Lá chắn phòng vệ thương mại

Nhật Minh 13/01/2016 09:15

Tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, chắc chắn hàng hóa trong nước sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với hàng hóa ngoại nhập ngay tại sân nhà. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt phải rất am hiểu các biện pháp phòng vệ thương mại mới có thể tự bảo vệ mình. Tuy nhiên, dường như nhiều doanh nghiệp hiện vẫn còn rất mơ hồ, với các biện pháp phòng vệ thương mại.

Thép Việt Nam sử dụng phòng vệ thương mại để ngăn thép ngoại
vào nội địa bán phá giá. Ảnh: TL.

Tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp ngoại

Nếu như các DN nước ngoài sử dụng công cụ phòng vệ thương mại rất chuyên nghiệp để đối phó với hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam thì ngược lại, lâu nay, các DN Việt Nam lại có vẻ rất thờ ơ với những biện pháp có thể bảo vệ chính họ. Điều này sẽ khiến DN Việt phải chịu nhiều thiệt thòi khi các Hiệp định Thương mại tự do (FTAs) ngày càng được Việt Nam đàm phán và ký kết nhiều hơn. Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu chúng ta không chủ động trong việc tìm cách bảo vệ mình thì chúng ta sẽ tự hủy hoại chính mình khi làn sóng hội nhập đang tràn đến ngày một mạnh mẽ.

Bước chân được vào các thị trường khó tính như EU, Hoa Kỳ, các DN xuất khẩu thủy sản, cụ thể ở đây là ngành cá tra, tôm của Việt Nam đã nhiều phen sóng gió khi phải đối diện với hàng loạt các vụ kiện về phòng vệ thương mại, nhất là đối với thị trường Mỹ. Tại thị trường này trong nhiều năm trở lại đây, cộng đồng DN xuất khẩu cá tra, tôm của Việt Nam đã thường xuyên bị rơi vào “vòng lao lý” khi liên tục bị các DN của Mỹ kiện vì cho là DN của chúng ta bán phá giá hay được Chính phủ trong nước trợ cấp các vấn đề về tài chính... Với việc các DN Mỹ sử dụng công cụ phòng vệ thương mại chuyên nghiệp như vậy, nên mỗi năm, các DN xuất nhập khẩu thủy sản của Việt Nam không ít lần phải chịu các “chiêu đòn” về áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp mà nước bạn đưa ra không ngoài mục đích bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước của nước bạn.

Không chỉ cá tra, tôm, các mặt hàng thực phẩm, nhiều sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam khác như thép, đồ nhựa... khi xuất khẩu sang thị trường nước ngoài cũng thường gặp phải những rào cản về phòng vệ thương mại.

Có thể thấy, các DN nước ngoài đã rất hiểu và sẵn sàng sử dụng công cụ phòng vệ thương mại bất cứ khi nào có thể để tự bảo vệ hàng hóa sản xuất của chính họ. Điều này là hoàn toàn đúng luật. Thế nhưng ở chiều ngược lại, dường như DN của Việt Nam lại có vẻ rất thờ ơ, thậm chí là mù mờ về các thông tin liên quan đến các biện pháp phòng vệ để có thể tự tạo cho mình những lá chắn bảo vệ chính mình.

Không nhiều doanh nghiệp biết phòng vệ thương mại.

Mù mờ thông tin

Bằng chứng là thời gian qua, việc thép Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam ảnh hưởng lớn đến giá cả cũng như tiêu thụ của các DN thép Việt Nam, thế nhưng, DN thép Việt Nam lại khá “hiền”, ít có phản ứng trước thực tế này. Trong vài ba năm trở lại đây, chỉ có một số ít vụ việc các DN Việt phản ứng trước sự xâm nhập quá “áp đảo” của hàng hóa ngoại nhập bằng cách khởi kiện việc DN ngoại bán phá giá. Đơn cử như ngành dầu ăn, hồi năm 2013, lần đầu tiên dư luận xã hội trong nước chứng kiến Việt Nam áp thuế chống bán phá giá với dầu ăn tinh luyện nhập khẩu.

Tuy nhiên, đó chỉ là một trong số ít vụ việc các DN Việt chủ động sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ hàng hóa của chính mình.

Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu các DN Việt không chủ động hơn trong việc tìm kiếm thông tin, sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ mình, thì thời gian tới DN của chúng ta sẽ rất khó có sống trước sự xâm nhập của hàng hóa ngoại nhập. Bởi tham gia các FTA, hàng rào thuế quan sẽ bị dỡ bỏ, đây là cơ hội cho hàng hóa nước ngoài sẽ xâm nhập vào thị trường Việt Nam, và hàng hóa trong nước sẽ cạnh tranh khốc liệt hơn ngay trên sân nhà.

Mặc dù việc sử dụng công cụ phòng vệ thương mại là rất cần thiết để đối phó với hàng hóa ngoại nhập, song theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, VCCI, DN Việt Nam còn đang có vẻ khá thờ ơ với các công cụ này. Bằng chứng là, phần lớn DN Việt chỉ “nghe nói” về các biện pháp phòng vệ thương mại qua báo chí, các phương tiện truyền thông, còn số DN trực tiếp tìm hiểu thông tin để có thể sử dụng nó một cách chuyên nghiệp thì vô cùng hãn hữu.

Ngoài ra, còn một vấn đề khác cản trở việc sử dụng công cụ phòng vệ thương mại của DN Việt Nam đó là yếu tố liên kết ngành, liên kết giữa các nhà sản xuất. Ông Nguyễn Phương Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh cho rằng, tính cộng đồng của DN nội địa không cao, các DN thường mới quan tâm tới lợi ích cục bộ mà chưa nhận ra tác động của sự gia tăng hàng nhập khẩu có thể tiêu diệt toàn bộ ngành sản xuất, không kể DN lớn hay nhỏ.

Trước thực tế này, bà Nguyễn Thị Thu Trang khuyến cáo, DN Việt Nam cần chủ động hơn nữa trong việc tìm hiểu, trang bị cho mình thông tin về các biện pháp phòng vệ thương mại để có thể tạo cho mình những tấm lá chắn khi cánh cửa hội nhập kinh tế quốc tế đã mở rất rộng. Muốn vậy, theo bà Trang, ngoài việc bản thân DN tự nỗ lực tìm hiểu thông tin, cần có cả sự hỗ trợ của các ngành hàng, hiệp hội và cơ quan quản lý, cơ quan truyền thông trong việc đưa ra các kênh thông tin hữu hiệu nhất giúp các DN có được những “cẩm nang” về phòng vệ thương mại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lá chắn phòng vệ thương mại

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO