Kỷ niệm 68 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2022): Hà Nội - linh thiêng và hào hoa

H.Vũ 08/10/2022 08:30

Ngày 10/10/1954 đã trở thành thời khắc lịch sử tràn đầy cảm xúc cho lớp lớp người Hà Nội khi Thủ đô được hoàn toàn giải phóng. 68 năm trôi qua những kỷ niệm thiêng liêng về Ngày Giải phóng Thủ đô vẫn còn mãi trong dòng chảy ký ức lịch sử. Thế nhưng cũng đang đặt ra sự phát triển mới cho Thủ đô với tầm nhìn mới.

Cầu Nhật Tân (Hà Nội). Ảnh: TL.

1. Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học và đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, sau khi sáp nhập, Hà Nội trở thành Thủ đô lớn thứ 17 trên thế giới với tổng diện tích hơn 3.300km2 (gấp 3,6 lần trước đó). Trong vài năm trở lại đây, Hà Nội luôn được một số tạp chí Du lịch uy tín hàng đầu thế giới như Travel and Leisure (Mỹ), Smart Travel Asia (HKG)... bình chọn và đạt danh hiệu Top 10 điểm đến Du lịch hấp dẫn nhất châu Á. Hà Nội liên tục được các tổ chức du lịch, các trang thông tin du lịch uy tín trên thế giới bình chọn là điểm đến ấn tượng.

Hà Nội - Thủ đô của Việt Nam đang là điểm đến an toàn hấp dẫn với danh hiệu Thành phố vì hòa bình. Những điều đó đang đặt ra những kỳ vọng lớn hơn và trách nhiệm cao hơn đối với Hà Nội.

Đến nay Hà Nội đã có bước phát triển mạnh mẽ, thay đổi diện mạo một cách đáng kể, phúc lợi xã hội cho người dân được nâng cao, giảm tỷ lệ đói nghèo, giáo dục được cải thiện… Hà Nội còn được biết đến với vai trò là đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, hiện đóng góp tới 16% GDP và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước.

2. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần trải lòng rằng, dư địa phát triển của Hà Nội còn nhiều. “Nói đến Hà Nội là nói đến Thủ đô văn hiến và anh hùng, linh thiêng và hào hoa, niềm tin và hy vọng, thành phố vì hòa bình, thanh lịch, văn minh, hiện đại. Bởi vậy, Hà Nội cần đặc biệt quan tâm giữ gìn và phát huy những đặc sắc văn hóa, những nét riêng có của mình, đẩy mạnh phát triển du lịch, làm tốt công tác quản lý đô thị, giữ vững ổn định an ninh trật tự xã hội, xứng đáng là trung tâm chính trị, văn hóa của cả nước” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư cũng nhiều lần căn dặn: Hà Nội phải gương mẫu đi đầu, làm thật tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, cải cách hành chính, thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống, khắc phục cho được những hiện tượng tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà, sách nhiễu người dân và doanh nghiệp. Muốn vậy, trước hết từng cán bộ, đảng viên phải phát huy vai trò tiên phong gương mẫu, hoàn thành tốt nhiệm vụ, chức trách được giao để Hà Nội luôn xứng đáng là Thủ đô nghìn năm văn hiến.

Vị thế và trách nhiệm là rất lớn, song cũng thẳng thắn nhìn nhận hiện Hà Nội vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Đơn cử, Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020 đã chỉ rõ: “Hà Nội chưa thể hiện rõ vai trò là trung tâm, động lực tăng trưởng và phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; năng lực cạnh tranh còn thấp, nhất là so với khu vực và thế giới”.

Tỷ lệ đô thị hóa của Hà Nội tăng khá nhanh, đạt gần 50% và khả năng đến 2025 sẽ đạt khoảng 60%, kèm với đó là mục tiêu đến 2025 sẽ chuyển 5 huyện lên quận. Thực tế đó đang đặt ra hướng đi cùng với những giải pháp mới để thúc đẩy sự phát triển của Thủ đô Hà Nội nhanh hơn nữa, toàn diện hơn nữa.

3. Nghị quyết số 15 - NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã xác định đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến-Văn minh-Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025 cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; GRDP giai đoạn 2026-2030 tăng 8,0-8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 12.000-13.000 USD. Đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Muốn vậy, Hà Nội cần tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế phát triển Thủ đô toàn diện, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế; kết hợp hài hòa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; kết hợp hài hoà, nhuần nhuyễn giữa giữ gìn bản sắc văn hóa với phát triển kinh tế và giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, trong đó văn hóa, con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực để phát triển Thủ đô.

Cùng với đó, đẩy mạnh xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị của Thủ đô Hà Nội thực sự gương mẫu, đoàn kết, trong sạch, vững mạnh toàn diện, tiêu biểu; xây dựng đội ngũ cán bộ Hà Nội có trình độ cao, có phẩm chất đạo đức trong sáng, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ là nhân tố có ý nghĩa quyết định; xây dựng người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh.

Là công dân ưu tú của Thủ đô, NGƯT.TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho rằng: Hà Nội cần phát huy được tiềm năng, vai trò của trí thức khi có nhiều trường phổ thông, đại học, học viện nhất cả nước. Qua đó đưa giáo dục của Thủ đô tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Vì thế đổi mới giáo dục của Thủ đô phải nhanh và đi trước một bước. Phát huy nguồn lực trí thức, gắn các trường đại học với doanh nghiệp vào nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội Thủ đô bằng sản phẩm khoa học công nghệ chứ không phải bằng vốn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỷ niệm 68 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2022): Hà Nội - linh thiêng và hào hoa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO