Kon Tum: Nỗ lực đưa học sinh vùng khó tới trường

Lê Vy 19/09/2016 11:10

Năm học 2016-1017, Kon Tum có 409 trường học, tăng 7 trường; tổng số học sinh huy động đến lớp khoảng 147.450 em, so với năm học trước tăng khoảng 1,55%.

Vui tới trường.

Trong năm học 2016-2017, Kon Tum đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung đầy đủ trang thiết bị dạy và học, đồng thời đẩy mạnh công tác huy động học sinh ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới đến trường. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của ngành GD&ĐT tỉnh Kon Tum trong nhiều năm qua chính là công tác dạy và học ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Nguyên nhân là do tỉnh có địa hình phức tạp, học sinh chủ yếu là người dân tộc thiểu số, tập quán còn lạc hậu.

Một thực tế ở vùng này là kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn lại thêm đông con và hạn chế về nhận thức nên nhiều phụ huynh không cho con đến trường. Hơn nữa để cho con đến trường mặc dù không phải nộp học phí hay mua sách giáo khoa thì việc có thể lo tiền mua thức ăn như gạo cho con cũng là vấn đề rất khó khăn với các gia đình. Nhiều gia đình có 5 đến 6 con cùng đi học nên còn gặp nhiều khó khăn.

Nhiều em học sinh ở lứa tuổi 9 đến 10 đã có thể làm được một số việc giúp đỡ gia đình nên các em thường nghỉ học để đi làm, đặc biệt vào vụ mùa hay những mùa có măng, mùa đót…

Trong những năm học trước, phòng học các lớp còn tạm bợ, tranh tre, nứa lá, mùa đông thì không đủ kín che ấm, mùa hè thì nóng ôi bức. Đó là những khó khăn chính ảnh hưởng đến việc duy trì sĩ số học sinh, ngoài ra còn nhiều khó khăn khác nữa. Bởi vậy muốn học sinh ra lớp đều nhà trường cùng tập thể giáo viên đã nỗ lực vào cuộc.

Bà Trần Thị Phụng, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ngọc Hồi - khu vực biên giới giáp ranh hai nước Lào và Campuchia, cho biết, huyện xác định cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học là yếu tố quan trọng để gỡ khó cho giáo dục vùng biên, vùng khó khăn. Do đó, huyện đã chú trọng đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, mua sắm các trang thiết bị dạy học.

Để chuẩn bị cho năm học mới, huyện Ngọc Hồi đầu tư khoảng 44,5 tỷ đồng xây dựng mới 7 phòng học cho trường mầm non; sửa chữa bếp ăn bán trú, thư viện tại các trường tiểu học; mua sắm mới khoảng 850 bộ và sửa chữa gần 1.200 bộ bàn ghế học sinh, giáo viên…

Bên cạnh đầu tư mua sắm, sửa chữa cơ sở vật chất, Phòng GD&ĐT huyện còn tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên, tăng cường đổi mới giáo dục, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới khó khăn, phấn đấu 100% trẻ, học sinh được đến trường…

Với huyện nghèo 30a Tu Mơ Rông, dù còn nhiều khó khăn và thiếu thốn, nhưng ông Lê Văn Hoàn, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tu Mơ Rông cho biết, huyện đã đầu tư trang bị một phòng học vi tính, 400 bộ bàn ghế học sinh, 45 bộ bàn ghế giáo viên; trang bị sách giáo khoa và vở viết cho hơn 4.600 học sinh hộ nghèo.

Đối với các phòng học tốc mái, đổ sập trong đợt mưa lốc vừa qua, huyện phải bố trí ở tạm các phòng khác cho giáo viên và học sinh kịp khai giảng năm học mới.

Bên cạnh đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhằm nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh, các huyện, thành phố của tỉnh Kon Tum đã huy động từ các nguồn và dành 56,3 tỷ đồng thực hiện Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”.

Từ nguồn vốn này, các trường đã đầu tư trang thiết bị cho 60 phòng học ngoại ngữ, mua sắm trang thiết bị dạy và học...

Năm học 2016-2017 đã bắt đầu, với những nỗ lực của ngành giáo dục, mong học sinh thêm yêu trường, yêu lớp, mải miết tới trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kon Tum: Nỗ lực đưa học sinh vùng khó tới trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO