Kỳ vọng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam

T.Hằng 13/12/2021 07:00

Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) chính thức ra mắt, thành lập VNX theo mô hình công ty mẹ - công ty con trên cơ sở sắp xếp lại HNX và HOSE, đánh dấu mốc phát triển mới của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam kết hợp hai sàn để ra đời VNX sẽ nâng tầm phát triển trong giai đoạn mới chứ không đơn thuần chỉ là một phép cộng cơ học.

Hơn 20 năm trước, vào năm 2000 thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vận hành với việc chính thức đi vào hoạt động của Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK) TP HCM (HOSE). Trên HOSE, điều kiện niêm yết đối với doanh nghiệp chào sàn tương đối cao, vì thế, để thu hẹp mảng thị trường tự do, sau 5 năm, thành lập thêm Sở GDCK Hà Nội (HNX) với mục đích ban đầu là dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ với tiêu chí, điều kiện thấp hơn. Mỗi Sở đều có những nhiệm vụ tương đối độc lập, hỗ trợ và bổ sung cho nhau, tạo ra một thị trường chứng khoán toàn diện và tổng thể, từng bước tiếp cận tới chuẩn mực quốc tế về sản phẩm.

Cả hai sở đều đạt được các mục tiêu đề ra và đạt được nhiều thành quả rất tích cực, giúp cho TTCK ngày càng phát triển, thể hiện được vai trò kênh dẫn vốn quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, khi TTCK phát triển đến một cấp độ nào đó, thì sự giao thoa trong một số hoạt động của hai Sở đã làm giảm đi gia tốc phát triển.

Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhu cầu về tính hiện đại, sự thống nhất của hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin càng mang tính bức thiết hơn.

Việc thành lập Sở GDCK Việt Nam cũng đã được đặt ra trong “Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2011-2020” và “Đề án Tái cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến 2025”. Mới đây nhất là Quyết định số 37/2020/QĐ-TTg về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Sở GDCK Việt Nam là hiện thực hóa chủ trương có trong chiến lược phát triển TTCK mà Chính phủ đã đề ra trước đó.

Trong Quyết định 37/2020/QĐ-TTg cũng đã nêu rõ, thành lập VNX theo mô hình công ty mẹ - công ty con trên cơ sở sắp xếp lại HNX và HOSE, vì vậy, việc đầu tiên của VNX là phải kế thừa những giá trị cốt lõi và phát triển những thành quả đạt được của 2 Sở con. Thứ hai, VNX phải tích hợp những triết lý phát triển của hai sở để tạo ra được giá trị phát triển mới, nâng tầm phát triển trong giai đoạn mới chứ không phải đơn thuần chỉ là một phép cộng cơ học.

Để đạt được mục tiêu đó, Chủ tịch VNX Nguyễn Thành Long cho biết, VNX đã đề ra triết lý phát triển, làm kim chỉ nam cho hoạt động của mình và các công ty con gồm 2 bản sắc, 3 phương châm và 4 trụ cột. 3 phương châm là: Lấy khách hàng làm trung tâm; lấy công nghệ, sáng tạo đột phá làm trọng tâm; VNX và các công ty con phải hoạt động dựa trên nền tảng công bằng, công khai và minh bạch. 4 trụ cột là: Cầu bền vững; cung chất lượng; định chế trung gian chuyên nghiệp; thể chế theo quy luật thị trường và hội nhập quốc tế.

Người đứng đầu VNX cho hay: Cùng với việc kiện toàn bộ máy, tổ chức, từ tháng 9 tới nay, VNX đã hoàn thiện 7 quy chế nghiệp vụ (Quy chế niêm yết; quy chế đăng ký giao dịch; quy chế thành viên; quy chế công bố thông tin; quy chế công bố thông tin trên chuyên trang điện tử về doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp; quy chế về giao dịch hợp đồng tương lai) và 1 kế hoạch (tái cấu trúc thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp).

Đối với hoạt động niêm yết, đăng ký giao dịch, nhằm tạo điều kiện tốt nhất để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính, VNX đã dự thảo các quy định nhằm thống nhất các giải pháp kỹ thuật về cơ chế, phương thức giao dịch cho thị trường hiện nay như: lô, biên độ giao dịch… trên cả hai sàn GDCK.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỳ vọng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO