Kỷ luật nghiêm minh

Nam việt 12/07/2016 13:05

Cuối cùng, vụ việc liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh gây bức xúc dư luận suốt thời gian qua cũng đã đến hồi kết. Đó là cái kết nghiêm minh đích đáng của tổ chức dành cho cán bộ vi phạm kỉ luật, không làm tròn trách nhiệm, tha hóa. Việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương ra thông báo những sai phạm của ông Thanh và đề nghị kỉ luật cho thấy sự nghiêm minh của tổ chức Đảng, đặc biệt trong công tác cán bộ, tạo được niềm tin trong xã hội về việc không bao che, dung túng cho sai phạm, dù là bất cứ ai.

Kỷ luật nghiêm minh

Ông Trịnh Xuân Thành và chiếc Lexus được gắn "tạm" biển xanh.

Thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ, ông Thanh vi phạm nhiều khuyết điểm, có những khuyết điểm rất trầm trọng, kéo dài; không khắc phục, không hối lỗi ngược lại do động tác thuyên chuyển công tác lại tiếp tục phạm lỗi mới.

Ở vi phạm lớn nhất, trong thời gian từ năm 2007-2013, trên các cương vị là Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC); khi những sai phạm, sự thiếu trách nhiệm của ông Thanh được chỉ ra cho thấy một điều: dù là sai phạm xảy ra đã lâu nhưng vẫn không thể rũ bỏ trách nhiệm, các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước không dung thứ cho những sai phạm ấy.

Đặc biệt đáng lên án khi vào thời điểm ông này giữ vị trí quan trọng tại Công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam, mặc dù đã có kiến nghị, cảnh báo của các cơ quan chức năng về tình trạng thua lỗ nhưng vẫn làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế. Con số thua lỗ đến 3.298,27 tỷ đồng là con số khổng lồ, tiền dân tiền nước bị hủy hoại một cách không thương tiếc.

Sau này, khi chuyển sang Bộ Công thương, rồi vào Hậu Giang, dư luận lúc ấy cũng đã đặt vấn đề: Phải chăng có sự chạy tội? Ai giúp cho ông Thanh thuyên chuyển, đặc biệt lại lên vị trí cao hơn?

Lâu nay, người ta vẫn nói đến quy trình trong bổ nhiệm cán bộ. Quy trình thì rất đầy đủ, bài bản, chặt chẽ, nhưng quan trọng là người thực hiện (hay nói đúng hơn là người có quyền vận dụng quy trình đó) như thế nào.

Trường hợp này là điển hình của một “bộ phận không nhỏ” tha hoa biến chất, có thể là minh chứng cho những yêu cầu bức bách trong dư luận xã hội về nạn chạy luân chuyển vốn đã được nhắc nhiều trong các báo cáo của Trung ương. Cũng chính vì thế, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã nêu rõ, trong việc tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm, quy hoạch, giới thiệu bầu cử ở Bộ Công thương và tỉnh Hậu Giang đối với ông Thanh, các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị là cá nhân liên quan có khuyết điểm, đã vi phạm nguyên tắc, quy trình, thủ tục và tiêu chuẩn cán bộ.

Từ sự khuyết điểm, tha hóa của một cán bộ cho thấy lỗ hổng trong quản lý cán bộ. Nếu ngay từ đầu sai phạm được phát hiện, các tổ chức đoàn thể tại chính đơn vị đó dám mạnh dạn lên tiếng, thì sự việc có thể đã không diễn biến quá xấu. Ở đây cho thấy, sự đấu tranh trong đơn vị là yếu kém với khuyết điểm của người lãnh đạo. Tiếp đó, bằng các thủ thuật, khi chuyển công tác, rất dễ phủi tay với những gì mình phải chịu trách nhiệm, vì đã được bọc lót.

Vụ việc này cũng cho thấy vai trò, trách nhiệm rất lớn của người đứng đầu đơn vị, mà cụ thể ở đây là ông Trịnh Xuân Thanh trên các cương vị Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam. Từ lâu, các quy định của Đảng, Nhà nước đã nói đến trách nhiệm người đứng đầu, nhưng trong thực tế điều đó chưa được thực hiện nghiêm túc.

Trong nhiều trường hợp, người đứng đầu không gương mẫu, dùng quyền để trấn áp cấp dưới, bóp nghẹt dân chủ cơ sở. Tiếng nói thẳng thắn, trung thực, xây dựng không được lắng nghe; thay vào đó là gây dựng phe nhóm để dễ bề hành xử theo ý riêng, gây tổn thương, tổn hại đến tập thể và cuối cùng là vi phạm pháp luật. Đáng tiếc là quá trình đó lại kéo dài, không được kịp thời ngăn chặn, khiến sự việc đã xấu lại càng xấu thêm.

Trong vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh, cũng cần nói đến việc với cương vị là Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, ông này đã dùng biển số xe công gắn vào xe ôtô tư nhân để sử dụng. Việc tưởng nhỏ, nhưng là trái quy định, đồng thời cho thấy sự thiếu gương mẫu. Làm lãnh đạo, đã không nêu gương tốt mà lại tạo ra gương xấu, khiến dư luận bức xúc. Với người lãnh đạo, trong mối việc dù lớn dù nhỏ cũng không thể tự tung tự tác. Bác Hồ đã dạy cán bộ là phải “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”- nhưng xem ra những vị này đã không làm theo lời Bác.

Từ vụ việc xử lý nghiêm đối với những vi phạm của ông Trịnh Xuân Thanh- một cán bộ lãnh đạo ở vị trí Phó Chủ tịch tỉnh, một lần nữa cho thấy kỉ luật Đảng, pháp luật Nhà nước không dung túng cho sai phạm. Không chỉ cá nhân ông Thanh chịu “án” mà cả Ban cán sự đảng Bộ Công thương và Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2010-2015 cũng bị đề nghị xem xét; Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ và Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm nghiêm khắc đối với các tập thể, cá nhân có khuyết điểm, vi phạm. Và tới đây, với sự nghiêm minh của tổ chức, xã hội có quyền hy vọng sẽ còn những vụ iệc, những cán bộ tha hóa, biến chất, hại dân hại nước sẽ bị nghiêm trị.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỷ luật nghiêm minh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO