Kỳ thi THPT quốc gia 2017: Toán, Văn nên có thêm câu hỏi tự luận

Phương Linh 15/09/2016 09:42

Dư luận xã hội vẫn đang có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh Dự thảo thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ 2017. Bên cạnh những ý kiến ủng hộ phương án thi do Bộ GD&ĐT đưa ra cũng có những ý kiến phản đối về việc Bộ dự kiến sẽ áp dụng hình thức thi trắc nghiệm, đặc biệt là với môn Toán. 

Hình thức thi trắc nghiệm có thể kiểm tra được tư duy logic và sự sáng tạo của thí sinh.

Băn khoăn thi trắc nghiệm Toán

Hội Toán học Việt Nam vừa tổ chức một cuộc họp bàn về chủ trương thi môn Toán trắc nghiệm do Bộ GD&ĐT đưa ra. Theo GS. Phùng Hồ Hải - Tổng Thư ký Hội Toán học Việt Nam cho biết, Hội đã có bàn luận về những lí do để không đồng tình với phương hướng thi trắc nghiệm môn Toán: Thứ nhất, thời gian triển khai quá gấp gáp sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của học sinh cũng như giáo viên trong việc chuẩn bị tâm lý cho kỳ thi. Bởi hình thức thi như thế nào sẽ rất ảnh hưởng đến hình thức học của học sinh, và cả phương thức dạy của giáo viên.

Thứ hai, về mặt chuyên môn, sử dụng phương pháp thi trắc nghiệm để đánh giá năng lực học sinh về môn Toán không phù hợp với yêu cầu đào tạo môn Toán ở trình độ THPT ở nước ta, theo đề án đổi mới giáo dục vừa qua chúng ta đã biết.

Thứ ba, việc tổ chức thi này dựa vào cơ sở kinh nghiệm của ĐHQG Hà Nội trong 3 năm qua, nhưng Hội Toán học chưa thấy có những đánh giá về mặt tích cực hoặc có cơ sở nào để kết luận xem việc thi đó sẽ đánh giá tốt hơn học sinh.

Mặc dù chưa có bản kiến nghị chính thức, tuy nhiên theo GS. Phùng Hồ Hải, chỉ khoảng một vài hôm nữa, sau khi hoàn thiện khâu chỉnh sửa, thống nhất quan điểm, Hội sẽ có một bản kiến nghị lên các cơ quan có thẩm quyền liên quan. Và cũng sẽ công bố bản kiến nghị này trên trang web của Hội.

Về mặt ngắn hạn, nhiều thành viên trong Hội có kiến nghị chưa nên tổ chức hình thức thi trắc nghiệm với môn Toán trong năm 2017, cũng như trong một số năm tới.

Thứ hai, dựa trên căn cứ chuyên môn, trước hết phải xác định mục tiêu chương trình đào tạo, trên cơ sở đấy mới quyết định phương án thi. Điều này cần có những thảo luận sâu rộng trong các cơ quan quản lý, cũng như các nhà chuyên môn và cần có các hội thảo khoa học.

Trước đó, với nhiều ý kiến băn khoăn về thi trắc nghiệm môn Toán, Bộ GD&ĐT cũng đưa ra quan điểm: Thi trắc nghiệm ở nước ta không phải là hình thức mới. Việc thi Toán bằng hình thức trắc nghiệm khách quan có thể là mới với chúng ta nhưng nhiều nước phát triển trên thế giới đã áp dụng từ lâu. Trắc nghiệm môn Toán được áp dụng ở các bài thi SAT và ACT của Hoa Kỳ là một ví dụ.

Mỗi bài thi này có khoảng trên 50 câu hỏi Toán hoàn toàn thi bằng hình thức trắc nghiệm khách quan. Hằng năm mỗi bài thi này thu hút hàng triệu lượt thí sinh tham gia dự thi để ứng tuyển vào khoảng 1.800 trường ĐH của Hoa Kỳ. Bộ cho rằng: Trắc nghiệm khách quan có nhiều ưu điểm, đặc biệt là sự khách quan và công bằng cho tất cả thí sinh. Thực tế, trong các các câu hỏi trắc nghiệm khách quan, trong số 4 phương án trả lời thường có 2-3 phương án rất gần nhau, đòi hỏi thí sinh phải suy nghĩ kỹ lưỡng và có lập luận chặt chẽ để chọn câu trả lời chính xác nhất. Do vậy, hình thức thi này hoàn toàn có thể kiểm tra được tư duy logic và sự sáng tạo của thí sinh.

Trắc nghiệm đánh giá tốt hơn ở diện rộng

“Chúng tôi nghiên cứu kinh nghiệm thế giới thế nào, từ các nước Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… Dù thi phương thức nào cũng phải đặt ra mục tiêu đánh giá. Mục tiêu đánh giá diện rộng, tổng thể kiến thức. Không thể nói tự luận là không tốt, nhưng chắc chắn hẹp hơn trắc nghiệm. Tự luận như mọi năm chúng ta ra 10 ý thì chỉ hỏi được 10 vấn đề.Vì thế nên những đề thi diện rộng, có độ phân giải cao thì trắc nghiệm tốt hơn. Hơn nữa, mục đích đầu tiên của kỳ thi đó là công nhận tốt nghiệp phổ thông” – TS.Sái Công Hồng, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, ĐHQGHN.

T.Anh

Toán, Văn nên có 1 câu tự luận

Về băn khoăn ở môn học này, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THPT Đinh Tiên Hoàng nêu ý kiến: Việc đưa trắc nghiệm vào bài thi môn Toán cần phải bàn luận kỹ. Mặc dù tính khoa học, nguyên tắc, anh đã học tốt rồi thì thi trắc nghiệm hay tự luận đều được. Tuy nhiên, xét toàn diện về kỳ thi và môn học, ông Lâm cho biết, quan điểm của ông là ủng hộ. Bộ cần có lộ trình từng bước, để cho xã hội, học sinh thấy được thi như thế không phải là gì ghê gớm lắm.

Tương tự, PGS TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng khẳng định, thi tự luận hay trắc nghiệm đều có ưu điểm riêng. Theo ông, môn Toán, Bộ đưa ra thi trắc nghiệm cũng tốt, nhưng có đề nghị nên thêm 1 câu tự luận. “Trong kỳ thi này, Bộ đã có kết hợp cả tự luận và trắc nghiệm, nhưng tự luận chỉ có ở môn Ngữ văn để biết học sinh trình bày bài vở, suy luận như thế nào. Tương tự, môn Toán cần tư duy như thế nào, cũng có thể đánh giá bằng hình thức vừa trắc nghiệm vừa tự luận. Cho nên hợp lý nhất, theo quan điểm của tôi cũng như Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, bài thi môn Toán và Văn cứ để hình thức thi trắc nghiệm là phù hợp, nhưng mỗi bài thi nên có thêm một câu tự luận trong khoảng 30 phút để đánh giá toàn diện học sinh.

Ông Nhĩ cho rằng, thi theo hình thức trắc nghiệm, các bài thi sẽ chấm rất nhanh và khách quan, nhất là khi mỗi học sinh có một đề thi riêng. Nếu thi theo hình thức tự luận, thường sẽ chỉ ra câu hỏi ở một bài nào đó nhưng khi thi theo đề trắc nghiệm, có thể trắc nghiệm được hết các nội dung từ đầu đến cuối, để đánh giá học sinh đầy đủ hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỳ thi THPT quốc gia 2017: Toán, Văn nên có thêm câu hỏi tự luận

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO