Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2019): Về với quê hương nhà cách mạng Nguyễn Đức Cảnh

K.Long 28/07/2019 07:30

Năm nay vào dịp 90 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2019), nhiều đoàn cán bộ, đoàn viên công đoàn từ mọi miền Tổ quốc đã về thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình để dâng hương nhà cách mạng Nguyễn Đức Cảnh, lãnh tụ xuất sắc của giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam.

Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2019): Về với quê hương nhà cách mạng Nguyễn Đức Cảnh

Khu lưu niệm nhà cách mạng Nguyễn Đức Cảnh ở Diêm Điền, Thái Thuỵ, Thái Bình.

Liệt sĩ Nguyễn Đức Cảnh sinh ngày 2/2/1908 (mùng 1 Tết Mậu Thân), trong một nhà nho nghèo, giàu truyền thống yêu nước. Dân làng kể rằng mẹ ông, cụ bà Trần Thị Thuỳ sinh ông ngay bên thành giếng (sau này đặt tên là giếng Ngọc, bởi cái giếng có nước rất trong và mát ngọt, không như nhiều giếng ở vùng đất cát mặn này). Cha ông, cụ Nguyễn Đức Tiết đỗ cử nhân nhưng không ra làm quan mà ở nhà dạy học. Cụ Tiết tham gia cuộc khởi nghĩa chống Pháp do đề đốc Tạ Quang Hiện lãnh đạo. Cụ mất sớm khi Nguyễn Đức Cảnh mới 7 tuổi. Tiếp thu truyền thống gia đình, được bạn bè của cha giúp đỡ, Nguyễn Đức Cảnh được học hết bậc tiểu học ở quê rồi sang Nam Định học trường Thành Chung (nay là trường chuyên Lê Hồng Phong). Tại đây, Nguyễn Đức Cảnh kết thân với các bạn bè cùng chí hướng như Đặng Xuân Khu (Trường Chinh), Đặng Xuân Thiều…và cùng tham gia các phong trào cách mạng như đòi thả cụ Phan Bội Châu, để tang Phan Chu Trinh…

Do tích cực tham gia phong trào cách mạng nên ông bị đuổi học. Ông lên Hà Nội làm đủ việc như làm thư ký cho Hiệu ảnh Hưng Ký, giáo viên cho trường tư công ích ở Bạch Mai, thợ sắp chữ nhà in Mạc Đình Tư...và tham gia Nam Đồng Thư xã… Năm 1927, ông sang Quảng Châu (Trung Quốc) tham gia và dự lớp huấn luyện của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức. Sau đó ông về nước, được phân công là Uỷ viên Kỳ bộ Thanh niên Bắc kỳ, trực tiếp là Bí thư Tỉnh bộ Hải Phòng. Để xây dựng phong trào công nhân, ông vào làm thợ tại xưởng Caron. Tháng 3/1929 ông cùng tham gia thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên tại Việt Nam, sau đó thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng…

Ngày 28/7/1929, tại 15 Hàng Nón (Hà Nội), Nguyễn Đức Cảnh đã triệu tập Đại hội đại biểu công nhân các tỉnh Bắc kỳ, thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ. Ông Cảnh được cử làm Hội trưởng, đồng thời phụ trách tờ báo Lao Động và Tạp chí Công hội đỏ…

Tháng 5/1930, ông được cử làm Bí thư Xứ uỷ Bắc kỳ, cuối tháng 10/1930 được cử tham gia Xứ uỷ Trung kỳ, tham gia chỉ đạo phong trào Xô Viết-Nghệ Tĩnh. Ngày 9/4/1931, ở Nghệ An trên đường từ cuộc họp quan trọng của Xứ uỷ Trung kỳ về cơ sở, ông bị thực dân Pháp bắt, chuyển ra giam giữ tại Hoả Lò. Tại phiên toà Hội đồng đề hình, mở từ ngày 15 đến 17/11/1931 tại Hà Nội, ông bị kết án tử hình. Khi chánh án hỏi ông có muốn xin ân xá, ông khẳng khái trả lời: “Đánh đuổi quân cướp nước, giành độc lập cho Tổ quốc, mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam là không có tội. Đã không có tội, cần gì ân xá”. Ngày 31/7/1932, ông Nguyễn Đức Cảnh cùng ông Hồ Ngọc Lân thọ hình tại nhà lao Sông Lấp (Hải Phòng). Thủ cấp của các ông đã bị ném xuống sông Tam Bạc (nhánh sông Cấm), thi hài còn lại chôn ở gần nơi pháp trường…

Lăn lộn trong phong trào công nhân, ông Nguyễn Đức Cảnh đã hỗ trợ Tổng Bí thư Trần Phú khảo sát phong trào công nhân để viết Luận cương Chính trị. Ngay trong những ngày bị giam trong xà lim chờ ra pháp trường, ông Nguyễn Đức Cảnh vẫn tổng kết, viết cuốn “Công nhân vận động” để lại cho đời sau…

Tưởng nhớ công ơn của nhà hoạt động cách mạng, năm 1980, quê hương Thái Bình cũng đã xây dựng Khu lưu niệm Nguyễn Đức Cảnh trên mảnh đất của gia đình ông ở Diêm Điền. Và rồi, sau suốt gần 74 năm lưu lạc, năm 2007, cùng với các nhà ngoại cảm, các cấp chính quyền, người lao động ở Hải Phòng, Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Bình đã tìm được thi hài của ông Nguyễn Đức Cảnh, Hồ Ngọc Lân. Di thể ông Nguyễn Đức Cảnh sau đó được đưa về quê hương Diêm Điền an táng. Khu mộ tiếp tục được xây dựng khang trang, mở rộng trên phần đất hương hoả của gia đình cùng 8 gia đình trong thân tộc.

Năm 2019 này kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, Đoàn cán bộ Mặt trận cùng cán bộ Công đoàn Khối thi đua II do Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài làm trưởng đoàn đã về thị trấn Diêm Điền trang trọng dâng hương nhà cách mạng Nguyễn Đức Cảnh, thăm nơi nhà Tổ, ngôi nhà xưa của người sáng lập tổ chức Công đoàn. Trong niềm thành kính, nhớ về cội nguồn, trân trọng công lao của những người đi trước, ai ai cũng tâm niệm, noi theo tấm gương sáng, phát huy truyền thống cha ông, các anh hùng liệt sĩ để làm tốt công việc, nhiệm vụ của mình, góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2019): Về với quê hương nhà cách mạng Nguyễn Đức Cảnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO