Kỳ thi THPT quốc gia: Siết coi thi, chấm thi

Sỹ Minh 27/03/2016 13:35

Các điều chỉnh trong quy chế thi THPT quốc gia công bố mới đây được kỳ vọng sẽ khắc phục triệt để những bất cập trong kỳ thi THPT quốc gia, tạo thuận lợi cho thí sinh, nhưng cũng siết chặt hơn khâu coi thi, chấm thi nhằm tạo sự công bằng, nghiêm túc trong việc sử dụng kết quả thi.

Kỳ thi THPT quốc gia: Siết coi thi, chấm thi

Mỗi cán bộ giám sát tối đa 7 phòng thi

Coi thi, vốn được coi là khâu trọng yếu, vì vậy Bộ GD&ĐT đã ban hành các quy định siết chặt kỷ luật phòng thi, tăng cường lực lượng giám sát. Theo đó, tại kỳ thi THPT quốc gia năm nay, mỗi cán bộ giám sát được giao trọng trách giám sát tối đa 7 phòng thi, thay vì 10 phòng thi trước đây. Nhiệm vụ của cán bộ giám sát cũng nặng hơn, đó là không chỉ giám sát việc thực hiện chức trách của các cán bộ tại điểm thi và tuân thủ quy chế của TS, mà còn giám sát cả những TS được cán bộ coi thi cho phép ra ngoài phòng thi.

Một quy định khác liên quan đến kỷ luật phòng thi đáng lưu ý là trong phần quy định các chế tài xử phạt, nếu như ở kỳ thi năm trước, TS mắc khuyết điểm bị xử lý kỷ luật ở mức đình chỉ thi môn nào, sẽ nhận điểm 0 môn thi đó. Còn tại kỳ thi năm nay, ngoài việc bị điểm 0 môn thi bị đình chỉ, TS sẽ không được tiếp tục dự thi các môn tiếp theo, cũng không được sử dụng kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ).

Mới đây, tại TP HCM, Bộ Giáo dục – Đào tạo tổ chức họp bàn phương án thi và chấm thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2016 với đại diện các trường đại học chủ trì cụm thi. Năm 2016, cả nước có 70 cụm thi đại học do các trường đại học chủ trì. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, kỳ thi THPT quốc gia năm nay có 70 cụm thi do trường ĐH chủ trì và 50 cụm thi do sở GD&ĐT chủ trì. Có 14 tỉnh/TP chỉ có cụm thi do trường ĐH chủ trì. Số lượng thí sinh ở các cụm thi do trường ĐH chủ trì ít hơn năm 2015 (do chỉ có số thí sinh của địa phương) và được tổ chức tại tỉnh lỵ. Các cơ sở giáo dục ĐH chủ trì tổ chức cụm thi chịu trách nhiệm về: sao in đề thi (có thể liên hệ với các trường có kinh nghiệm để ký hợp đồng sao in), coi thi, chấm thi, chấm phúc khảo; công bố kết quả thi, in giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh; bảo quản bài thi của thí sinh và các tài liệu liên quan của hội đồng thi; xử lý thắc mắc, khiếu nại của thí sinh.

Băn khoăn phương thức chấm thi

Trước những thay đổi về tổ chức cụm thi, lãnh đạo nhiều trường ĐH tỏ ra lo ngại ở khâu chấm thi. Nhiều đại biểu đề xuất, Bộ Giáo dục – Đào tạo cần cân nhắc các phương án phân bổ cán bộ coi thi của các trường và Sở Giáo dục – Đào tạo các địa phương cũng như linh hoạt phương thức chấm thi sao cho đảm bảo cao nhất tính nghiêm túc, chính xác của kỳ thi. Vì nếu giao phần lớn nhiệm vụ coi và chấm thi cho các địa phương, rất dễ nảy sinh tình trạng thiên vị.

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM băn khoăn: Mời giáo viên bên ngoài về chấm là chuyện đương nhiên nhưng sợ không kịp tiến độ, nếu tăng tốc thì sợ giáo viên chấm ẩu. Ông Dũng cho biết năm 2015, khi tổ chức thi liên tỉnh thì có quy định giáo viên đến chấm bài nhất thiết không phải là giáo viên đã dạy ở các trường THPT có thí sinh đến thi nhưng năm nay, “tôi lo giáo viên THPT của tỉnh lại chấm thi cho học sinh tỉnh mình sẽ không bảo đảm khách quan, chính xác” - ông Dũng nhận định.

TS Trần Hoàng Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP HCM cũng cho rằng giáo viên của địa phương chấm cho học sinh địa phương mà không ưu ái mới lạ. Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP HCM cho rằng muốn kết quả kỳ thi THPT sử dụng để xét tuyển ĐH, CĐ được công bằng thì khâu chấm thi cực kỳ quan trọng. Nếu được Bộ GD&ĐT cho phép, các trường ĐH không sử dụng giáo viên phổ thông của địa phương tham gia chấm thi. Đại diện Trường ĐH Tiền Giang thì lại cho rằng nếu không sử dụng giáo viên địa phương chấm thi thì lấy đâu ra người chấm. Bản thân trường ĐH không đủ người chấm.

Giải đáp những băn khoăn ấy, Thứ trưởng Bùi Văn Ga chia sẻ: Bộ muốn giao quyền tự chủ cho các trường trong khâu chấm thi nhưng qua hội nghị ở Hà Nội và TP HCM, các trường muốn Bộ quy định cụ thể hơn đối tượng giáo viên nào được mời, có mời giáo viên của địa phương đó hay không.

Cũng theo ông Ga, Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường ĐH lập nhóm tuyển sinh. Hiện nay đã có nhóm Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Đà Nẵng và bộ đang khuyến khích ĐHQG TP HCM và Trường ĐH Cần Thơ lập nhóm xét tuyển. “Nếu các nhóm tuyển sinh được hình thành thì tuyển sinh sẽ rất nhẹ nhàng cho cả nhà trường và thí sinh. Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào bốn trường cùng một ngành trong nhóm trường này. Các trường sẽ biết chắc chắn số thí sinh trúng tuyển vào trường mình và hạn chế ảo” - ông Ga khẳng định.

Về quy định thí sinh phải nộp giấy chứng nhận kết quả thi, ông Ga cho rằng thí sinh không phải vất vả tới trường nộp giấy này. Quy chế cho phép thí sinh có hai ngày để suy nghĩ cân nhắc chọn trường đã trúng tuyển để nhập học. Ngày 15-8 có kết quả xét tuyển và đến 17 giờ ngày 17-8 thí sinh phải nộp giấy chứng nhận kết quả thi. Thí sinh chỉ cần ra bưu điện nộp đúng thời gian quy định (theo dấu bưu điện). Còn giấy chứng nhận kết quả thi này đến trường lúc nào là việc của bưu điện. Các trường có bốn ngày chờ để nhận giấy chứng nhận kết quả thi này. Bưu điện đã cam kết trong tỉnh một ngày, ngoài tỉnh hai ngày.

Về việc công bố điểm thi, PGS.TS Trần Văn Nghĩa - Phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD&ĐT cho biết sau khi chấm xong các trường chuyển dữ liệu điểm thi về bộ. Sau khi bộ cập nhật dữ liệu xong sẽ chuyển lại cho các trường rà soát lại rồi công bố điểm. Như vậy thời điểm các trường công bố kết quả thi gần như giống nhau.

Không quy định số giáo viên tham gia chấm thi quốc gia

Ngày 24/3, Bộ GD-ĐT chính thức ban hành hướng dẫn tổ chức thi THPT quốc gia 2016 và xét công nhận tốt nghiệp THPT. Theo kế hoạch, thí sinh bắt đầu đăng ký dự thi từ 1/4 đến 30/4. Sau thời hạn này, thí sinh không được thay đổi cụm thi và các thông tin về môn thi đã đăng ký. Chậm nhất ngày 10-6, trưởng ban đăng ký dự thi thông báo công khai những trường hợp thí sinh không đủ điều kiện dự thi. Trước ngày 16-6, các đơn vị hoàn thành việc in và trả Giấy báo dự thi cho thí sinh. Năm nay, các đơn vị thống nhất sử dụng hệ thống phần mềm quản lý thi THPT quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp; thực hiện đúng quy trình, thời hạn xử lý dữ liệu và chế độ báo cáo theo quy định của Bộ.

Chậm nhất ngày 20/7, các Hội đồng thi xuất kết quả thi từ phần mềm hỗ trợ chấm thi ra 2 đĩa CD-ROM (loại chỉ ghi 1 lần); một đĩa được lưu tại đơn vị tổ chức thi theo chế độ mật, một đĩa được gửi bảo đảm ở chế độ mật về Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục để cập nhật kết quả thi vào phần mềm Quản lý thi. Sau khi hoàn thành việc đối chiếu kết quả thi, Hội đồng thi công bố và thông báo kết quả cho thí sinh.

Về cán bộ chấm thi, hướng dẫn chính thức bỏ quy định cụ thể về tỷ lệ giáo viên chấm thi là giáo viên THPT và giảng viên ĐH, CĐ mà chỉ nêu thành phần chấm thi bao gồm cả 2 đối tượng này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỳ thi THPT quốc gia: Siết coi thi, chấm thi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO