Kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2019): Lan tỏa đạo nghĩa tri ân

Hạnh Nguyên 27/07/2019 08:00

Đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” hằn sâu trong tâm khảm mỗi người con đất Việt, trở thành truyền thống tốt đẹp ngàn đời nay, tạo sức lan tỏa sâu rộng qua mọi thế hệ. Qua đó, tạo dựng, củng cố niềm tin, khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, lòng biết ơn của thế hệ trẻ đối với lớp lớp thế hệ đi trước.

Hà Tĩnh là mảnh đất gánh chịu không biết bao nhiêu bom đạn trong chiến tranh nhưng những tấm lòng tri ân luôn hướng về các bậc cha anh đã góp phần xoa dịu nỗi đau thời kỳ khốc liệt ấy. Những vết thương chiến tranh đã lùi dần vào quá khứ để vùng đất lửa tiếp tục hồi sinh, phát triển.

Kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2019): Lan tỏa đạo nghĩa tri ân

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trao quà, tiền hỗ trợ gia TNXP Đào Thị Tuyết (Can Lộc, Hà Tĩnh) làm nhà Đại đoàn kết.

Chăm lo đến từng hộ chính sách

Đã vào nhà mới ở gần 1 tháng nay nhưng bà Trương Thị Trường (72 tuổi, trú thôn Vĩnh Thịnh, xã Thạch Lạc, Thạch Hà, Hà Tĩnh) vẫn chưa hết xúc động. Quá nửa đời người vất vả mưu sinh, nay được sống trong ngôi nhà khang trang, ấm cúng bà Trường không khỏi xúc động. Là dân công hỏa tuyến, phục vụ tại chiến trường Do Linh (Quảng Trị) vào năm 1968. Khi trở về bà Trường mang trên người những vết thương đau đớn khắp người. Bà được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Là gia đình người có công, lại là hộ nghèo của xã nên đầu năm 2019, gia đình bà Trường được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ xây mới ngôi nhà. Được hỗ trợ 40 triệu đồng cùng với số tiền gia đình tích góp bao lâu cùng với sự chung tay của cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, anh em họ hàng, gia đình bà cất được căn nhà khang trang với diện tích 50 m2. “Nếu không có sự giúp đỡ của các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể thì có lẽ không biết đến bao giờ gia đình tôi mới được ở trong ngôi nhà đẹp đẽ như thế này”- bà Trường xúc động nói.

Hơn nửa đời người vất vả nhưng sắp tới bà Võ Thị Thường (thôn Vĩnh Thịnh, xã Thạch Lạc, Thạch Hà, Hà Tĩnh) sẽ được ở trong ngôi nhà mới rộng rãi, thoáng mát. “Hai chân của tôi đi lại khó khăn, con cái ở xa nên phải khoán hết cho thợ. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các tổ chức đoàn thể quan tâm, tặng quà, động viên, thăm hỏi, động viên thường xuyên nên tôi đỡ tủi thân hơn nhiều”- bà Thường chia sẻ.

Là xã bãi ngang, thuộc diện đặc biệt khó khăn nhưng xã Thạch Lạc luôn quan tâm chăm lo người có công, làm tốt phong trào đền ơn đáp nghĩa. “Xã được giao thu thường xuyên mỗi năm 250 triệu đồng nhưng năm nào cũng trích ngân sách khoảng 50 triệu đồng để chi cho các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm lo người có công. Tất cả các gia đình chính sách của xã đều có mức sống trên trung bình, không có hộ nghèo, cận nghèo. Điều này thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với gia đình chính sách”- Chủ tịch UBND xã Thạch Lạc Dương Kim Mậu cho hay.

Toàn xã Thạch Lạc có tới 228 đối tượng là thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng. Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể các cấp, các đối tượng người có công trong toàn xã luôn được quan tâm, chăm lo đến nơi đến chốn. Không chỉ dịp 27/7 mà tất cả các ngày lễ lớn, hàng ngày, hàng tháng, người có công đều nhận được những tình cảm, lòng tri ân của con em trong và ngoài địa phương.

Chỉ tính từ đầu năm 2019 đến nay, đối tượng thương binh, bệnh binh, người có công ở Thạch Lạc đã được hỗ trợ làm mới 3 căn nhà, sữa chữa 2 căn. Xã tiến hành sửa chữa đài tưởng niệm liệt sĩ với tổng kinh phí hơn 590 triệu đồng và thực hiện đại lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ.

Không chỉ Thạch Lạc mà tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đều thực hiện tốt công tác chăm lo cho gia đình chính sách. Từ việc hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà tình nghĩa đến việc thăm hỏi, tặng quà, tạo điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế, chăm lo đời sống tinh thần…

Bồi đắp đạo lý “uống nước nhớ nguồn”

Cùng với cả nước, trong suốt chặng đường lịch sử, Đảng bộ, chính quyền, MTTQ và các tầng lớp nhân dân Hà Tĩnh với trách nhiệm và nghĩa tình sâu nặng đã luôn nỗ lực, cố gắng chăm lo toàn diện cho người có công.

Cùng với hệ thống chính sách Trung ương, thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành nhiều chính sách, văn bản kịp thời triển khai động bộ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, tri ân người có công với cách mạng và thực hiện công bằng, tiến bộ xã hội.

Theo Sở LĐTBXH tỉnh Hà Tĩnh, đến nay, toàn tỉnh đã xác nhận, giải quyết chế độ chính sách cho 390.894 lượt hồ sơ đối tượng người có công. Trong đó, có 1.511 cán bộ lão thành cách mạng, 895 cán bộ Tiền khởi nghĩa; 26.469 liệt sĩ, 1.961 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. 35 Anh hùng Lao động trong kháng chiến và Anh hùng LLVT; 37.364 thương binh, 10.025 bệnh binh; 6.462 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học. 608 cán bộ hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày; 256 người có công giúp đỡ cách mạng (có công với nước); 215.217 người được tặng thưởng Huân huy chương Kháng chiến và Huân, Huy chương các loại; 18.458 hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ.

Hàng năm, Hà Tĩnh thực hiện chi trả trợ cấp thường xuyên cho trên 45.000 người, trợ cấp một lần 50.000 lượt người và các chính sách khác với kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng. Đặc biệt, vào dịp Tết Nguyên đán và Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) được các cấp, các ngành chỉ đạo, tổ chức trao quà của Chủ tịch nước đảm bảo kịp thời, chu đáo, đạt mục đích, ý nghĩa. Ngoài quà của Chủ tịch nước, UBND tỉnh, huyện, xã trích ngân sách trên 35 tỷ đồng/năm để tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho người có công, dâng hoa, dâng hương tại các công trình ghi ơn các anh hùng liệt sĩ.

Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2762/QĐ-UBND ngày 05/9/2013 về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ 5.158 hộ với tổng kinh phí là 155.500 triệu đồng. Đến nay đã hỗ trợ và cấp kinh phí cho 4.598 hộ.

Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xây dựng và tu sửa nghĩa trang, nhà bia, đài tưởng niệm các công trình ghi công các liệt sĩ được quan tâm triển khai đồng bộ, chu đáo, nghiêm trang. Các hoạt động bàn giao, đón nhận và an táng hài cốt liệt sĩ tổ chức trang nghiêm, phù hợp với phong tục tập quán của từng địa phương và đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của thân nhân liệt sĩ.

Nhìn chung, việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng và phong trào “đền ơn đáp nghĩa” trên địa bàn Hà Tĩnh đạt được nhiều kết quả. Thể hiện sự tri ân đối với các liệt sĩ, gia đình liệt sĩ và người có công, góp phần cải thiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần đối với người có công với cách mạng trong tỉnh.

Phong trào chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng phát triển mạnh mẽ, sâu rộng đến các tổ chức, cá nhân doanh nghiệp và toàn thể nhân dân trên địa bàn. Theo đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, bằng nhiều nguồn hỗ trợ, tài trợ tích cực triển khai, thực hiện có hiệu quả các phong trào chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng bằng những việc làm thiết thực.

Tính từ năm 2013 đến nay đóng góp hơn 43,556 tỷ đồng vào Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; xây dựng mới 1.170 nhà, sửa chữa 355 nhà tình nghĩa với tổng giá trị 42,741 tỷ đồng. Tặng 2.524 sổ tiết kiệm, các trang thiết bị, đồ dùng thiết yếu trị giá hàng chục tỷ đồng. 100% Mẹ Việt Nam anh hùng được các đơn vị nhận phụng dưỡng. 98% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ. Bên cạnh đó, bản thân thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng cũng nổ lực phấn đấu vươn lên trở thành những tấm gương tiêu biểu, điển hình, là những nhân tố mới trong phát triển kinh tế, khoa học và các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Đặc biệt, công tác “đền ơn đáp nghĩa” ngày càng lan tỏa sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, nhận được sự chung tay hỗ trợ, giúp đỡ từ các nguồn lực để tu sửa, xây dựng nhà cho đối tượng chính sách, xây dựng nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm ghi công các anh hùng liệt sĩ.

Nếu thiếu đi nguồn hỗ trợ tích cực từ các tổ chức, đơn vị, cá nhân thì chắc chắn công tác chăm lo cho các đối tượng chính sách, người có công ở Hà Tĩnh không được lan tỏa sâu rộng như thời gian qua. Các tổ chức, đơn vị, cá nhân đã có đóng góp thiết thực cho công tác “đền ơn đáp nghĩa”, làm sáng thêm đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc và làm tốt hơn nữa trách nhiệm tri ân, chăm lo cuộc sống người có công.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2019): Lan tỏa đạo nghĩa tri ân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO