Kỳ vọng của doanh nghiệp

Duy Phương 26/07/2016 01:00

Có thể nói, đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất thấp giống như người bệnh bắt được đúng thuốc.

Lãi suất ngân hàng luôn là vấn đề được người dân, doanh nghiệp quan tâm.

Ngoài những mong mỏi môi trường kinh doanh được cải thiện, một trong những kỳ vọng lớn đã ấp ủ bấy lâu nay của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, chính là lãi suất cho vay có thể hạ nhiệt hơn nữa, để họ có thể tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất thấp, mới mong ổn định được sản xuất kinh doanh.

Những mong mỏi đó cũng đã được giãi bày với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc đối thoại lần đầu giữa cộng đồng DN với Thủ tướng cách đây 3 tháng (hôm 29/4).

Có thể nói, đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất thấp giống như người bệnh bắt được đúng thuốc. Thế nhưng, lâu nay, sức khỏe của các DN vẫn không thể tốt lên chính vì lãi suất ngân hàng luôn ở mức cao, đẩy họ vào tình cảnh lúc nào cũng chỉ nơm nớp lo trả nợ.

Con số thống kê cho hay, 6 tháng đầu năm 2016, cả nước có 5.500 DN phá sản, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2015. Số DN tạm ngừng hoạt động là 31.119 DN, tăng 15%. Như vậy, bình quân, mỗi tháng có khoảng 6.000 DN “ngắc ngoải”, một ngày có hơn 200 DN “chờ chết”. Những con số nói trên minh chứng rõ nhất cho thấy, cộng đồng DN vẫn đang rất khó khăn. Và một trong những nguyên nhân chính vẫn là họ không có vốn để phục hồi và phát triển sản xuất.

Theo phản ảnh của cộng đồng DN, lãi suất tiền vay hiện vẫn xoay quanh mức 8-10%/năm. Thực tế, mức này là đã hạ so với trước đó rất nhiều (đỉnh điểm lãi suất cho vay lên đến 22% theo chia sẻ của một số DN). Nếu so với mức lãi suất ở các quốc gia khác, mức lãi suất cho vay hiện nay (8-10%) đang cao gấp 2-3 lần.

Như vậy, cùng hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng DN ở các nước lân cận lại được hưởng lãi suất “dễ thở” hơn DN Việt Nam rất nhiều. Lãi suất là một trong những nguyên nhân đẩy chi phí tài chính của DN lên cao. Và đây chính là lý do vì sao, giá hàng hóa do DN Việt Nam sản xuất lại luôn cao hơn các sản phẩm cùng loại của nước khác từ 2-4%.

Giá cao, đương nhiên hàng hóa của DN Việt sẽ không được người tiêu dùng lựa chọn khi mà, cùng sản phẩm, cùng chất lượng, mà giá hàng hóa ngoại nhập lại thấp hơn hàng do DN Việt Nam sản xuất…

Trong hầu hết các cuộc gặp gỡ giữa cộng đồng DN, các tổ chức, hiệp hội với và nhà quản lý… điều mà nhà quản lý luôn “nhắn nhủ” với cộng đồng DN trong thời buổi hội nhập kinh tế sâu rộng hiện nay là làm sao phải hạ được giá thành sản phẩm, nâng cao được sức cạnh tranh. Thế nhưng, yếu tố để giúp cho DN nâng sức cạnh tranh chính là tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất thấp thì dường như nhà quản lý vẫn chưa thực hiện được, mặc dù DN đã “kêu” rất nhiều.

Về phía nhà quản lý, mới đây, trong một cuộc trao đổi với báo giới về vấn đề lãi suất, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã khẳng định: Với mục tiêu phấn đấu giảm lãi suất cho vay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã quyết liệt chỉ đạo các Tổ chức tín dụng tiết kiệm chi phí hoạt động, cân đối nguồn vốn huy động, sử dụng vốn một cách hợp lý, nâng cao hiệu quả kinh doanh, làm sao phấn đấu giảm lãi suất cho vay.

Trên thực tế, theo vị Phó Thống đốc, mục tiêu giữ ổn định lãi suất để hướng đến giảm lãi suất cho vay cũng đã được Ngân hàng Nhà nước duy trì từ đầu năm và sẽ tiếp tục giữ ổn định cho đến hết năm 2016.

“Những tháng đầu năm, một số tổ chức tín dụng có động thái tăng lãi suất huy động trên thị trường. Tuy nhiên, với chủ trương của Chính phủ chỉ đạo thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, NHNN đã xác định làm thế nào để ổn định mặt bằng lãi suất, ngăn nguy cơ các TCTD tăng lãi suất thông qua một số giải pháp”- bà Hồng cho hay và khẳng định, đến nay, một số Tổ chức tín dụng cũng đã có động thái điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay trung, dài hạn. “Từ nay đến cuối năm, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các Tổ chức tín dụng thực hiện các biện pháp cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn duy trì ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay” - Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.

Giới chuyên gia kinh tế đã nhận định: Gốc của nền kinh tế chính là sản xuất, thế nhưng nếu đồng vốn không vào được sản xuất thì cũng có nghĩa, nền kinh tế đó khó có thể ổn định và đi lên. Bởi vậy, hơn bao giờ hết, cộng đồng DN kỳ vọng rằng, họ sẽ sớm được tiếp cận với nguồn vốn vay với lãi suất thấp từ hệ thống ngân hàng để phục hồi và đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Và với những động thái nói trên của Ngân hàng Nhà nước, cộng đồng DN có thể kỳ vọng rằng, lãi suất cho vay sẽ được kéo giảm ngay trong năm 2016 này?

“Những tháng đầu năm, một số tổ chức tín dụng có động thái tăng lãi suất huy động trên thị trường. Tuy nhiên, với chủ trương của Chính phủ chỉ đạo thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, NHNN đã xác định làm thế nào để ổn định mặt bằng lãi suất, ngăn nguy cơ các tổ chức tín dụng tăng lãi suất thông qua một số giải pháp”- Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỳ vọng của doanh nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO