'Kỳ án vay nợ', hơn chục lần trả hồ sơ

Thiện Dân 09/10/2020 07:44

TAND tỉnh Bình Phước đang tiến hành xét xử sơ thẩm bị cáo Ngô Minh Chiến, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phòng khám đa khoa Tâm Đức (TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Nội dung vụ việc: Bị cáo Chiến nợ ngân hàng 8 tỷ đồng, nên vay tiền của ông Nguyễn Văn Tuệ để đáo hạn. Hợp đồng vay được soạn thảo tại phòng công chứng. Theo hồ sơ của VKS, bị cáo Chiến đã vay ông Tuệ 8,76 tỷ đồng, đã trả 3 lần 6,5 tỷ, còn nợ 2,26 tỷ đồng. Do bị cáo Chiến đã dùng thủ đoạn gian dối cung cấp tờ giấy có nội dung không phù hợp, cho rằng đã trả hết nợ… nên bị quy tội chiếm đoạt tài sản.

Một vụ án có thể nói cũng không có gì quá phức tạp. Sai phạm, vi phạm của bị cáo, áp dụng dân sự hay hình sự thì cứ quy chiếu theo các quy định. Vì sao phải đến 11 lần Viện Kiểm sát trả hồ sơ để điều tra bổ sung? Đại diện VKS tại tòa thì lý giải do bị cáo khai không nhất quán, mỗi lần lại có tình tiết mới…Tòa án nhân dân cùng cấp cũng phải trả hồ sơ đến 5 lần. Cơ quan CSĐT ngoài bản kết luận điều tra ban đầu, đã phải tiếp tục có 11 kết luận điều tra bổ sung.

Tuy nhiên, cũng tại tòa, như luật sư bào chữa cho rằng: “Chỉ với 1 bản tường trình, cũng là lời khai nhận tội duy nhất mà cáo buộc bị cáo Chiến phạm tội là chưa khách quan”. Bị cáo khai mình bị điều tra viên đọc cho viết (ép cung); Có 5 nhân chứng làm chứng việc kiểm sát viên không có mặt khi điều tra viên làm việc với bị cáo; Ngoài ra bị cáo đã thừa nhận vay tiền, không chối bỏ nghĩa vụ trả nợ, không bỏ trốn…

Sau 11 lần VKS trả hồ sơ, CQĐT có kết luận chính thức, bổ sung, VKS đã có cáo trạng truy tố, ra tòa đề nghị mức án khá nặng, Tòa đã đưa lên bàn cân pháp luật xem xét và phán xử, nhưng rõ ràng ở đây vẫn còn đó những băn khoăn, day dứt.

Có phải vẫn do cán bộ, cơ quan điều tra không làm hết trách nhiệm, làm đến nơi đến chốn như vụ án Hồ Duy Hải? Có hay không việc cố hình sự hóa một quan hệ dân sự?

Mọi vi phạm pháp luật, tội phạm phải được trừng trị. Và việc xử phạt cũng là để giáo dục, cải tạo con người. Nếu việc điều tra chưa đến nơi đến chốn, bỏ lọt tội phạm hay việc cố tình ghép tội, xử ép gây oan sai, thiệt thòi cho công dân đều làm mất lòng tin vào công lý, vào cơ quan bảo vệ pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Kỳ án vay nợ', hơn chục lần trả hồ sơ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO