Kỳ vọng vào việc sửa đổi Luật Đất đai

H.Vũ (thực hiện) 17/10/2022 07:00

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi chính thức được cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4 (khai mạc vào 20/10 tới). Theo bà Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, việc bỏ khung giá đất cần được đánh giá tác động nhiều chiều.

Bà Nguyễn Thị Việt NgaBà Nguyễn Thị Việt Nga.

PV: Thưa bà, qua quá trình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 4, nội dung dự thảo Luật Đất đai sửa đổi có được cử tri đề cập đến? Và nếu có thì cử tri có kiến nghị gì trong sửa đổi Luật Đất đai lần này?

Bà NGUYỄN THỊ VIỆT NGA: Luật Đất đai sửa đổi là dự án luật nhận được nhiều sự quan tâm nhất của cử tri. Qua việc tiếp dân, tiếp xúc cử tri tôi thấy hầu như cử tri đều quan tâm đến việc chúng ta sửa đổi Luật Đất đai và cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 này. Không chỉ người dân mà doanh nghiệp, chính quyền cũng rất quan tâm. Vì đất đai là vấn đề liên quan thiết thực đến mỗi gia đình.

Đặc biệt với những tỉnh có tỷ lệ người dân làm nông nghiệp cao thì đất đai là tư liệu sản xuất của người dân. Bên cạnh đó đất đai cũng chính là tài sản bởi mỗi một gia đình. Người dân quan tâm nhất hiện nay là Luật Đất đai hiện hành đang có quá nhiều vướng mắc do đó sửa đổi là rất cấp thiết. Người dân đang hy vọng những khó khăn vướng mắc ấy qua lần sửa đổi này sẽ được tháo gỡ.

Hiện người dân đang phản ánh về những bất cập nào, thưa bà?

- Người dân phản ánh quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn còn vướng mắc. Hay việc thực hiện các dự án có sự đền bù của doanh nghiệp thì quy định, quy trình đền bù trong luật hiện hành có nhiều vướng mắc. Nhất là những địa phương đang đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá có nhiều khu công nghiệp được hình thành, nhiều đất cần chuyển đổi. Nhân dân kỳ vọng qua việc Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Đất đai sẽ bớt đi những vướng mắc của luật hiện hành.

Bà đánh giá thế nào khi dự kiến dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sẽ được cho ý kiến trong 3 kỳ họp?

- Có những dự án luật chỉ xem xét thông qua theo quy trình 1 kỳ họp. Ví dụ tại kỳ họp thứ 4 tới có dự án Luật Phòng, chống rửa tiền. Còn đa số các luật khác được xem xét ở quy trình 2 kỳ họp. Có một số ít các luật được xem xét quy trình 3 kỳ họp, trong đó lần này có dự thảo Luật Đất đai sửa đổi do tính chất phức tạp của luật.

Riêng dự thảo luật đã dài mấy trăm trang, chưa kể phạm vi điều chỉnh của luật rất nhiều, liên quan đến nhiều luật khác hiện đang có vướng mắc. Nếu như sửa đổi Luật Đất đai chúng ta phải rà soát lại hệ thống các luật khác. Ví như Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, thậm chí Bộ luật Dân sự.

Chính vì khi xem xét thấy phạm vi điều chỉnh của luật rất rộng, liên quan nhiều lĩnh vực, thậm chí có lĩnh vực rất nhạy cảm như quy định về đất cơ sở tôn giáo chẳng hạn. Do đó Quốc hội xem xét luật theo quy trình 3 kỳ họp là hợp lý. Và theo tôi chúng ta cũng phải cực kỳ tích cực, nếu không khó có thể giải quyết hết các bất cập hiện nay, đặc biệt là sự xung đột pháp luật giữa Luật Đất đai với các luật khác cần phải rà soát kỹ lưỡng.

Vấn đề nhận được sự quan tâm hiện nay là dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã bỏ khung giá đất. Bà thấy việc bỏ khung giá đất và các quy định trong luật hiện đã đáp ứng yêu cầu thực tế chưa?

- Người dân rất quan tâm tới việc bỏ khung giá đất. Nhất là người dân ở vùng có đất đai nằm trong khu quy hoạch, khu dự án, khu đô thị. Về mặt lý thuyết nếu chúng ta bỏ khung giá đất là rất hay. Tuy nhiên để hiện thực hóa và làm cách nào thì lại cần có sự tính toán kỹ lưỡng. Vì bỏ khung giá đất, điều chỉnh theo giá thị trường lại nảy sinh hàng loạt bất cập cần đánh giá tác động nhiều chiều. Liệu chúng ta có quản lý được giá thị trường để không bị nhóm người nào đó thao túng? Vì thực tế đã xảy ra việc chỉ cần nghe phong thanh có dự án thì lập tức giá đất ở khu vực đó được đẩy lên rất cao. Thực tế cơn sốt đất lên kinh khủng nhưng đó chỉ là sốt ảo do một số “cò” đất, “đầu nậu” tự thổi giá đất lên.

Xác định giá đất theo giá thị trường, vậy quản lý giá thị trường như thế nào. Vừa qua đã có nhiều nhà đầu tư lao đao vì giá đất bị thổi do “cò” đất. Sau đó thì không thể nào thanh khoản được.

Vậy làm sao để Luật Đất đai sửa đổi lần này ngăn chặn được tình trạng này, thưa bà?

- Thời gian qua việc quản lý gặp nhiều khó khăn, tạo nên cơn “sốt ảo”. Nguồn lực xã hội đổ vào đất đai rất nhiều nhưng thực chất chỉ sinh lời ảo, tiền không đi vào sản xuất. Cho nên chỉ là vòng tròn “tiền từ túi người này sang túi người kia” không đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Việc để “sốt” đất rất nguy hiểm và kéo theo nhiều hệ luỵ xã hội khác. Ví dụ nhà đầu tư nhỏ lẻ không có kinh nghiệm nhiều khi phá sản hàng loạt vì “bẫy” bất động sản, kéo theo sự bất ổn trong xã hội. Chính vì vậy chúng ta cần xem xét thận trọng, đánh giá tác động nhiều chiều, chưa đánh giá đầy đủ thì chưa quyết định vì chính sách đất đai là chính sách rất lớn.

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này đã khiến bà cảm thấy hài lòng?

- Tôi vẫn còn băn khoăn một số nội dung. Vừa qua tại hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách vẫn còn nhiều nội dung có ý kiến khác nhau từ các Đại biểu Quốc hội. Tôi vừa tham dự hội thảo về sự không thống nhất giữa Luật Đất đai với các luật khác do Văn phòng Quốc hội và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức, thấy còn khá nhiều nội dung chúng ta cần phải bàn đi tính lại. Chắc chắn khi luật đưa ra Quốc hội cho ý kiến sẽ có nhiều ý kiến đóng góp.

Trân trọng cảm ơn bà!

Dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 4 do UBTƯ MTTQ Việt Nam tổng hợp cho thấy: Cử tri và Nhân dân trân trọng ghi nhận sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Nhà nước trong công tác xây dựng pháp luật, nhất là những đạo luật liên quan đến quyền làm chủ và đời sống của nhân dân như Luật Đất đai sửa đổi, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Khám chữa bệnh, Luật Thanh tra. Cử tri và Nhân dân kỳ vọng lớn vào Luật Đất đai sửa đổi sẽ giải quyết được nhiều vướng mắc hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỳ vọng vào việc sửa đổi Luật Đất đai

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO