Kỳ họp bất thường lần thứ 2 xem xét nhiều nội dung quan trọng

Việt Thắng 21/12/2022 10:30

Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; và dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sẽ được xem xét, quyết định, thông qua.

Ngày 21/12, Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về nội dung, chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 2. Theo Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, tại phiên họp thứ 17 và 18, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến, xem xét một số nội dung Chính phủ đề nghị trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp bất thường lần thứ 2.

Sau khi xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất báo cáo Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 2 để xem xét, quyết định các nội dung như: xem xét, quyết định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; xem xét, thông qua dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); xem xét việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; xem xét, quyết định việc tiếp tục thực hiện một số chính sách liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng sẽ xem xét, quyết định một số vấn đề về tài chính, ngân sách gồm: việc điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan; việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài nguồn chi thường xuyên năm 2021; điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương. Và công tác nhân sự (nếu có).

Đối với nội dung về giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí/dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT do Bộ Giao thông vận tải quản lý, theo ông Cường, do Chính phủ chưa gửi hồ sơ tài liệu chính thức nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa xem xét, cho ý kiến; do đó chưa có cơ sở để trình Quốc hội xem xét nội dung này tại kỳ họp bất thường lần thứ 2.

Do việc tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 2 diễn ra vào thời điểm cận Tết Nguyên Đán, nên kỳ họp cần phải được tiến hành khẩn trương, tập trung cao độ để kết thúc sớm, tạo điều kiện cho các cơ quan, địa phương hoàn thành các nhiệm vụ còn lại của năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 cũng như triển khai các hoạt động phục vụ Nhân dân đón Tết Nguyên Đán Quý Mão. Theo đó, dự kiến kỳ họp khai mạc vào ngày 5/1/2023 và bế mạc vào chiều ngày 9/1/2023.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng bày tỏ tán thành với các nội dung về dự kiến các nội dung của kỳ họp, cũng như nên họp tập trung để đảm bảo hiệu quả. Bởi tình hình dịch hiện tại đã cơ bản ổn định. Đồng thời, bày tổ thống nhất với việc không tổ chức tiếp xúc cử tri sau kỳ họp.

Theo ông Tùng, những nội dung của chương trình kỳ họp vẫn cần phải công khai và đưa tin, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để cử tri được biết. “Đề nghị có hình thức phù hợp để nắm ý kiến, kiến nghị cử tri liên quan đến các vấn đề nội dung kỳ họp một cách phù hợp khi không tổ chức tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp”-ông Tùng nói và đề nghị dự án Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, đây là kỳ họp nhiều nội dung quan trọng và cần đảm bảo chất lượng, bố trí thời gian thoả luận thoả đáng. Cho nên cần tăng thời gian thảo luận tại tổ và hội trường.

Ông Phương đề nghị, nắm tình hình nhân dân đề nghị các đoàn ĐBQH cùng với MTTQ Việt Nam nắm tình hình nhân dân để gửi tới Quốc hội chứ không tiếp xúc cử tri. Vì sau kỳ họp thứ 4 khi tiếp xúc cử tri, mặc dù mới chỉ dự kiến sẽ tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 2 nhưng nhân dân rất quan tâm đến kỳ họp bất thường lần thứ 2 này, và theo dõi kỹ. Vì vậy cần nắm tính hình nhân dân vì Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; và dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là 2 vấn đề này hiện nay còn nhiều ý kiến, trong đó cử tri và nhân dân rất quan tâm.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị chuẩn bị kỹ lưỡng cho kỳ họp bất thường lần thứ 2, không vì tiến độ mà coi nhẹ chất lượng. Các nội dung phải tạo được sự đồng thuận cao. Như Tổng Bí thư chỉ đạo "cái gì đã rõ, đã chín thì làm". Cho nên cái gì cấp bách mới đưa vào bất thường. Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nội dung quan trọng cấp bách nhất. Bên cạnh đó là xem xét, thông qua dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đây là vấn đề đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 vừa qua nhưng lùi lại chưa thông qua để chỉnh sửa hoàn thiện cho phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỳ họp bất thường lần thứ 2 xem xét nhiều nội dung quan trọng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO