Kon Tum mong muốn trở thành trung tâm dược liệu của cả nước

27/09/2017 14:04

Sáng ngày 27/9, Đoàn giám sát thực hiện Nghị quyết Trung ương 6, khóa XI về phát triển Khoa học - Công nghệ và Luật Khoa học và Công nghệ do Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh dẫn đầu đã trực tiếp đi khảo sát, tham quan một số mô hình trồng, nhân giống cũng như dây chuyền sản xuất một số sản phẩm mang tính đặc trưng, ứng dụng công nghệ cao tại TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum.

Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh bất ngờ với vườn cây cà chua ứng dụng công nghệ cao tại huyện Kon Plông.

Đi cùng Đoàn còn có ông Lê Bá Trình - nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, ông Phạm Văn Tân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư kí các Hội liên hiệp KH&KT Việt Nam và các thành viên trong đoàn.

Đến thăm Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng của Công ty TNHH Thái Hòa (tại thôn 2, Xã Hòa Bình, TP Kon Tum, Kon Tum) với diện tích hơn 30ha là nơi nuôi trồng, chế biến, sản xuất cũng là nơi lưu giữ nhiều nguồn gen dược liệu quý như Sâm dây (Đảng hồng sâm), Sa nhân, Linh chi ….

Đoàn công tác xem sản phẩm nước giải khát sâm dây đóng lon của Cty TNHH Thái Hòa Kon Tum.

Tại đây, tất cả các loại dược liệu đều được trồng và thu hái theo quy trình dược liệu sạch, an toàn, theo dõi nghiêm ngặt.

Giới thiệu với đoàn công tác về qui mô, qui trình, dây chuyền sản xuất, chưng cất sản phẩm và các dòng sản phẩm của công ty đang phát triển hiện nay, ông Tô Thanh Tùng, Phó Giám đốc phụ trách mảng sản xuất của công ty cho biết, hiện công ty có khoảng 200 cán bộ, kỹ sư, người lao động với 2 dây chuyền sản xuất khép kín. Doanh thu đạt khoảng hơn 60 tỷ đồng/năm cho lợi nhuận khoảng 7%/năm.

Hiện công ty có 4 sản phẩm đặc trưng gồm rượu sâm, cao sâm, trà dược liệu và nước giải khát đóng lon sâm dây. Về sản phẩm rượu thì có Sâm Ngọc Linh, Sâm Linh ngũ vị tử, Sâm việt; về trà có 7 dòng sản phẩm loại hòa tan và nước lọc và đặc biệt công ty có 2 dòng sản phẩm mới là cao sâm dây đóng chai, nước giải khát sâm dây đóng lon.

Với loại sản phẩm nước giải khát sâm dây đóng lon hiện mỗi năm sản xuất khoảng 60.000 lon với 100% được làm từ sâm dây (Hồng đảng sâm). Hiện đơn vị rất chú trọng phát triển nguồn nguyên vật liệu và chất lượng sản phẩm. Công ty đã xây dựng được 4 trung tâm trồng, chăm sóc, bảo tồn, nhân giống phát triển tại huyện Kon Plông và Tu Mơ Rông để cung ứng nguyên vật liệu.

Ngoài ra, đơn vị còn tổ chức thu mua nguyên vật liệu từ các hộ dân giúp người dân nâng cao được giá thành sản phẩm.

Về thị trường tiêu thụ, công ty mới chỉ xây dựng tại 4 địa điểm tại Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Gia Lai và tại tỉnh Kon Tum.

Cũng trong buổi sáng ngày 27/9, Đoàn công tác đã đến thăm và làm việc với Trung ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum).

Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh cùng Đoàn công tác thăm Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao huyện Kon Plông.

Tại đây đoàn công tác đã trực tiếp thăm vươn ươm cây giống của trung tâm và vào phòng thí nghiệm nhân giống, cấy phôi của đơn vị.

Hiện Trung tâm ứng dụng công nghệ đang nghiên cứu, cấy phôi khoảng 20 loài lan khác nhau trên khuôn viên rộng khoảng 1000m2 với 15 cán bộ, kỹ sư, được trả lương bằng nguồn ngân sách của nhà nước.

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng hàng năm đơn vị đều cho ra đời những giống cây trồng có giá trị cao về mặt kinh tế và đang thương mại hóa các sản phẩm, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh đánh giá rất cao sự nỗ lực phấn đấu của tập thể cán bộ đang làm việc trong cơ quan. Ngoài việc cho ra đời các giống cây trồng có giá trị kinh tế cao, đơn vị phải chủ động hỗ trợ, giúp người dân phát triển vùng nguyên liệu để tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo.

Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh thăm mô hình nhân giống cây dâu tây tại Trung tâm ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ Kon Tum.

“Với tiềm năng thế mạnh về khí hậu thổ nhưỡng, tỉnh Kon Tum và đặc biệt là Trung tâm ứng dụng Khoa học và Công nghệ thời gian tới cần chủ động đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm ra thị trường, tăng thu nhập cho cán bộ trong cơ quan”, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh lưu ý.

Trước đó, chiều 26/9, Đoàn công tác đã đến huyện Kon Plông thăm Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao huyện Kon Plông - nơi hiện đang trồng chăm sóc và nhân giống các loại cây dược liệu quý hiếm, rau củ quả như cà chua, dâu tây, sâm dây, đương quy và đặc biệt là loài lan kim tuyến có giá trị cao kinh tế rất cao giá từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/kg.

Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen có 170ha tại thôn Măng Đen, xã Đắk Long, huyện Kon Plông.

Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh thăm Phòng thí nghiệm Trung tâm ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum.

Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có chức năng thực hiện các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, đào tạo nhân lực, ươm tạo và phát triển công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp; tổ chức hoạt động dịch vụ giống, vật tư, tiêu thụ sản phẩm và các hoạt động khác theo quy định; thu hút đầu tư phát triển sản xuất và kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khởi nghiệp doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng…

Rời Khu Nông nghiệp Công nghệ cao đoàn công tác đến xã thôn Kon Tu Rằng, xã Măng cành để thăm trang trại dê sữa lớn nhất Tây Nguyên của Cty Cp Dược liệu, thực phẩm Măng Đen.

Với qui mô chăn nuôi khoảng 7000 con dê lấy sữa theo chuỗi khép kín. Mỗi chuồng nuôi bình quân 1.000 con dê trong rất nhiều ô, theo giới, giống và độ tuổi khác nhau.

Tất cả giống dê được nhập về từ Úc và Pháp, vận chuyển bằng máy bay vận tải chuyên dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kon Tum mong muốn trở thành trung tâm dược liệu của cả nước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO