Kỳ công nghề rèn

Miên Thảo (Tổng hợp) 13/05/2016 15:10

Xuất phát từ đòi hỏi cuộc sống, nhiều dân tộc ở vùng núi cao phía Bắc đã hình thành nghề rèn với những bí quyết đặc biệt. Tới nay, cho dù nhiều công cụ lao động (cuốc, xẻng…) hay vật dụng trong nhà (dao, kéo…) sản xuất hàng loạt  xuất hiện nhiều, giá rẻ nhưng vẫn còn đó những bễ lò rèn nức tiếng và sản phẩm thủ công tinh hoa ấy vẫn được người ta tìm kiếm.

Những người thợ rèn.

1. Với đồng bào Mông, rèn là nghề truyền thống tự hào. Không ai có thể chê được một con dao rừng, một lưỡi cuốc, một khẩu súng kíp của bà con. Không chỉ là chất liệu bền tốt, mà cái chính là bí quyết để làm nên chúng. Đó là cả một sự kỳ công.

Nếu không có sự khéo tay, không có sự cần cù, thiếu đầu óc thẩm mỹ và sự tích lũy kinh nghiệm, thì người ta không thể rèn ra được những vật dụng tốt đến vậy, đẹp đến vậy. Không chỉ những vật dụng thường ngày, mà còn có cả những sản phẩm tinh xảo, đó chính là sự độc đáo nghề rèn của người Mông. Trong đó, nghề rèn đúc nông cụ được coi là nổi bật nhất. Đó là con dao, chiếc xẻng, lưỡi cày, lưỡi cuốc.

Nghề rèn của bà con người Mông được lưu giữ theo cách cha truyền con nối. Chỉ có con trai mới được cha truyền nghề, mà truyền từ rất nhỏ. Trước, bếp lò được đỏ lửa bằng than củi, cha đưa con vào rừng chọn những loại gỗ chắc (thường là cây dẻ chua), thì than mới đượm, mới lâu tàn. Nay, không chặt cây nữa, thay vào đó là than, nhiệt độ cũng rất tốt. Vậy, điều quan trọng là phải biết cách tôi để cho ra sản phẩm cứng mà không giòn, dẻo dai và sắc lẹm.

Sản phẩm rèn thủ công vẫn được bày bán tại các chợ vùng núi phía Bắc.

Người ta tôi sản phẩm bằng nước, những với một số gia đình có nghề rèn lâu đời, người ta lại tôi bằng thân cây chuối rừng (cắm ngập vào thân cây theo chiều dọc). Trong những bản người Mông, có thể có vài ba bếp rèn, và ít nhất một nửa trong số đó là nghề truyền thống. Không đợi được phong danh hiệu nghệ nhân, nhưng chính họ đã là những nghệ nhân giữ nghề, giữ nghệ thuật rèn truyền thống của dân tộc mình.

Đáng chú ý là lò rèn của người Mông làm khá đơn giản, người ta dùng đất đắp lò, cùng đó là chiếc bễ và một cục sắt to để làm đe. Quan trọng là làm cái bễ phải thật khéo, trong đó bộ phận pittông phải chứa được nhiều gió, kín để quạt lò cháy đượm mới đủ độ nóng trong quá trình tôi thép.

Con dao, cái cuốc… là vật dụng không thể thiếu với bà con trong cuộc sống hàng ngày. Vì thế, với bà con chọn được con dao sắc, cái cuốc tốt là rất quan trọng. Người ta coi những vật dụng lao động ấy như người bạn. Còn đối với những chủ bếp rèn, họ coi sản phẩm làm ra như một vật có linh hồn, vì thế họ rất trân trọng công việc của mình.

2. Tại Cao Bằng, bà con người Nùng An (xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên, Cao Bằng) từ lâu đã nổi tiếng về nghề rèn. Tiếng lành đồn xa, không chỉ người trong nước mà du khách nước ngoài cũng biết đến. Vì thế, không chỉ là một làng nghề, Phúc Sen đã trở thành một điểm du lịch khi khách ghé thăm Cao Bằng.

Không rõ thực hư, nhưng người ta cho rằng làng nghề này đã có cách đây 100 năm. Người ta cho rằng, nó được một số người từ Thái Nguyên, Bắc Cạn di cư sang rồi mang theo cái nghề này. Tới nay, xã có 6 xóm làm nghề là Tình Đông, Lũng Vài, Pác Rằng, Phja Chang hạ, Phja Chang thượng và Đâu Cọ. Bà con rèn ra những sản phẩm phục vụ nghề nông và cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Điều rất thú vị là trong kháng chiến chống Pháp, bà con ở đây còn tham gia rèn đúc vỏ lựu đạn cho bộ đội.

Người làm nghề rèn Phúc Sen có biệt tài là chỉ cần nhìn vào nước thép là biết độ dẻo, độ cứng của nó. Nói như bà con trong xã thì không có bí quyết nào cả, mà chỉ là do sự “nhạy cảm” mà thôi. Nhưng những bậc trong nghề rèn lâu năm thì cho rằng, cũng không chỉ nhạy cảm, mà phải là kinh nghiệm. Kinh nghiệm có được sau những thành công và cả thất bại, để từ đó hình thành nên cái gọi là “phản xạ nghề nghiệp”.

Chính vì thế, sản phẩm rèn Phúc Sen có thương hiệu rõ ràng, ví dụ 1 con dao được rèn ở đây thì có độ sắc, độ bền không loại dao ngoại nào sánh bằng. Do đó, sau này dao ngoại tràn vào, phần lớn là dao Trung Quốc, Thái Lan giá rẻ, mẫu mã đẹp, nhưng vẫn không thể nào đánh bạt được dao Phúc Sen.

Ở Phúc Sen, cho tới nay nghề rèn vẫn phát triển cho dù cũng phải chật vật để giành giữ thị trường. Nhưng, nói như các chủ lò rèn trong xã thì cho dù có thế nào thì nghề rèn thủ công này vẫn không mất, bởi lẽ sản phẩm nó làm ra rất tốt. Giữ nghề không phải là chuyện khó đối với người Nùng An ở Phúc Sen, mà quan trọng là làm sao để sản phẩm ngày một tốt hơn.

Nguyên liệu thép và kỹ thuật tôi được bảo đảm, cùng với kinh nghiệm làm nghề thì không lý gì sản phẩm Phúc Sen không tốt. Trên sản phẩm nông cụ ở Phúc Sen thường khắc 2 chữ cái NL, coi như “đánh dấu”. Về việc này, có những cách giải thích khác nhau, nhưng có một cách giải thích được nhiều người chấp nhận: đó là người ta khắc tên tắt của một nghệ nhân thời trước, tên là Nông Lương, để ghi nhớ việc ông truyền nghề, phát triển nghề cho bà con ở đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỳ công nghề rèn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO