Lá phổi đang bị xẻo dần!

NH - 5/2017   Nguyễn Hòa 02/08/2017 16:35

Mấy năm trước, lần đầu tiên tới Paris, dù thời gian chủ yếu tập trung học hành, chỉ rảnh rang vào dịp cuối tuần, tôi vẫn định sẵn một số nơi phải đến xem sao. Đó là những địa danh mà tôi đã biết qua đọc sách, như Khải hoàn môn, cầu Alexandre, lâu đài Versailles,... Dẫu chỉ tạt qua ngó nghiêng, chụp vài kiểu ảnh, tôi cũng hỉ hả lắm, vì được ngó còn hơn không bao giờ!

Khi tôi ngỏ ý muốn đến rừng Boulogne, anh bạn tôi chỉ tủm tỉm cười, rồi một chiều anh bảo tôi lên xe. Đường hai chiều xuyên qua rừng Boulogne khá rộng, hai bên cây cối xanh um. Tôi ồ à ra vẻ hiểu vì sao khu rừng được coi là “lá phổi” của Paris. Lạ một điều là ven rừng rất nhiều cô gái đứng một mình hoặc túm năm tụm ba. Tôi hỏi họ đứng đó làm gì, bạn lại tủm tỉm cười, cho xe chậm lại. Xe đến đâu thì cô nhún nhảy, cô rối rít vẫy tay, có cô tụt luôn cả váy xống, thậm chí có cô vạch luôn áo khoác ngoài, để lộ cơ thể thông thống... Biết họ là ai, tôi phá ra cười, nhắc anh bạn đi thôi. Anh cười, nói tiếp: “Để ông biết thêm tý nữa”, rồi cho xe chậm hẳn. Từ ven rừng, một cô cao to, tay xách túi lao ra. Cửa kính vừa hạ xuống là cô thò đầu vào xe, mùi nước hoa hăng hắc xộc vào mũi ngột ngạt. Lúc cô cất giọng ồm ồm, tôi biết cô là người chuyển giới. Không hiểu tiếng nên không biết nên xử lý thế nào. Nhưng anh bạn xua tay, nói gì đó rồi rồ ga phóng đi. Lúc ấy anh mới kể lâu nay rừng Boulogne trở thành “sào huyệt” của gái mại dâm!

Kể lại lần qua rừng Boulogne, tôi lại nghĩ tới rừng Hyde Park ở London, rừng Soignes ở Bruxelles, rồi những cánh rừng và công viên bát ngát cây xanh ở Berlin, Frankfurt, Amsterdam,...; nghĩ về những con đường cao tốc, ô tô to nhỏ như mắc cửi, hai bên đường thi thoảng thấy biển báo nhắc lái xe chú ý thú rừng. Ở các nước công nghiệp phát triển đó, họ chú trọng giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, luôn cảnh báo tình trạng con người tàn phá tự nhiên, kêu gọi mọi người quan tâm. Điều này cho thấy với họ, lời kêu gọi “coi tự nhiên như mẹ hiền” từ thời Phục hưng vẫn nguyên ý nghĩa. Nghĩ rồi nhớ tới những cánh rừng bạt ngàn, xanh ngát một màu mà mấy chục năm trước tôi đã đi qua, nhưng mấy chục năm sau trở lại chỉ còn những quả đồi trọc lốc không một khoảng cây xanh, chỉ thấy đất vàng ối, nhấp nhô ngút tầm mắt. Và mặc cho những ngày “tết trồng cây” rộn rã ba miền, mặc Nhà nước và nhân dân bỏ ra bao nhiêu công sức trồng cây gây rừng,... người ta vẫn cứ thản nhiên tàn phá thiên nhiên; vẫn hỉ hả và lấy làm sang trọng khi khoản đãi nhau mấy món ăn được chế biến từ hươu, nai, lợn rừng, cầy hương, kỳ đà, nhím, dúi, tê tê,... săn bắt từ rừng. Rừng đã lùi xa nhiều huyện lỵ, tỉnh lỵ miền núi.

Rừng đã lùi xa các con đường ngày trước nằm giữa ngút ngàn xanh. Hồi đường Hồ Chí Minh mới hoàn thành, hầu như đường chỉ đi giữa rừng và rừng, giờ thì đã khác, qua nhiều đoạn đường, rừng chỉ là vệt xanh mờ xa xa. Rừng đang là khái niệm mà đám trẻ ở đô thị, lúc còn bé tưởng là cây cối trong công viên, lớn lên thì biết về rừng qua vô tuyến truyền hình. Rồi, vừa nghe tin ở nơi này người ta chặt hàng nghìn ha rừng phòng hộ để xây khách sạn, resort,... thì đã nghe tin ở nơi kia người ta chặt hàng trăm ha rừng đầu nguồn để khai thác gỗ. Rồi người ta phá rừng ngập mặn có chức năng phòng hộ đê biển để lấy mặt bằng làm công nghiệp; rồi phá rừng phòng hộ làm sân golf,... Và ngay ở Hà Nội, Công viên Thống nhất - một địa chỉ văn hóa có tuổi hơn nửa thế kỷ và không rộng rãi cho lắm, cũng có lần bị người ta lăm le xẻo cỡ 10.000 mét vuông để xây khách sạn!...

Năm 1974, đóng quân gần Đền Hùng. Chủ nhật đầu tiên mấy chú tân binh chúng tôi rủ nhau lên thăm Đền. Vì hồi còn nhỏ đi sơ tán đã có mấy năm ở rừng, nên thấy Đền Hùng có nhiều lớp cây cối tôi không ngạc nhiên lắm, trong khi đó mấy bạn bè tôi thì trầm trồ, vì lần đầu tiên được đi trong rừng. Nhưng đứng dưới gốc cây chò chỉ ngước nhìn lên thì tôi cũng phải trầm trồ. Không biết cây đã bao nhiêu tuổi, nhưng chu vi phải hai người ôm, thẳng tắp, cao vút từ gốc lên ngọn. Sau nghe các cụ giải thích: loại cây này thuộc giống chò, nhìn như ngón tay chỉ thẳng lên trời nên gọi là chò chỉ!

Sau đó vài năm, bộ đội và nhân dân địa phương được huy động chuyển chò chỉ từ trại cây lâm nghiệp cạnh đường Tuyên Quang - Phú Thọ về trồng bên Lăng Bác thì quả là công phu. Cây còn nhỏ, đường kính khoảng 20 cm đào nguyên gốc với vầng đất mấy mét khối nên mỗi ô tô chỉ chở được một cây, gốc đặt trên thùng xe, ngọn gác lên ca-bin. Đoàn xe chở cây trống rong cờ mở, đám lính tráng được cử tháp tùng cây về Hà Nội mặt mũi hơn hớn. Sau mấy chục năm, hàng chò chỉ chúng tôi trồng bên đường Hùng Vương ngày ấy giờ đã cao vút, nhưng chưa là gì so với cây chò chỉ trên Đền Hùng, có lẽ hàng trăm năm nữa mới đạt được tầm cỡ như vậy.

Lại nhớ ngày nọ đến một bản người Lự ở Lai Châu. Nhìn xa xa thấy một khoảng rừng xanh khác thường, vươn hẳn lên so với các khu rừng xung quanh, tôi hỏi bác trưởng bản. Bác bảo đó là khu “rừng thiêng”, nơi bà con dân bản thờ Thần Rừng. Tò mò, tôi muốn đến xem. Bác dẫn tôi đi. Khu rừng nguyên sinh, hoang sơ được dọn dẹp cẩn thận, vượt lên bụi cây lúp xúp ở tầng dưới là những cây cổ thụ vừa to cao, cành lá vạm vỡ, dây leo to nhỏ đủ loại bò loằng ngoằng cả dưới đất lẫn trên cây.

Bàn thờ Thần Rừng khá đơn giản, là tảng đá to và bằng phẳng trên đặt bát hương nhỏ, mái lợp sơ sài. Bác trưởng bản kể hằng năm đến ngày 3.3 âm lịch, các gia đình trong bản tập chung tổ chức lễ tạ ơn Thần Rừng đã mang may mắn đến cho mọi người, cầu mong Thần Rừng phù hộ trong năm mới. Sau buổi lễ cả bản cùng oánh chén, múa hát. Khu rừng được cả bản bảo vệ nghiêm ngặt, ai chặt phá sẽ bị phạt. Loanh quanh ngó nghiêng, thấy một gốc cây to bằng cái nong cưa sát gốc, vẫn còn lại những cái rễ xù xì phủ đầy rêu, to cỡ bắp đùi ngổn ngang và nhấp nhô trên mặt đất. Nghe tôi hỏi, bác trưởng bản bảo đấy là gốc cây năm trước cả bản đã làm lễ xin Thần Rừng cho phép chặt về làm trường học cho con em trong bản. Một cây cũng đủ gỗ để làm tám gian lớp học, mới biết cây to chừng nào! Bác trưởng bản kể lúc nhỏ đã thấy cây trong “rừng thiêng” to như thế, tức là chí ít khu rừng cũng có tuổi vài trăm năm.

Mỗi khi đọc báo, xem vô tuyến truyền hình thấy đưa tin về chặt phá rừng vô tội vạ, mỗi khi qua những khu rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ tan hoang,… lại nhớ những cánh rừng trong nam ngoài bắc vốn vẫn được coi là “lá phổi” của quốc gia, nhớ những khu rừng được coi là “lá phổi” của các thành phố, nhớ tới “rừng thiêng” cùng bàn thờ Thần Rừng của một số tộc người miền núi mà tôi đã gặp…

Nhiều năm nay, có một nghịch lý đang diễn ra trên đất nước này là người trồng rừng, giữ rừng thì cứ trồng và giữ, còn người phá rừng thì vẫn ngang nhiên vác dao, vác máy vào rừng. Nhìn những cây gỗ bị đốn hạ có đường kính cả mét, tôi đoán chí ít cũng mọc vào đầu thế kỷ 20. Tài tình là có nơi, giữa thanh thiên bạch nhật, hàng trăm ha rừng bị chặt phá ngổn ngang, xe cộ tấp nập, thậm chí rừng khoanh nuôi, tái sinh bị phá tại khu vực rừng chỉ cách UBND xã chưa đầy cây số mà chính quyền và cơ quan chức năng không hay biết! Tới khi báo chí lên tiếng, người ta tỏ vẻ ngạc nhiên và tuyên bố… sẽ điều tra! Chẳng lẽ ở một số địa phương và một số cơ quan chức năng, lại có kiểu cán bộ quản lý rừng bằng cách ngồi nhà để xem xét hay sao? Liệu có thể tin họ không biết về những đoàn xe chở gỗ khai thác trái phép chạy rầm rập ngày đêm trên đường?

Mấy chục năm rồi, để bảo vệ môi trường, một trong rất nhiều công việc cả thế giới phải chung sức chăm lo là bảo vệ rừng-“lá phổi” của loài người. Mọi người đều biết tàn phá rừng sẽ đẩy tới hệ lụy như thế nào, nhất là khi đã nếm mùi khí hậu thay đổi bất thường, nhiệt độ tăng, nước biển dâng cao, ngập mặn đe dọa nhiều địa phương, thành phố trong tương lai gần…

Nên thật kinh ngạc khi thấy có người nhân danh phát triển kinh tế, phát triển du lịch để thản nhiên xẻo phăng “lá phổi” của đất nước, địa phương, của đồng bào, chỉ nhằm tăng túi tiền, bất chấp hậu quả cho cả hiện tại và tương lai. Và tôi nghĩ ai đó đang cố tình xẻo “lá phổi” của đất nước là chỉ quan tâm lợi ích của họ, không nghĩ tới lợi ích con cháu. Không biết họ có tự đặt câu hỏi: Khi rừng nguyên sinh không còn, cây cổ thụ chặt hết, rừng thay thế chỉ mới là thứ cây cho củi chưa cho gỗ và trao lại cho con cháu những cánh rừng chủ yếu chỉ có thể sản xuất giấy, làm cốp-pha (coffrage),… thì con cháu sẽ kính trọng, biết ơn hay sẽ trách móc cha ông?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lá phổi đang bị xẻo dần!

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO