vườn là 200.000đ/kg, vườn sâm đá nhà anh cho thu hoạch hơn 20 triệu đồng.

Anh A Phiên cho biết: Một kg sâm đá khô thương lái vào tận nhà thu mua với giá 2 triệu đồng nên năm nay gia đình rất phấn khởi. Sâm đá khôn khó trồng, ít sâu bệnh. Sau vụ này, gia đình sẽ nhân rộng thêm 400 m2 sâm đá và sẽ trồng lâu hơn, trong khoảng 2-3 năm...

Do đang thử nghiệm nên chính quyền và người dân vẫn đang tìm quy trình, thời gian tốt nhất để cây sâm đá phát triển tối đa, tăng năng suất. Bắt đầu vào mùa mưa Tây Nguyên, giữa tháng 7/2017, huyện Kon Rẫy tiếp tục phối hợp với Trung tâm ứng dụng Khoa học công nghệ tỉnh Kon Tum nhân rộng ra 900m2 cho 3 hộ gia đình đủ điều kiện trồng và chăm sóc cây sâm đá tại thôn 3, xã Đăk Pne. Huyện sẽ hỗ trợ giống, vật tư, phân bón, tiền công chăm sóc cho người dân. Nguồn thu từ sâm đá của các mô hình thí điểm sẽ được dùng để tái đầu tư, nhân rộng mô hình trong đồng bào. Thời gian tới chính quyền huyện Kon Rẫy sẽ xây dựng Kon Pne thành vùng chuyên canh cây sâm đá trên quy mô rộng.

Kết quả điều tra của Viện Dược liệu-Bộ Y tế cùng với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Y tế cho biết, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 853 loài cây thuốc và nấm làm thuốc, 30/853 loài cây thuốc có nhu cầu lớn cho thị trường và khoảng 25 loài cây thuốc được trồng, sử dụng nhiều trong các cơ sở khám chữa bệnh, có giá trị chữa bệnh và kinh tế cao như: Cây sâm Ngọc Linh, Đảng sâm (Hồng Đảng sâm), Đương quy, Ngũ vị tử và một số loài khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kon Tum: Hy vọng thoát nghèo từ cây sâm đá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO