Kỳ vọng mới

Minh Quang 05/09/2019 08:30

Hôm nay ngày 5/9, hàng triệu học sinh, sinh viên trên cả nước nô nức dự Lễ khai giảng, chính thức bước vào năm học mới 2019-2020. Đây được xem là năm học bản lề để ngành giáo dục thực hiện những giải pháp mang tính đột phá, tiến tới đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục; chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) và sách giáo khoa (SGK) mới vào năm sau.

Những kỳ vọng về một năm học mới với nhiều đổi thay- bắt đầu ngay từ buổi lễ khai giảng cũng đang được nhen lên.

Kỳ vọng mới

Niềm vui vào năm học mới. Ảnh: Quang Hiếu.

Năm học 2019-2020, ngành giáo dục xác định việc “dạy người”, dạy đạo đức, lối sống, giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh phải là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu và quyết tâm triển khai hiệu quả.

Mục tiêu hướng tới của ngành giáo dục đang nhận được sự quan tâm và ủng hộ của toàn xã hội. Trên thực tế, đã có giai đoạn người ta tranh cãi về slogan “Tiên học lễ, hậu học văn” ở các trường học. Thậm chí có không ít ý kiến cho rằng nên bỏ, vì nó quá khó hiểu với học sinh tiểu học. Theo các chuyên gia, thực chất khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” chính là phương châm giáo dục đúng muôn đời và đúng với tất cả các nền giáo dục. Trong hành trình đổi mới giáo dục hôm nay, phạm trù “lễ” vẫn được coi trọng trong ứng xử của các mối quan hệ xã hội. Thông điệp “Tiên học lễ, hậu học văn” được truyền ngôn từ thế hệ này qua thế hệ khác, là trụ cột giáo dục đạo đức, lối sống cho con em tại các gia đình có gia phong trong sáng, gia pháp nghiêm minh, gia giáo nền nếp.

Trước thực trạng đạo đức lối sống của một bộ phận thế hệ trẻ đang bị xuống cấp, bạo lực học đường liên tiếp xảy ra, nhiều chuyên gia cho rằng quy tắc “Tiên học lễ” phải là quy tắc vàng trong nội dung giáo dục của bất cứ nhà trường nào.

Những kỳ vọng đổi mới cũng bắt đầu từ phía người thầy, từ sự quan tâm tới đời sống của nhà giáo, giảm áp lực cho giáo viên…Khi mà lương giáo viên tới đây sẽ trả theo vị trí việc làm và theo tính chất phức tạp của nghề nghiệp, bỏ phụ cấp thâm niên, rút ngắn khoảng cách lương giữa người mới vào nghề và người làm lâu năm. Trước thềm năm học mới, ông Hoàng Đức Minh- Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GDĐT) cho hay, bậc lương mới của giáo viên sẽ gắn với trình độ đào tạo theo hệ thống thang bậc lương chung nhưng có phụ cấp ưu đãi nghề. Tới đây, sẽ có khái niệm một lượng tiền ứng với khởi động ban đầu, nhân với các hệ số. Do đó lương của giáo viên, đặc biệt là mầm non, tiểu học và THCS sẽ được nâng lên, đặc biệt với những giáo viên mới vào ngành. Ngoài bậc lương thì tất cả các phụ cấp khác sẽ theo đúng giá trị giáo viên mang lại cho xã hội. Giáo viên sẽ được đánh giá theo bộ chuẩn về năng lực và phẩm chất, chứ không có nghĩa cứ nhiều tuổi hơn thì phụ cấp được nhiều hơn. Như vậy hi vọng sẽ có được một hệ thống lương để thu nhập của giáo viên cao hơn so với hiện nay và cũng giải quyết được những bất cập cho những người mới vào ngành khi hệ số lương như hiện tại là quá thấp. Dự thảo hệ thống lương mới của giáo viên đang trong quá trình tiếp tục chỉnh sửa để kịp trình lên Thủ tướng trong tháng 9 này.

Thời gian qua, ngành giáo dục cũng đang “chạy đà” để triển khai Chương trình GDPT và SGK mới. Trong đó nhiệm vụ trọng tâm là chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ, chính sách để kịp triển khai bắt đầu từ năm học 2020-2021 với lớp 1. Ngay trong tháng 9/2019, Bộ GDĐT sẽ tiến hành thẩm định SGK theo Chương trình GDPT mới. Dự kiến vào tháng 10 tới sẽ công bố kết quả thẩm định. Từ đó sẽ có hướng dẫn để các UBND tỉnh thành lập Hội đồng thẩm định SGK của tỉnh, quyết định sử dụng SGK cho phù hợp với điều kiện địa phương.

Dẫu thế, một trong những nỗi lo đáng kể khi bước vào năm học mới là tình trạng quá tải trường lớp vẫn diễn ra ở không it địa phương. Đặc biệt ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Những lớp học có sĩ số lên tới 50 - 60/lớp khiến cô lo quản trò đã khổ, chưa nói đến dạy dỗ. Đây là áp lực lớn khi triển khai Chương trình GDPT mới, cần sớm được tháo gỡ. Hay trước thềm năm học mới, câu chuyện về hàng loạt giáo viên tại Hà Nội bị cắt hợp đồng cũng đang là trăn trở của những người quan tâm đến lĩnh vực giáo dục. Điều này cho thấy có độ vênh trong sử dụng và tuyển dụng đội ngũ giáo viên lâu nay, mà chưa có hướng giải quyết triệt để…

Mong rằng năm học mới bắt đầu từ một lễ khai giảng- vì học sinh như mong muốn của thầy trò chứ không phải vì đại biểu đến dự - “đúng nghĩa cho các em” như lời hứa của Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ, sẽ đóng góp vào sự đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục. Đó chính là bước chuyển được bắt đầu từ sự thay đổi về tư duy.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỳ vọng mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO