Kỷ luật… cho có

Nam Việt 20/04/2021 09:00

Ngày 16/4 mới đây, tại cuộc họp kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo Bệnh viện Tâm thần trung ương 1 sau vụ bệnh nhân có tiền sử bệnh tâm thần “bay lắc”, mua bán, sử dụng ma túy ngay trong bệnh viện; ông Vương Văn Tịnh, Giám đốc bệnh viện này đề xuất nhận mức kỷ luật là “khiển trách”, với lý do đã phân cấp quản lý nhưng Khoa Điều trị đã để xảy ra vụ bệnh nhân tổ chức “bay lắc”.

Nguyễn Xuân Quý cùng tang vật vụ án tại Bệnh viện Tâm thần trung ương 1. Ảnh: NLD.

Rồi đây Bộ Y tế sẽ họp bàn để quyết định đưa ra hình thức kỷ luật với ông Tịnh. Tuy nhiên, việc ông giám đốc bệnh viện để xảy ra việc tàng trữ, mua bán, sử dụng ma túy ngay trong bệnh viện do mình quản lý mà chỉ “khiển trách” thì cũng là chuyện lạ.

Ma túy không phải chuyện đùa. Mức độ tàn phá của nó là vô cùng ghê gớm. Ma túy đi đến đâu thì cũng đều gieo rắc “cái chết trắng”, biết bao gia đình tan nát, biết bao cuộc đời bỏ đi cũng chỉ vì dính vào ma túy. Không ít người phải vào trại cai nghiện năm lần bảy lượt nhưng không thành. Cũng có không ít kẻ đã bị tử hình vì buôn bán ma túy trái phép.

Vì mức độ tàn phá khủng khiếp của nó nên không một quốc gia nào trên thế giới dung túng, nương nhẹ cho tội phạm ma túy.

Trở lại với vụ việc nghiêm trọng, “độc nhất vô nhị” tại Bệnh viện Tâm thần trung ương 1. Ngày 1/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày với Giám đốc Vương Văn Tịnh để làm rõ vụ việc. Sau cuộc họp hôm 16/4, được biết lãnh đạo Bộ Y tế sẽ tiếp tục có thêm một quyết định tạm đình chỉ công tác trong 15 ngày với ông này. Dự kiến tuần này Hội đồng Kỷ luật của Bộ Y tế sẽ họp để có quyết định xử lý vụ việc.

Hiện đã có 1 bác sĩ trưởng khoa và 1 điều dưỡng trưởng của Khoa Y học cổ truyền và phục hồi chức năng - nơi điều trị cho bệnh nhân và là người cầm đầu đường dây Nguyễn Xuân Quý - cũng đang bị tạm đình chỉ công tác. Thời gian bị đình chỉ tương tự ông Vương Văn Tịnh.

Cũng cần nhắc lại, sau khi vụ việc ở Bệnh viện Tâm thần trung ương 1 vỡ lở, công an phá tụ điểm “bay lắc” ngay trong bệnh viện, khi trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng việc bệnh nhân có tiền sử bệnh tâm thần cầm đầu đường dây ma túy ngay trong bệnh viện là trường hợp “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam. Việc này cho thấy bản chất sự việc vô cùng nghiêm trọng, manh động và bất chấp pháp luật. Quan điểm của Bộ Y tế là xử lý nghiêm, không bao che và không có vùng cấm - theo ông Quang.

Không “độc nhất vô nhị” sao được khi mà bệnh viện công lại là “tụ điểm ma túy”. Càng “vô đối” hơn nữa khi nó xảy ra ở bệnh viện điều trị bệnh nhân tâm thần, nơi buộc phải áp dụng những biện pháp kiểm soát đặc biệt. Vì tính chất đặc thù nên việc ra vào bệnh viện này rất khó. Vậy mà ma túy vẫn được chuyển vào đây với số lượng lớn. Kinh ngạc hơn nữa là phòng điều trị bệnh nhân lại được cải tạo, trang bị đầy đủ thiết bị phục vụ cho việc sử dụng ma túy, kể cả có “tiếp viên” - mà bệnh viện… không biết.

Cho đến khi công an ập vào kiểm tra, mới thấy sự việc vô cùng nghiêm trọng. Trong phòng điều trị của Nguyễn Xuân Quý (được cho là bệnh nhân tâm thần điều trị tại đây từ năm 2018), Công an Hà Nội đã thu giữ gần 2,8 kg ma túy thế hệ mới MDMA; hơn 1,6 kg Ketamin; 569 gr Methamphetamin. Cùng đó là 3 bình thủy tinh có gắn ống hút, 2 máy hàn nhiệt dùng để dán miệng túi nylon, 100 vỏ túi nilon các loại nhãn hiệu cà phê, chè...

Sự việc khủng khiếp như vậy mà lãnh đạo Bệnh viện Tâm thần trung ương 1 nói rằng không biết có “động lắc” trong phòng điều trị của bệnh viện do mình quản lý thì thật khó tin.

Vụ việc chấn động dư luận, gây ra nỗi bàng hoàng cho xã hội thì trách nhiệm của lãnh đạo Bệnh viện Tâm thần trung ương 1 phải rất lớn. Trong nhà có ma túy, là nơi sử dụng, mua bán ma túy thì chủ nhà không thể vô can. Không thể chỉ có trưởng khoa, điều dưỡng viên nơi đối tượng tổ chức “bay lắc” chịu trách nhiệm mà lãnh đạo bệnh viện lại chỉ liên đới sơ sài.

Không quy kết hoặc suy đoán lãnh đạo bệnh viện này đã tiếp tay cho “ổ ma túy” trong bệnh viện do mình quản lý, nhưng trách nhiệm người đứng đầu thì không thể thoái thác. Tùy theo tính chất, mức độ sai phạm của vụ việc mà “phiên” sang trách người đứng đầu. Ở đây, cả tính chất lẫn mức độ sai phạm là rất lớn vì liên quan đến tội phạm ma túy. Đây là một vụ án hình sự, công an lập án lâu ngày mới phá được thì trách nhiệm của lãnh đạo bệnh viện không hề nhỏ.

Tại Nghị định số 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/9/2020, tại phần các hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức trong đó đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có 5 hình thức xử lý kỷ luật, gồm: Khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc.

Ở đây, người đứng đầu bệnh viện đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý gây hậu quả nghiêm trọng mà chỉ đề xuất mức kỷ luật “khiển trách” - mức thấp nhất đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo thì cơ quan cấp trên (mà ở đây là Bộ Y tế) cần thiết phải xem xét lại một cách nghiêm túc. Không thể kỷ luật… cho có, vì đây là vụ việc “độc nhất vô nhị” - như cách nói của ông Vụ trưởng Vụ Pháp chế của chính bộ này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỷ luật… cho có

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO