Kỷ luật không phải là trừng phạt

Đặng Tự Ân 11/12/2020 07:30

Xử lý kỷ luật học sinh không có nghĩa là trừng phạt học sinh mà phải coi là cơ hội giáo dục bản thân học sinh vi phạm cũng như cho cả tất cả các học sinh khác. Đừng coi các em là “tội đồ” mà là một hứa hẹn nhân cách sống đẹp đẽ, một mầm non đang ươm trồng và đang cần được người lớn và nhà trường nuôi dưỡng, hết tình bao dung và dạy dỗ. Người thầy hãy đậm lòng trắc ẩn với trẻ để dạy trẻ.

Kỷ luật học sinh trong nhà trường không có nghĩa là trừng phạt học sinh. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Trong mọi trường hợp xử lý kỷ luật học sinh, thì kỷ luật tích cực trong trường học là một cứu cánh, là một lựa chọ tối ưu cho các người thầy. Học sinh nói những câu nói “thiếu văn hóa”, giáo viên yêu cầu em đó nói lại theo ứng xử của người văn minh; nếu là cái sai lớn, có thể “trừng phạt” bằng cách đọc một cuốn sách và sau đó viết thu hoạch theo yêu cầu của giáo viên hoặc là phải học thuộc lòng một nhóm các công thức toán học.

Tuy nhiên cách xử lý trên cần mang tính riêng tư giữa giáo viên và học sinh vi phạm và cần cấm không được “bêu tên” học sinh trước đám đông. Nói chung không thể công khai trước lớp, trước trường như tuyên dương những cá nhân là người tốt hay có việc tốt.

Tất cả những cách làm trên là nhằm thay đổi nhận thức và thay đổi hành vi của các em. Phải chăng nhà trường đã hành động là vì tất cả cho sự tiến bộ và trưởng thành của mỗi học sinh.

Ở một số trường do hiểu sâu sắc kỷ luật tích cực học sinh nên đã có những quy định thành văn và rất nhân văn như: Không nói áp dụng hình thức trừng phạt học sinh mà thay bằng áp dụng “hậu quả hợp lý” hay những điều học sinh vi phạm được thay bằng “những điều không mong đợi” .

Trở lại câu chuyện một nữ sinh tự tử không thành xảy ra ở một trường THPT ở An Giang gần đây. Trước hết hiệu trưởng phải là người trực tiếp và chịu trách nhiệm lớn cho hậu quả của việc làm thiếu tính giáo dục và không đúng quy định của Điều lệ nhà trường.

Đây là bài học sâu sắc cho các nhà trường khi tiến hành xử lý kỷ luật học sinh, là thất bại của giáo dục trong nhà trường. Sau khi biết việc học sinh dùng điện thoại ghi âm, ghi hình giáo viên trong giờ học, nhà trường và giáo viên cần hết sức bình tĩnh để tìm hiểu sự việc.

Sự việc mới xảy ra thường có xu hướng nhìn sự việc tiêu cực và đổ lỗi cho học sinh nhiều hơn và sẽ chiếm số đông. Tuy nhiên cần thêm thời gian sẽ có nhiều hơn những suy nghĩ tích cực, đồng nghĩa sẽ có nhiều phương án xử lý kỷ luật học sinh hợp lý hơn, thuyết phục hơn.

Trước hết Hội đồng nhà trường hãy bình tĩnh ngồi lại để phân tích, tổng hợp tìm căn nguyên sự việc trước khi có hình phạt phù hợp. Học sinh ghi âm một giáo viên hay nhiều giáo viên? Và tại sao lại làm vậy? Vì chống tiêu cực hay thói quen thiếu suy nghĩ chín chắn của tuổi mới lớn?...

Nói chung phải tìm hiểu kết quả qua nhiều yếu tố, bao gồm những điều liên quan tới hoàn cảnh cá nhân học sinh, môi trường học tập, cách nhìn chủ quan và khách quan, hiện trạng giáo viên và cách thức giáo dục học sinh trong trường, thâm chí là xem lại sách dạy cách giáo dục… quan trọng là kết hợp với cha mẹ học sinh và nghiên cứu hay phỏng vấn trực tiếp học sinh có hành vi bất thường ấy.

Dùng điện thoại trong lớp khi chưa được phép của giáo viên là sai, nhưg là sai do học sinh cố tình hay nhà trường chưa phổ biến rộng rãi Điều lệ nhà trường? Phê bình học sinh trước toàn trường cũng là sai, nhưng là sai do thói quen hay cố tình lờ đi quy định của Điều lệ nhà trường.

Thực tế hiện nay, hầu hết các nhà trường còn để xảy ra những sự việc đáng tiếc, không mong muốn khi phải xử lý kỷ luật học sinh là do chưa đặt lợi ích của trẻ lên trên hết, chưa nắm vững các quyền và bảo vệ quyền cho trẻ; chưa biết phân biệt “kỷ luật và trừng phạt” hay hiểu thế nào là “tôn trọng và sợ hãi”.

Chúng ta không thể vin vào để rồi phủi tay hay che đậy cho những cách xử lý học sinh vi phạm thiếu tính giáo dục, như do thói quen, sự quen thuộc hay truyền thống của địa phương, vùng miền. Đa phần đổ lỗi do sự thiếu hiểu biết của giáo viên và nhà trường hoặc là do sự căng thẳng của giáo viên, học sinh đông, đổi mới dạy học mới và khó khăn, nguồn lực nhà trường kém, lương giáo viên ít ỏi…

Những lý do này có thể khiến giáo viên hết kiên nhẫn, dẫn dến tức giận và phản ứng không thích hợp với hành vi của trẻ và khó mà quản lý lớp học tốt được. Tuy nhiên đây không thể biện minh cho việc giáo viên trút những căng thẳng của mình lên học sinh.

Dạy học là một nghề, nghề của tình thương. Khi một trái tim người thầy được sưởi nồng ấm bằng năng lực chuyên môn và nghệ thuật sư phạm tươi mới sẽ cho ta một phương pháp giáo dục hợp lý và đạt được mục đích giáo dục, đó là dạy học sinh thành những người tử tế.

Rất đáng tiếc, đó đây vẫn thỉnh thoảng xảy ra việc bạo hành học sinh về thể xác và tinh thần, gây bức xúc trong xã hội và làm xấu đi hình ảnh người thày và chắc chắn sản phẩm nhà trường làm ra cũng thành méo mó, sai chuẩn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỷ luật không phải là trừng phạt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO