Kỳ vọng tăng lương

Hàn Minh 02/11/2022 06:56

Đề xuất thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng là tin vui đối với giáo viên hệ thống trường công lập. Điều này được kỳ vọng sẽ giảm bớt làn sóng giáo viên nghỉ việc thời gian qua vì thu nhập quá thấp từ lương.

Một tiết học của học sinh Trường Tiểu học Thịnh Hào (quận Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: Đỗ Tâm.

Làn sóng giáo viên nghỉ việc

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, số liệu tổng hợp của UBND 63 tỉnh, thành và tất cả các bộ, ngành Trung ương trong thời gian từ ngày 1/1/2020 đến 30/6/2022, trong lĩnh vực sự nghiệp giáo dục có 16.424 người nghỉ việc, bằng 41,53% tổng số công chức, viên chức thôi việc. Đây là một thách thức cho sự nghiệp công, trực tiếp chăm lo cho nhân tố con người, vì sự tiến bộ và công bằng xã hội.

Dù thừa nhận ở đây cũng có yếu tố tích cực để thúc đẩy thị trường lao động phát triển, tạo động lực, cơ hội để thúc đẩy khu vực công cơ cấu lại công chức, viên chức… song bà Trà cũng chỉ ra nguyên nhân tiền lương và thu nhập của công chức, viên chức còn thấp hơn so với thu nhập cùng với trình độ làm việc ở khu vực tư. Áp lực công việc đối với công chức, viên chức ngày càng cao. Trong lĩnh vực giáo dục đó là đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông. Hay môi trường làm việc ở một số nơi có thể nói chưa tạo được động lực, cơ hội cho công chức, viên chức phát huy tốt năng lực sở trường.

Như vậy, nếu tăng lương cơ sở lên mức 1,8 triệu đồng/tháng thì hơn 1 triệu nhà giáo đang công tác sẽ có mức lương cao hơn tùy theo khung, bậc thầy cô đang được hưởng.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang dự thảo Luật Nhà giáo để trình các cấp có thẩm quyền và trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ sáu, khóa XV (tháng 10/2024), thời gian có hiệu lực có thể là từ ngày 1/7/2025. Tại đây, quy định về lương, phụ cấp đối với nhà giáo sẽ có chế độ riêng.

Bà Nguyễn Thu Hà - Hiệu trưởng Trường mầm non Đại Hưng (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) cho biết, trường có tổng 45 giáo viên, thời gian vừa qua, có 3 trường hợp giáo viên nghỉ việc. Lý do các giáo viên đưa ra chủ yếu là do điều kiện hoàn cảnh gia đình. Nếu mức lương của giáo viên mầm non đảm bảo được nhu cầu cuộc sống thì có lẽ giáo viên đó cũng sẽ cố gắng gắn bó và cống hiến thêm cho nghề.

Thêm những giải pháp đồng bộ

Giáo viên là ngành đặc thù, chiếm số đông nhất trong các ngành nhưng hiện nay là viên chức nên theo Bộ GDĐT chưa thể ban hành được chế độ lương, phụ cấp đặc thù ngành. Tới đây khi xây dựng Luật Nhà giáo sẽ giúp luật hóa những ưu tiên nhất định trong việc xây dựng chế độ đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo tương xứng với vị thế của ngành, nghề.

Bày tỏ niềm vui với thông tin tới đây lương nhà giáo sẽ tăng, bà Nguyễn Thị Hà - Hiệu trưởng Trường mầm non Yên Sở (huyện Hoài Đức, Hà Nội) cho rằng, để mỗi ngày đến trường là một ngày vui với cả thầy và trò, vai trò của người đứng đầu đơn vị rất quan trọng. Đây không chỉ là người định hướng, mở lối và đi đầu trong công cuộc đổi mới mà còn phải lan tỏa, truyền cảm hứng cho đồng nghiệp để đội ngũ hỗ trợ nhau cùng phát triển. Trường mầm non Yên Sở đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng nâng cao kỹ năng công nghệ thông tin cho giáo viên, tạo điều kiện cho đội ngũ học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Khi được tôn trọng và tạo môi trường hạnh phúc, mỗi cá nhân sẽ phát huy hết năng lực của mình, thêm gắn bó với công việc của mình.

Bên cạnh đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn tỉnh Hải Dương) cũng cho rằng, việc cải cách tiền lương trong thời điểm này là vô cùng ý nghĩa. Tuy nhiên mức tăng 20,8% chỉ mang tính chất động viên tinh thần là chính. Về giải pháp lâu dài để giáo viên nói riêng và cán bộ, công chức, viên chức có thể yên tâm sống bằng lương hưởng ngân sách nhà nước, cần phải có nguồn lực đủ mạnh, tức phải song hành với rất nhiều giải pháp phát triển kinh tế. Cần tính đến việc trả lương theo vị trí việc làm để giải quyết phần nào rào cản đối với cán bộ, công chức có năng lực nhưng nhận được lương thấp.

Khẳng định việc cải cách tiền lương là mấu chốt vấn đề để giữ chân nhân tài, không bị chảy máu chất xám trong khu vực công, bà Nga nhấn mạnh cùng với sự nỗ lực của Chính phủ, các địa phương cũng đang nỗ lực có những chính sách ưu đãi đối với những người có tài năng, cống hiến cho địa phương.

Với riêng giáo viên mầm non, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn kiến nghị và hết sức mong muốn Quốc hội, Chính phủ xem xét tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non từ 35% lên 70% hoặc tương đương phụ cấp của cán bộ y tế cấp cơ sở. Theo thống kê, số giáo viên bỏ việc nhiều nhất là ở cấp mầm non, chiếm 40%.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỳ vọng tăng lương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO