Kỹ thuật trồng và chăm sóc khoai mỡ

Vỹ An 29/08/2021 13:00

Khoai mỡ là loại khoai được trồng quanh năm, thời vụ thích hợp trồng là vào tháng 8 đến tháng 11 sẽ đạt năng suất cao, củ khoai mỡ to mập mạp. Khoai mỡ là loại khoai dễ trồng, sinh trưởng tốt kể cả trồng ở đất phèn, đất sét…

Thời điểm này, người nông dân trồng khoai mỡ thuộc vùng Đồng Tháp Mười của huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An đang vào mùa thu hoạch. So với những năm trước, vụ khoai năm nay không chỉ được mùa mà còn được giá, giúp nông dân tăng thêm thu nhập. Một số hộ dân ở đây cho biết, cách đây hơn 10 năm, bà con ở đây bắt đầu trồng khoai mỡ. Ngay sau đó, khoai mỡ đã giúp người nông dân có cuộc sống ổn định nhờ giá tương đối cao. Năm nay, vụ khoai mỡ được mùa. Hiện, khoai mỡ đạt năng suất 15 tấn/ha và giá bán 15.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí chăm sóc, bón phân, nhiều hộ thu lãi hơn 100 triệu đồng/ha.

Bà con ở huyện Thạnh Hóa cũng cho biết, cây khoai mỡ đã thể hiện ưu thế về đặc tính thích nghi trên đất phèn. Khoai mỡ được trồng từ tháng 11 năm trước đến tháng 7 năm sau (âm lịch) với những đặc trưng nổi trội về hương vị thơm, ngon, dẻo, bùi, màu sắc đa dạng (tím than, tím bông lau và trắng)...

Theo các chuyên gia nông nghiệp, muốn có năng suất cao, bà con cần chú ý ngay từ khi chọn giống khoai mỡ. Khoai mỡ có 2 loại là loại củ khoai ruột trắng và ruột tím. Khoai thường được trồng bằng củ. Chọn củ giống có thời gian sinh trưởng từ 5-6 tháng tuổi, đạt từ 1 kg trở lên, đồng đều, không xây xát, không sâu bệnh phá hại. Dùng dao cắt mục tạo giống, sau khi cắt mục giống thì chấm mặt cắt của miếng khoai mỡ vào xi măng khô hoặc bột vôi để củ giống không bị thối.

Sau đó mục giống được đem đi ủ tro. Trải một lớp tro mỏng rồi xếp mục giống lên mặt tro, sau đó đổ thêm lớp tro phủ lên mục giống. Sau khi ủ 2-3 ngày thì tưới nước một lần, chú ý không tưới nhiều nước gây ẩm ướt sẽ khiến mục khoai bị thối, nhưng nếu quá khô sẽ khiến mục khoai lâu mọc mầm. Kiểm tra nếu mục khoai nào bị thối thì phải mang ra xử lý.

Sau 20-30 ngày ủ tro thì mầm khoai mỡ sẽ mọc mầm khoảng 3-5cm, lúc này có thể mang đem ra trồng.

Trước khi trồng 10 ngày phải tiến hành làm đất, dọn sạch cỏ dại và bón lót vôi bột, phun thuốc cỏ, phơi ải để tiêu diệt mầm bệnh trong đất. Làm đất tơi xốp, lên liếp cao 25-30 cm, rãnh rộng 0,5m.

Dùng dao đào lỗ sâu 2-3 cm, cho lớp tro trấu xuống rồi đặt mầm khoai xuống dưới, chú ý đặt mầm khoai quay xuống đáy lỗ. Trồng mỗi mục giống cách nhau 60cm, mỗi hàng cách nhau 50cm. Sau khi trồng phủ lớp đất mỏng lên và phủ rơm rạ lên để giữ ẩm. Tiến hành tưới nước 2 ngày 1 lần.

Khoai mỡ có khả năng tự sinh trưởng rất tốt mà không cần chăm bón nhiều, chỉ cần chú ý tưới nước vừa đủ cung cấp độ ẩm cho cây. Sau khi trồng mục giống 15 ngày thì nên tưới kali để khoai phát triển thân lá nhanh hơn.

Trồng khoai mỡ chủ yếu bón phân chuồng ủ mục kết hợp NPK bón theo 3 đợt. Giai đoạn sau khi trồng mục giống khoảng 1 tháng thì tiến hành bón phân chuồng hoại mục. Tiếp tục bón thêm 2 đợt tiếp theo, mỗi đợt cách nhau 1 tháng.

Thời gian để cây khoai mỡ trưởng thành và cho thu hoạch củ từ 5-6 tháng. Trước khi thu hoạch 1 tuần nên tưới thêm nước để đất mềm dễ thu hoạch. Cắt toàn bộ thân lá cách gốc 10-15 cm để củ khoai mỡ không bị trầy xước. Khi bảo quản khoai cần chọn nơi khô mát.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỹ thuật trồng và chăm sóc khoai mỡ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO